Theo dõi trên

Đừng xem là chuyện nhỏ

05/10/2019, 10:11

BT- Hình thành nhân cách cho trẻ là một quá trình lâu dài, đòi hỏi có sự kết hợp từ nhiều phía, gia đình, nhà trường và  xã hội. Trẻ em như trang giấy trắng, hàng ngày các em được nghe thầy cô, cha mẹ dạy bảo, nhìn các việc làm của người lớn mà học hỏi, đứa trẻ nào cũng có một thói quen là hay bắt chước.

                
Một tiết học sinh động giáo dục đạo đức    trong môn giáo dục công dân. Ảnh minh họa

Xin kể vài mẩu chuyện nhỏ mà chúng ta hay gặp trong đời thường… Giờ đạo đức ở lớp học, bé vừa được học về ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi ở nơi công cộng, rác phải được bỏ đúng nơi quy định. Trưa, mẹ đón bé về, leo lên xe, tay bé vẫn cầm hộp sữa đang uống dở. Mẹ phần sợ con té, phần sợ sữa văng vào áo đẹp của mẹ nên quát con: “Uống nhanh, vứt hộp xuống đường đi”. Bé sợ mẹ la, vứt vỏ hộp sữa xuống đường cái phạch. Mẹ chở bé rồ xe đi mất.

Gia đình tổ chức buổi sinh hoạt ở biển, đứng lên đi về để lại một bãi chiến trường rác. Hình ảnh này nhan nhãn khắp các bãi biển, các công viên vào những ngày lễ, tết. Tất nhiên, trong các cuộc vui đó không ít bố mẹ dẫn theo trẻ con.

Ông bố chở con đi ngoài đường, vừa chạy xe vừa khạc nhổ, là những hình ảnh phản cảm mà ta vẫn nhìn thấy.

Một lần, có người mẹ dẫn con đi chơi công viên trước nhà tôi. Cô ta bẻ mấy cành phượng rất đẹp cho con cầm. Một bác hưu trí nhìn thấy, phê bình. Cô ta còn gân cổ cãi: Bộ cây ông tưới hả? Mà cô ta là người có học, đang là một công chức đấy.

Tôi đang đứng gần đó, thấy bực nên cũng góp lời: Em sai tè le rồi còn cãi chày, cãi cối. Ai cũng như em thì mấy cái cây làm sao lớn, làm sao nở hoa. Mà con em đang nhìn vào hành động của em đó. Phải dạy cháu biết bảo vệ của công chứ em… Cô ta giận dỗi bỏ đi. Nhưng từ đó không thấy bẻ hoa nữa, gặp tôi vẫn chào hỏi bình thường.

Mọi người đều đổ lỗi cho giáo dục, cho nhà trường, cho thầy cô, cho xã hội... khi một đứa trẻ phạm lỗi, khi một con người bị lên án về nhân cách, cũng có một phần đúng.

Nhưng  chúng ta cần nhìn thấy một điều đơn giản -  chính bản thân, gia đình là nơi cần làm gương trước nhất. Đừng bàn nhiều đến chuyện to lớn, vĩ mô, các ông bố, bà mẹ hãy vì chính con cái của mình mà thay đổi suy nghĩ, kiểm soát những thói quen xấu nhỏ nhặt hàng ngày. Các bé đang nhìn vào việc làm của chúng ta hàng ngày, hàng giờ đó. 

Ngô Thanh Tuyền



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng xem là chuyện nhỏ