Theo dõi trên

Người sót lại của nghề mành buông

01/03/2019, 08:57

 BT- Người phụ nữ tuổi ngoài 60 tuổi  vừa buộc những sợi buông đã se vào sau xe máy vừa nhìn tôi, nói: “Bây giờ chẳng còn mấy ai làm nghề đan mành buông se đâu…”

                
Chị Phan Thị Mùi, người sót lại của nghề    mành buông.

Lúc này đây, tôi và người phụ nữ đang ở ngoài quốc lộ 55, trước mấy căn nhà mà như chị nói: Họ cung cấp dây buông se cho chị và chị cũng vừa từ những căn nhà ấy bước ra. Tôi xin chị cuộc hẹn tại nhà riêng, khu phố 8, thị trấn Tân Nghĩa (Hàm Tân). Chị đồng ý.

Rừng lá và nghề đan mành

“Tôi tên Mùi, Phan Thị Mùi”, chị nói  khi dừng tay xếp những bó sợi buông bỏ vào một góc nhà. Căn nhà không rộng, nhưng có đến một phần tư diện tích dành cho việc sản xuất những tấm mành buông se. “Cha mẹ tôi là người miền Trung, vô Tân Nghĩa này khi nó còn là khu tập trung dân chạy tránh nạn khốc liệt của chiến tranh. Hồi đó đất ở đây tốt lắm. Nhà tôi vừa làm ruộng vừa  mua lá buông về phơi cung cấp cho các nơi. Vì vậy, căn nhà này gắn bó với lá buông đến những 44 năm, tính từ năm 1974”. Chuyện sau đó của người phụ nữ là chuyện về rừng lá buông ở Hàm Tân trước đây (có một phần đất La Gi hiện nay) và Tánh Linh.

Rừng Lá là tên một địa danh chỉ một loại rừng dạng họ cau, khi trưởng thành cây cao trên 10 m, lá to, cọng lá có răng cưa và rất cứng, rất sắc, khi già trở màu đen. Những búp lá non của cây buông, dài từ 3 - 4 m, nặng từ 40 - 50 kg, gồm nhiều lớp lá bên trong. Cây buông có tuổi thọ 70 năm và chỉ trổ bông một lần, trổ xong là chết. Rừng lá chính là rừng buông mọc ken dày từ Xuân Lộc đến quá Tân Minh, bao vòng khu vực xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh ngày nay. Những năm 1970 - 1990, cây buông là nguồn lâm đặc sản nuôi sống người dân Hàm Tân và một phần Tánh Linh. Cây buông gắn với đời sống phần lớn người lao động sau năm 1975. Khi đó, ruộng đất đều vào hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, nhưng với nhiều lý do, ngày công lao động xã viên thường thấp. Để sống được, người ta khai thác lá buông, đan nón, đan giỏ các loại, bán. Từ đó, Nhà nước cũng lập nên các HTX chế biến lá buông xuất khẩu. Tại Hàm Tân có 2 HTX: 19/5, Đoàn Kết. Về sau có thêm HTX Trúc Mai của ông Mai Đức Chương. Có thể nói đây là giai đoạn hoàng kim của ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp bằng chất liệu lá buông. Từ gia đình đến cơ quan, bệnh viện, trường học... nơi nào cũng thấy hình ảnh từ trẻ em đến người già ngồi thắt con bọ lá buông gia công cho hợp tác xã. Hai bên quốc lộ 1, quốc lộ 55, lá buông phơi trắng đường.

“Hồi đó, ở Tân Nghĩa này, người vào rừng khai thác lá buông đông như đi hội... Gặp một cây buông, thì trừ phần lá già, còn tất cả đều được lấy để chế biến nhiều thứ. Không ít người thay vì dùng câu liêm chặt lá thì  tham chặt cả cây buông”, chị Mùi nhắc tôi nhớ, bởi tôi cũng là người lớn lên từ vùng đất có cây buông. Giai đoạn 1983 - 1989, sau đổi mới vài năm, nghề chế biến lá buông thành mành buông xuất khẩu sang Tiệp, Liên Xô, Ba Lan, Pháp, Đức… khá mạnh. HTX 19/5 của xã Tân An, huyện Hàm Tân báo cáo có gần 1.000 xã viên. Mỗi xã viên lại có vài ba người là con, chồng, mẹ... phụ việc, thành ra lượng người gắn bó với nghề làm mành buông se, chiếu buông xuất khẩu có đến vài  ngàn người. “Nhà tôi hồi đó lá buông chất từ trước ra sau. Loại dành cho lợp nhà, làm phên; loại lá to dành cho việc tước ra se sợi đan dây băng buông (dệt chiếu, làm nón), loại dùng cho việc se sợi mành. Người mua ra vô nhộn nhịp, xe cộ tấp nập chở hàng, chở lá buông đi các nơi. Thế nhưng, tôi đâu biết đó là  giai  đoạn rừng buông bị khai thác theo cách tận diệt. Chẳng đâu xa, ở Tân Nghĩa này, sau giải phóng, cây buông mọc cách nhà dân hai bên đường khoảng 50 m”, chị Mùi nói, sau cái lắc đầu nuối tiếc.

Chúng tôi lại trò chuyện sâu về cây buông. Tôi kể với chị khi tôi lớn lên đi học, làm cán bộ nhà nước, mỗi lần ngồi xe than từ Tánh Linh về Phan Thiết hoặc La Gi, là mỗi lần ngồi trên lá buông thay ghế vì chủ xe đã dẹp ghế đi để chở cho  nhiều. 5.000 ha rừng buông, tính từ Hàm Tân (cũ) đến giáp phần đất của xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh, mỗi năm cho con người hàng trăm ngàn tấn lá, bẹ buông, để hàng ngàn người quanh vùng rừng, ở các HTX có việc làm, gạo ăn vì sản phẩm chế biến từ lá buông được quy đổi thành gạo. Xã viên nào đan được nhiều mành (chiếu)  được nhận 18 kg gạo/tháng; thấp hơn là 13 kg/tháng.

 Những ngày lao đao

Năm 1991, chị Mùi, người  trò chuyện với tôi đây đã có những ngày lao đao, thiếu việc. Các nước Đông Âu, nơi ăn hàng mây tre lá xuất khẩu của Việt Nam, sau sự kiện Liên Xô sụp đổ, thôi nhận hàng. Chỉ còn vài nước như Pháp nhận nhưng với lượng không nhiều. Đó là lúc ông Mai Đức Chương, một người trước đó gắn bó với HTX 19/5, tìm cách cứu mình và bạn bè, xã viên quen biết, bằng việc thành lập một tổ hợp, rồi dần lên HTX để ký các hợp đồng với  người Pháp. Ông Chương tiếp tục mở thêm cơ sở tại xã Tân Hà, cách nhà chị Mùi non cây số, nhờ vậy mà những người gắn bó với nghề mành buông còn có chút ít việc làm là hợp đồng mua lá rồi se sợi gia công cho HTX Trúc Mai  của ông Chương. Nhưng rồi Trúc Mai không phát triển lên được. Có những “công” hàng bị từ chối vì đối tác nói không đạt. Đó là khoảng năm 2010. 

Chút này còn lại với nghề

Chị Mùi cùng chồng, anh Nguyễn Văn Phương, xoay xở làm nhiều việc. Nhờ quen biết với một số mối hàng, nhất là Công ty Ba Nhất, nơi chuyên xuất khẩu hàng mây tre lá, chị Mùi nhờ họ  tiêu thụ một số hàng buông còn tồn. “Ba Nhất, cũng như một vài cơ sở xuất hàng thủ công mỹ nghệ khác đã giúp chúng tôi. Có điều, muốn tồn tại và làm ăn lâu dài, hàng phải thật chất lượng. Hơi xấu một chút phải tháo ra làm lại. Để làm được việc này, cách tổ chức sản xuất phải khác thời HTX quân đông nhưng không quản được chất lượng”, chị Mùi chậm rãi. Người phụ nữ ấy đến nhà những người thợ rừng, nói với họ là chị nhận mua sợi buông đã se, nếu họ còn tìm được trong rừng. Đây là lúc nghề đi rừng mỗi lúc thu nhập một thấp. Những thứ lá trong rừng, hái về, bán lại làm lá gói hàng không còn nhiều.  Thợ rừng chấp nhận đi xa, cũng như tìm thấy những cây buông còn sót lại làm nguồn thu cho gia đình. Chồng mang lá về, vợ ở nhà tước lá phơi khô, se lại, bán cho chị Mùi. Chị Mùi lại đem sợi se giao cho 40 phụ nữ lâu nay có tay nghề làm mành để họ thắt con bọ là bước thứ hai. Bước thứ ba kết con bọ thành những sợi mành do chị và người trong gia đình. Hiện nay cơ sở sản xuất mành Phương - Mùi (tên chị và  chồng) sản xuất các loại mành buông, ngang 0,9 m, dài 2 m theo 3 quy cách: Mành 40 sợi, 50 sợi và trên 100 sợi. Mành 40 sợi giá bán ra trên 150.000 đồng/ tấm, trong đó phần công cán của chủ cơ sở là vài chục ngàn đồng/tấm. 

                
Những sợi buông se.

“Năm vừa rồi tôi xuất cho Ba Nhất khoảng 1.000 tấm mành. Không nhiều. Nhưng nó tạo việc làm cho một số chị em, và tôi cũng giữ được nghề”. “Chị có nghĩ lúc nào đó cây buông không còn?”, tôi nhìn người phụ nữ có gương mặt phúc hậu, dễ gần, hỏi. Chị đáp tuồng như nghĩ về nó rất lâu rồi: “Lâu rồi (2002), tỉnh mình chủ trương phục hồi rừng buông xã Suối Kiết (Tánh Linh) với quy mô trên 800 ha. Tôi nghe nhiều gia đình nhận (khoán) phục hồi 2 - 3 ha. Nhưng rồi không giữ nổi bởi dân tứ xứ đổ về mua đất, lấn chiếm đất trồng cao su, làm dự án. Sẽ có lúc rừng buông không còn. Nghề đan mành buông rồi sẽ lụi tàn. Chính vì vậy, các con tôi không theo nghề mẹ, đều đi làm nhà nước”. Có một khoảng yên lặng giữa chị Mùi và tôi. Sự yên lặng của dự cảm. Chúng tôi hiểu rằng  khi cây buông bị chính con người tàn phá, đến lúc nào đó, nghề mành  buông trở thành câu chuyện của dĩ vãng. Lúc này, tôi không thể không nhớ một bài thơ của nhà thơ Lê Đình Cánh, người con xứ Thanh viết về Rừng Lá với những dòng đau đáu:

“Xin Tánh Linh đừng xóa tên Rừng Lá

Nơi tán buông nghìn tuổi đã qua đời

Voi xứ sở co vòi nơi đất lạ

Vẫn vươn ngà thầm gọi rừng ơi!

Xin Bình Thuận đừng xóa tên Rừng Lá

Để còn nơi trên sách vở gọi công về

Bằng lăng tím mùa ve chớm hạ

Hoa mai vàng còn chỗ nhớ quê!

Xin Khu Sáu đừng xóa tên Rừng Lá

Nơi cưu mang hai cuộc trường kỳ

Nơi thuở ấy bao tuổi đời hóa đá

Biết không về. Rừng vẫn đợi người đi!

Xin đất nước đừng xóa tên Rừng Lá

Nơi đất thiêng như cõi ông bà

Xin đừng xóa. Đừng xóa đi tất cả

Kẻo mai rồi ta không thể là ta!”

Chị Phan Thị Mùi, tôi không gọi chị: Người sót lại của nghề mành buông se lúc này thì vào lúc nào?  

 Phóng sự: Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người sót lại của nghề mành buông