Theo quyết định phê duyệt đầu tư của UBND tỉnh, dự án đường trục ven biển đoạn Hòa Thắng – Hòa Phú (phân kỳ đầu tư 2014 – 2016), có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Điểm đầu tại ngã ba Hồng Thắng (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình) và điểm cuối tại mố B cầu Sông Lũy (xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong). Bề rộng nền đường từ 45,5 – 50 m, trong đó bề rộng mặt đường 24 m (gồm 2 làn đường rộng 12 m/làn, ở giữa là dải phân cách rộng). Đường dài hơn 23 km băng qua các đồi cát lớn, nhỏ nhấp nhô. Những đồi cát trắng ấy đã trở thành các điểm vui chơi, tham quan, trượt cát của nhiều du khách và thanh, thiếu niên địa phương. Thời gian gần đây, với sự xuất hiện của hàng loạt những cánh quạt gió khổng lồ, cung đường càng trở nên thơ mộng và hùng vĩ hơn. Đường ven biển Hòa Thắng - Hòa Phú ngoài mục tiêu phục vụ kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch biển còn là điều kiện thuận lợi để củng cố, giữ vững an ninh quốc phòng tại Bắc Bình, Tuy Phong. Ngoài ra, còn là trục giao thông ven biển của quốc gia, làm chức năng tuyến tránh quốc lộ 1A khi xảy ra ách tắc giao thông đoạn từ Phan Thiết đến Tuy Phong.
Tuyến đường đoạn Hòa Thắng – Hòa Phú nối các trục giao thông liên tỉnh để phát triển kinh tế, du lịch ở địa phương. Ảnh: Ngọc Lân
Nhiều đoàn du khách từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương sau một buổi trải nghiệm, chụp hình đều có chung nhận xét: “Cung đường ven biển Hòa Thắng – Hòa Phú dù không quá dài nhưng đủ để giúp du khách lạc vào thế giới mới lạ. Một thế giới tưởng chừng chỉ có trong các bộ phim điện ảnh. Nơi có biển, có cồn cát, có quạt gió khổng lồ và có cả sóng dội vào bên cung đường của kẻ lữ hành”.
Với công trình giao thông đường bộ cấp II này, các huyện phía bắc của tỉnh còn có thêm điều kiện mời gọi thu hút đầu tư, khai thác thế mạnh tiềm năng để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Không những sản xuất nông nghiệp được hưởng lợi từ dự án mà khu vực tuyến ven biển Hòa Thắng – Hòa Phú cũng có cơ hội chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mà trước hết tập trung vào công nghiệp chế biến hải sản, khai thác khoáng sản. Đặc biệt đối với lĩnh vực du lịch – dịch vụ, một khi “đường lớn” Hòa Thắng – Hòa Phú đã mở thì các nhà đầu tư khắp nơi lại tìm về để khởi động những khu nghỉ mát, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí ven biển.
Ông Đặng Duy Thông – Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng (Bắc Bình) cho biết: Tuyến đường Hòa Thắng – Hòa Phú hoàn thành không chỉ làm thay đổi diện mạo một vùng đất, mà còn góp phần nâng cao đời sống của người dân trong xã. Từ năm 2017 đến nay, thu nhập bình quân đầu người đều tăng, hiện đang ở mức 46,5 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, những dự án điện gió hình thành đóng góp vào nguồn thu ngân sách địa phương rất lớn, trong đó có 2 dự án điện gió đã đi vào hoạt động là Thuận Nhiên Phong và Thái Hòa. Từ chỗ dựa vào nông nghiệp thuần túy thì nay người dân biết làm du lịch, kinh doanh, buôn bán, phát triển đa dạng ngành nghề. Sự chuyển dịch này theo đúng chủ trương của Nghị quyết Đảng bộ huyện, xã đề ra.
Bình Thuận đang hướng đến một trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia, vì thế việc đầu tư trục đường Hòa Thắng – Hòa Phú đã góp phần nối liền mạch tuyến ven biển của tỉnh, kéo dài từ Hàm Tân – La Gi – Hàm Thuận Nam – Phan Thiết – Bắc Bình đến tận Tuy Phong. Từ đây góp phần làm đa dạng sản phẩm, dịch vụ cho du lịch Bình Thuận và giữ chân du khách lưu trú tại địa phương với thời gian lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn…