Theo dõi trên

Vị vua Chămpa với pho tượng độc lạ

15/03/2024, 05:11

Kế tục tổ tiên từ nhiều thế kỷ trước về văn hóa, tín ngưỡng khi một vị vua qua đời dù bất cứ lý do gì thì vương triều Chămpa có trách nhiệm tạc tượng quân vương để ghi nhận công lao của vị vua đó cho đời sau.

Tượng vua được đặt trong đền tháp và thời kỳ sau là ở đền thờ, vì thế nghệ thuật điêu khắc Chăm gắn liền với kiến trúc, phục vụ cho những công trình kiến trúc và sinh hoạt tôn giáo. Một trong những tác phẩm điêu khắc đá tuyệt đẹp và giá trị ấy là tượng vua Po Nrop (1651 - 1653) đặt ở đền thờ thôn Tuy Tịnh 2, xã Phong Phú, huyện Tuy Phong.

tuong.jpg
Tượng vua Po Nrop và hoàng tử Cei Sit Kahôông.

Đền thờ vua Chăm Po Nrop

Những năm 80 của thế kỷ trước ít ai biết đến ngôi đền này, bởi đường đi đến đó rất khó và tiếp cận được đền thờ cũng thật khó khăn. Tôi đã từng đến đó ba lần, nhưng chỉ được vào đền một lần với chiếc máy ảnh trắng đen hiệu Hải Âu cũ kỹ sản xuất năm 1960 và cũng tìm kiếm được tư liệu ít ỏi, có phần khó hiểu vì những truyền thuyết trong dân gian Chăm ở khu vực này rất khác nhau, trong sách vở và sự hiểu biết về vị vua này chưa nhiều.

Kết hợp giữa khảo sát thực tế và lời kể của các vị cao tuổi, trí thức người Chăm ở địa phương với tài liệu dân gian, sách vở chép tay cho biết, ngôi đền nằm trên đỉnh ngọn đồi cao hơn 10m so với khu dân cư Tuy Tịnh, nơi hậu duệ người Chăm của ngài đang sinh sống. Trước năm 1945 người Chăm ở đây cư trú bên làng cũ có tên gọi là Bah Plom, cách làng Chăm hiện nay khoảng 1,5km.

Po Nrop là em cùng cha khác mẹ với vua Po Rome (1627 - 1651) – Khi nói đến Po Nrop thì phải nhắc đến vua Po Rome (Pô Rômê). Bởi ngài trị vì vương quốc Chămpa suốt 27 năm liên tục (1627 – 1651) mà sử Chăm qua các thế hệ không bao giờ quên và ca ngợi ngài là vị vua có nhiều công trạng đối với sự nghiệp phát triển của dân tộc trong mọi lĩnh vực như: Phát triển kinh tế, chính trị, ngoại giao và văn hóa... Với công lao to lớn như vậy nên khi ngài mất đi được cộng đồng người Chăm tôn thờ như một vị thần.  

Sau khi vua Po Rome mất, người em là Po Nrop lên nối ngôi. Sinh thời ông từng là vị tướng dưới vương triều vua Po Nit (1603 -1613). Ở ngôi vua trị vì vương quốc từ 1652 - 1653. Thời gian trị vì ngắn ngủi của Po Nrop là thời gian chiến tranh ác liệt, liên miên với chúa Nguyễn Phúc Tần bên Đại Việt.

Do có ý định lấy lại các vùng đất trước đây mà Po Rome để mất vào tay chúa Nguyễn, trước mắt là vùng đất Phú Yên. Nên dù chưa phục hồi sức mạnh vì những thất bại trước đó của vua Po Rome nhưng sau khi làm quốc vương Chămpa được 1 năm, năm Quý Tỵ (1653) Po Nrop đã vội đưa quân vượt Đại Lãnh ra đánh phá quấy nhiễu phủ Phú Yên. Đang trên thế mạnh, chúa Nguyễn Phúc Tần sai Hùng Lộc là một vị tướng tài đưa quân đến Phú Yên dẹp loạn, quân Chămpa thất bại phải tháo lui. Tướng Hùng Lộc cho quân đuổi theo vượt biên giới qua đèo Hổ Dương (núi Thạch Bi) đuổi đến tận Kinh thành Chămpa.    

screenshot_1710426994.png

Vua Po Nrop với pho tượng độc lạ

Gần như tất cả các di tích kiến trúc xưa của vương quốc Chămpa ở miền Trung, như Thánh địa Mỹ Sơn, những khu tháp và bảo tàng trưng bày tượng ở Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận... là những nơi phát hiện, trưng bày nhiều loại tượng sa thạch, đất nung và đồng là những chất liệu được chạm khắc thành hoa văn vô cùng tinh xảo, sống động thể hiện được nét văn hóa độc đáo của thời xa xưa có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVII. Tuyệt nhiên không có một tượng nào có ý tưởng và kiểu dáng độc lạ như tượng vị vua Po Nrop (1651 - 1653) ở xứ Panduranga (Ninh Thuận – Bình Thuận). Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến bức tượng độc lạ và quý hiếm này.

Đối lập với kiến trúc và ngoại thất của ngôi đền, bên trong đặt pho tượng Po Nrop và con trai trên bệ Yoni bằng đá; phía sau thờ ông bà và cha mẹ ngài; gian bên phải theo hướng của đền thờ bà hoàng hậu Kaphir và phía bên trái thờ những người “chết xấu” trong dòng họ.

Điều kỳ lạ của pho tượng là chung một đế nhưng có hai nhân vật được thể hiện: Vua Po Nrop to cao hơn và người con trai tên là Cei Sit Kahôông trước bụng. Mọi chi tiết của 2 tượng giống nhau, chỉ khác là vua cha có ria mép.

Khi chúng tôi nghiên cứu làm lý lịch khoa học cho ngôi đền và pho tượng, trong các buổi hội thảo nhỏ, các vị già làng và chức sắc cho biết: Đương thời vua Po Nrop có tham vọng sau này người kế tục ngai vàng phải là con trai ngài, không phải bàn cãi về sau, nên phải được thể hiện công khai trên pho tượng đôi kỳ lạ này. Các vị già làng và chức sắc Chăm địa phương cho biết thêm: Năm 1947, sau khi đánh sập ngôi đền, giặc Pháp dùng dây xích cho máy bay trực thăng cẩu pho tượng ngài và hoàng tử lên nhưng không thể nào cẩu lên được. Vì hai cha con ngài không chịu đi. Chúng đã lấy đi pho tượng mẹ ngài và bà hoàng hậu Kaphia tạc bằng đá chạm khắc rất đẹp.

Tham khảo qua tài liệu của nhiều nhà nghiên cứu và đến những nơi trưng bày di tích Chămpa, chưa từng thấy một pho tượng đôi nào như tượng đôi của vua Po Nrop và con trai. Tham vọng của vua Po Nrop là muốn hoàng tử Cei Sit Kahôông nối nghiệp nhưng không thành. Bởi người kế vị là vua Po Thot (1653- 1659). Dù vậy thì đó là ý tưởng để có tượng độc lạ và hiếm hoi trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Chăm xưa.

Trong một công trình nghiên cứu được công bố (Inventaire descriptif des monuments cams de l'Annam), nhà khảo cổ người Pháp Henri. Parmentier khảo tả: “Tượng được tạc trên một tấm đá lát thẳng đứng có trang điểm những tràng hoa văn theo bìa, một đường dây hoa hồng bốn lá. Tấm đá có hình thể một cái Kút thông thường, phía sau có cạnh sắc, một điểm đặc biệt khá hấp dẫn nơi tượng này là phía trước nó một bộ phận trong cơ thể, một nửa thân người khác nhỏ hơn, nhưng cái đầu thì y hệt; theo người Chăm đó là sự trình bày biểu tượng của đứa con trai…”.

Theo tài liệu của nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Kinh Duy Trịnh: “Po Nrop lên nối ngôi vào năm Nhâm Thìn đến năm Quý Tỵ (1652 - 1653) làm vua được 2 năm tại kinh đô Pangduranga. Trong đền có tượng Pô Nrop ngồi trên bệ cao, phía trước ngài là tượng người con trai có tên là Cei Sit Kahôông. Trong đền phía trước cửa còn có bộ Linga và Yôni thờ vị thần Ginôr Patri. Theo cổ thư để lại thì Po Nrop sinh năm Sửu, là em cùng mẹ với Po Rome”.

Tham quan ngôi đền và pho tượng ở bất cứ thời điểm nào, mọi người sẽ thán phục tài nghệ của các nghệ sĩ Chămpa, đã thể hiện một cách xuất sắc trình độ tư duy của mình trên tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp với những họa tiết hoa văn đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình như vậy để dâng lên nhà vua đáng kính của họ. Nhiều nhà nghiên cứu nhận xét: Tượng vua Po Nrop và con trai ngài to và đẹp như tượng của thời kỳ vương quốc Chămpa đang thời hưng thịnh.

NGUYỄN XUÂN LÝ


(0) Bình luận
Bài liên quan




Ra mắt tác phẩm “Tay thơm chạm cúc chiều trở gió”
BTO-Tối 29/9, Tác giả - Nhà thơ Nguyễn Thị Liên Tâm tiếp tục cho ra mắt tác phẩm mới: “Tay thơm chạm cúc chiều trở gió”, tại Tp. Phan Thiết.
Nổi bật
Nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi
Năm học 2023 - 2024, ngành giáo dục tỉnh đã tập trung đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả cả về chất và lượng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG). Qua đó, trong các kỳ thi HSG các môn văn hóa cũng như trong các giải thể thao cấp tỉnh và cấp quốc gia đạt thành tích cao.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vị vua Chămpa với pho tượng độc lạ