Theo dõi trên

Bệnh viện đa khoa Bình Thuận: Xử lý chất thải y tế thân thiện môi trường

19/11/2018, 08:53

BT- Xử lý chất thải y tế nguy hại bằng bằng công nghệ cắt, hấp khử trùng thân thiện với môi trường thay cho công nghệ lò đốt xả khói ra môi trường trước đây. Đó là giải pháp để giải quyết vấn đề bức xúc cho ngành y tế và cộng đồng.

 Bệnh viện đa khoa Bình Thuận tiếp nhận dự án “Hỗ trợ xử lý chất thải y tế từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới”; với máy xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm bằng công nghệ cắt, hấp khử trùng thân thiện với môi trường, hệ thống xử lý nước thải 200 m3/ngày đêm (trên khu đất rộng 1.814,1 m2 do UBND tỉnh cấp). Tổng số vốn đầu tư hơn 17 tỷ đồng. Dự án bắt đầu khởi động từ năm 2013, đến nay cơ bản hoàn thành và dự kiến sẽ được kiểm định độc lập đầu ra và đi vào hoạt động vào tháng 12/2018. Bên cạnh đó, lượng rác thải y tế nguy hại từ các bệnh viện, trung tâm khác trong cụm (Trung tâm Y tế Phan Thiết, Hàm Thuận Bắc, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Y học cổ truyền - phục hồi chức năng…) cũng đưa về đây xử lý theo mô hình cụm.

                
      
Máy xử lý chất thải y tế nguy hại bằng công    nghệ cắt, hấp khử trùng thân thiện với môi trường.

Được biết, tên của máy xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo phương pháp hấp ở nhiệt độ cao kết hợp cắt nghiền sau tiệt trùng để trở thành rác thải thông thường là Akar Makina Sanayi AS (Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất). Công suất 1 lần vận hành là 65kg/h; không xuất hiện khói bụi, đảm bảo vệ sinh, an toàn trong quá trình hoạt động. Thời gian vận hành của máy 5 giờ/ngày.

Bác sĩ Nguyễn Quang Thời (Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bình Thuận) cho biết: Năm 2005, Bệnh viện đa khoa Bình Thuận (mới) bắt đầu hoạt động, quy mô 500 giường bệnh; có lò đốt chất thải y tế phát sinh trước khi thải ra môi trường với công suất 50 kg/mẻ/3 giờ; hệ thống xử lý nước thải công suất 300 m3/ngày đêm. Theo thời gian, số giường bệnh tăng thêm 350 giường, nâng tổng số hiện nay 850 giường bệnh; đi cùng, lượng chất thải phát sinh cũng tăng thêm. Chẳng hạn, khối lượng chất thải rắn y tế nguy hại lây nhiễm trung bình 160 kg/ngày; chưa kể một số loại chất thải khác như: chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại không lây nhiễm… Riêng nước thải y tế dao động gần 400 m3/ ngày đêm.

Sau thời gian sử dụng, lò đốt rác xuống cấp, khói thải ra môi trường chưa đúng quy chuẩn kỹ thuật gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nhiều lần sửa chữa và đã ngừng hoạt động từ tháng 10/2014, chất thải y tế được lưu giữ vượt thời gian quy định mới vận chuyển đi xử lý, do đó nguy cơ lây nhiễm ra môi trường  rất cao. Bệnh viện đã hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại lây nhiễm với kinh phí 1,2 tỷ đồng/năm.

Theo bác sĩ Thời, trước những khó khăn trên, bệnh viện được đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại lây nhiễm bằng công nghệ cắt, hấp khử trùng thân thiện với môi trường thay cho công nghệ lò đốt xả khói ra môi trường trước kia mang lại nhiều lợi ích như giảm chi phí xử lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế tại Phan Thiết và Trung tâm Y tế Hàm Thuận Bắc; đạt các tiêu chuẩn môi trường theo đúng quy định và hướng tới cơ sở y tế “xanh - sạch - đẹp”.

 Trang Hiếu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh viện đa khoa Bình Thuận: Xử lý chất thải y tế thân thiện môi trường