Việc xử lý ở ta
Trong bộ dạng tả tơi, rách rưới ngồi lê lết ở các ngã tư đèn xanh đèn đỏ, nơi nhiều người qua lại trên địa bàn thành phố. Ở các điểm khác như chợ, chùa chiền... cũng không khó để có thể bắt gặp cảnh những người ăn xin khắc khổ. Trong đó có cả phụ nữ trên tay bồng những đứa trẻ lơ mơ như đói ăn, ngặt nghẹo, thất thểu cầm nón xin tiền người qua lại; thanh niên sức dài vai rộng đầu bù tóc rối, khập khiễng đôi chân… Những cử chỉ ấy như “bùa hộ mệnh” đánh thẳng vào tâm lý thương cảm của mọi người để được giúp đỡ.
Tôi quan sát, đa phần người đi đường, đi chợ đều lắc đầu từ chối. Tuy nhiên, có không ít người đã nhủ lòng thương móc tiền trong túi ra bỏ vào nón người ăn xin. Người nhiều thì 20.000 đồng, 10.000 đồng, người ít cũng vài ba ngàn đồng tiền lẻ. Với tôi chưa cho ai, không phải mình tiếc gì vài ba chục ngàn đồng hay ít đồng tiền lẻ, mà thấy việc cho những người ăn xin như vậy không biết lòng tốt của mình có đặt đúng chỗ hay không.
Việc người ăn xin ở chợ, đường phố cũng đã được báo chí phản ánh nhiều, cảnh chăn dắt người ăn xin cũng đã được đề cập đến. Thêm vào đó, việc cho tiền ấy vô hình trung tạo nên một bộ phận ăn bám xã hội, sống dựa vào tình thương của cộng đồng. Thậm chí, tạo ra các tổ chức chăn dắt ăn xin, bóc lột sức lao động người già, trẻ em, người tàn tật… từ đó phát sinh các hệ lụy xã hội khôn lường. Chưa kể đến làm xấu bộ mặt xã hội, nhất là hiện nay thành phố chúng ta đang phấn đấu trở thành đô thị hiện đại, thông minh, đáng sống. Đó là lý do mà tôi không muốn cho tiền những người ăn xin.
Ngành chức năng ở Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng đã triển khai nhiều công văn, chỉ thị tăng cường xử lý tệ nạn người lang thang ăn xin. Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị các địa phương, nhất là TP. Phan Thiết tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả quy trình rà soát, quy chế phối hợp, xử lý người lang thang ăn xin trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai tốt các hoạt động tuyên truyền và chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các điểm du lịch tăng cường phối hợp với địa phương trong giải quyết vấn đề người lang thang ăn xin. Tuyệt đối không cho người lang thang vào khu vực đơn vị quản lý để bán hàng rong kết hợp ăn xin và bán vé số.
Ngoài ra, Công an tỉnh chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp theo quy định. Kịp thời phát hiện và xử lý các đường dây chăn dắt, lạm dụng, bóc lột trẻ em...
Nghĩ về xứ người
Tuy vậy, ăn xin như một căn bệnh khó trị, dai dẳng xuất hiện ở khắp nơi. “Điều trị” nó, mỗi nơi mỗi khác, riêng ở ta thì chủ yếu như cách xử lý trên.
Thực tế, với cách xử lý như lâu nay chỉ thuyên giảm chứ không “khỏi bệnh”, vì truyền thống “lá lành đùm lá rách”, người Việt thường động lòng trắc ẩn, sẵn sàng giúp đỡ những người sa cơ lỡ vận, người già, trẻ nhỏ, người tàn tật, những người có số phận không may mắn. Chính vì vậy, nhiều người lợi dụng lòng trắc ẩn ấy để trục lợi, để không phải lao động mà vẫn có thể kiếm sống là việc làm không thể chấp nhận được, đáng bị lên án.
Ở một số nước trên thế giới, như Đan Mạch, Na Uy, Thái Lan, Indonesia… có cách “trị” khá rõ ràng. Với Thái Lan không chỉ phạt tiền, phạt tù với người ăn xin mà còn phạt tiền cả người cho tiền ăn xin. Quy định này được Thái Lan thực thi ngay sau Đạo luật Kiểm soát người ăn xin được công bố trên Công báo Hoàng gia Thái Lan cách đây 4 năm. Các mức phạt với lần đầu, lần thứ 2, lần thứ 3 và lần thứ 4 lần lượt là 500 baht, 2.000 baht, 5.000 baht và hơn 10.000 baht. Ngoài ra, người vi phạm có thể phải đối mặt với 1 tháng tù hoặc 10.000 baht theo đạo luật. Bên cạnh đó, họ sẽ được đưa vào các trung tâm bảo vệ để phát triển chất lượng cuộc sống và bỏ việc ăn xin. Một khi được nhận vào các trung tâm như vậy, người vi phạm không thể rời khỏi nếu không được phép hoặc phải nhận mức án một tháng tù hay 10.000 baht. Những người giúp đỡ hoặc hỗ trợ người ăn xin phải đối mặt với mức án 2 năm tù hoặc chịu phạt 20.000 baht. Trong khi đó, những kẻ thu lợi từ những người ăn xin như thuê hoặc xúi giục có thể phải chịu mức án 3 năm tù hoặc chịu phạt 30.000 baht.
Tương tự, luật pháp Indonesia quy định, ai cho tiền người ăn xin sẽ bị phạt tù 3 tháng hoặc bị phạt tiền 1,5 triệu rupiah (hơn 2,5 triệu đồng VN). Người ăn xin cũng sẽ bị giam giữ tối đa 3 tháng hoặc nộp phạt 5 triệu rupiah (8,3 triệu đồng VN). Điều ấy thể hiện, quốc đảo này muốn cạnh tranh với nước láng giềng Singapore, vốn có những quy định nghiêm ngặt về trật tự nơi công cộng.
Ở ta không xem ăn xin là phạm pháp và không phạt người cho ăn xin vì truyền thống “lá lành đùm lá rách”, nhưng cũng phải xem lại... Đặc biệt là cách cho tiền người ăn xin nếu không muốn trở thành người tiếp tay cho hành vi xấu. Tạo phản ứng ngược hoặc chống lại các giải pháp loại bỏ nạn ăn xin của các ngành chức năng.