Theo dõi trên

Chữa bệnh bằng y học cổ truyền vẫn chưa có sức hút

20/06/2017, 08:30

BT- Phát triển y, dược học cổ truyền và xây dựng nền y học theo hướng hiện đại, dân tộc, đại chúng là chủ trương của ngành y tế và của Tỉnh ủy. Nhưng thực trạng những năm gần đây khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền chưa thu hút được bệnh nhân. Số người bệnh đến khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền chỉ chiếm 14,99% tổng số bệnh nhân.

                
   Chữa bệnh cho bệnh nhân bị cột sống.

Thu hút người bệnh còn ít

Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp và nhiệm vụ cụ thể để phát triển mạng lưới y, dược học cổ truyền đến năm 2020. Các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn toàn tỉnh đều được cấp phép hoạt động lĩnh vực y, dược cổ truyền. Đội ngũ nhân viên y, dược cổ truyền được đào tạo ngày càng tăng về số lượng và nâng cao chất lượng chuyên môn. Đến nay, toàn tỉnh có 107/127 trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực xây dựng được các vườn thuốc nam mẫu, trong đó có 96 vườn thuốc nam được trồng với nhiều chủng loại trên diện tích 99.800m2. Số cán bộ hoạt động trong lĩnh vực y học cổ truyền có 212 người (tuyến tỉnh 77 người, tuyến huyện 46 người và tuyến xã 89 người). Các tổ chức và nhân viên làm công tác y học cổ truyền đã thường xuyên vận động người bệnh áp dụng phương pháp điều trị y học cổ truyền; trồng và sử dụng thuốc nam để điều trị các loại bệnh thông thường; khuyến khích các lương y giỏi tham gia khám chữa bệnh. Qua đó, tiếp thu kế thừa và phát triển nền y học cổ truyền. Hiện có 100% bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện có khoa y học cổ truyền hoặc tổ y học cổ truyền lồng ghép liên khoa. Trong đó, Bệnh việny học cổ truyền-Phục hồi chức năng đã đầu tư nhiều trang, thiết bị hiện đại điều trị bằng thuốc đông y và chữa trị bệnh không dùng thuốc; kết hợp điều trị y học cổ truyền với y học hiện đại có hiệu quả. Bên cạnh đó công tác xã hội hóa lĩnh vực y học cổ truyền được đẩy mạnh góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền mới chiếm 14,99% so với tổng số bệnh nhân (trong đó, tuyến xã 38,94%, tuyến huyện 10,88%, tuyến tỉnh 10,7%). 

Cần đẩy mạnh xã hội hóa

Trong 2 năm gần đây số lượt bệnh nhân khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, nhất là các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện; số trạm y tế có tổ y dược cổ truyền do thầy thuốc đông y phụ trách chỉ chiếm khoảng 77,8%; cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các bệnh viện và trạm y tế phục vụ khám chữa bệnh y học cổ truyền còn thiếu, chắp vá; nguồn thuốc, dược liệu dùng để điều trị tại các bệnh viện chưa được đấu thầu tập trung mà chủ yếu mua riêng lẻ theo nhu cầu của từng đơn vị; việc phát triển nguồn dược liệu tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn do thời tiết và điều kiện đất đai không thuận lợi nên chỉ duy trì vườn thuốc mẫu. Danh mục thuốc y học cổ truyền được thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế còn hạn chế. Mặt khác, công tác đào tạo, đào tạo lại cán bộ làm công tác y học cổ truyền tại các cơ sở y tế chưa được quan tâm thường xuyên. Do vậy cán bộ có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm trong lĩnh vực y học cổ truyền (bác sĩ, lương y, lương dược) còn thiếu nhiều so với nhu cầu, nhất là phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế thiếu cán bộ chuyên trách y học cổ truyền (hiện toàn tỉnh có khoảng 90 bác sĩ, dược sĩ, y sĩ y học cổ truyền); việc huy động các lương y, lương dược giỏi, có kinh nghiệm tham gia khám chữa bệnh còn ít; công tác xã hội hóa y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân chưa sâu rộng và kinh phí hoạt động mạng lưới y học cổ truyền tuyến y tế cơ sở còn nhiều khó khăn… Do đó việc đầu tư trang thiết bị hiện đại cho các cơ sở y tế chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

Từ thực trạng trên, thiết nghĩ, để đẩy mạnh thực hiện chủ trương phát triển y học cổ truyền trong khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, trước hết từng địa phương cần tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, từ đó người dân có sự lựa chọn khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền; quan tâm phát triển đa dạng, phong phú các chủng loại cây trồng trong vườn thuốc nam mẫu. Đồng thời, sử dụng có hiệu quả nguồn dược liệu hiện có để cung cấp thuốc thang, thuốc sắc cho người bệnh; tuyên truyền, giáo dục kiến thức về y học cổ truyền và phát động trồng, sử dụng thuốc nam trong nhân dân; chỉ đạo các xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế gắn với phát triển y học cổ truyền và xây dựng nông thôn mới.

NHẬT BẢO



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chữa bệnh bằng y học cổ truyền vẫn chưa có sức hút