Theo dõi trên

Quả thận nhân tạo kéo dài sự sống

02/01/2018, 08:25

BT- Nhờ vào sự liên kết đầu tư, máy chạy thận nhân tạo đem lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân chẳng may mắc bệnh suy thận cần lọc máu. Vì thế, suy thận mãn chưa hẳn là bản án tử treo lơ lửng với bệnh nhân.

                
Bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Trung    tâm Y tế Phan Thiết.

32 quả thận nhân tạo

Trước đây, Bệnh viện đa khoa Bình Thuận, Bệnh viện An Phước có vài máy chạy thận nhân tạo, hoạt động hết công suất mà không đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh. Trong khi đó, người bệnh suy thận mãn tính cần phải tiến hành chạy thận thường xuyên. Mỗi trường hợp lọc thận từ 2-3 lần/tuần mới có thể duy trì sức khỏe. Đáng chú ý, bệnh nhân này ngày càng nhiều, kéo theo nhu cầu chạy thận nhân tạo ngày càng lớn, nhưng khả năng đáp ứng của cơ sở y tế trong tỉnh có giới hạn. Trước những khó khăn trên, gần đây, 2 bệnh viện thuộc tuyến tỉnh và 3 trung tâm y tế tuyến huyện liên kết Công ty B. Braun, Fressinus… lắp đặt 32 máy chạy thận nhân tạo bằng nguồn vốn xã hội hóa. Sự liên kết này theo hướng nhà đầu tư cung cấp toàn bộ thiết bị kỹ thuật, chịu trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng quá trình sử dụng; giá thu theo quy định của Bộ Y tế và Hội đồng nhân dân tỉnh, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, bệnh viện/trung tâm y tế, người bệnh. Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Văn Hồng cho biết như thế.

Hiện nay, toàn tỉnh có 5 đơn vị liên kết đầu tư máy chạy thận nhân tạo. Cụ thể, 7 máy tại Bệnh viện La Gi, 5 máy tại Trung tâm Y tế Tuy Phong, 5 máy tại Trung tâm Y tế Hàm Thuận Nam, 5 máy tại Bệnh viện đa khoa khu vực Nam Bình Thuận. Trong thời gian tới, Trung tâm Y tế Tuy Phong tiếp tục lắp đặt thêm 5 máy chạy thận nhân tạo. Riêng Trung tâm Y tế Phan Thiết lắp đặt 10 máy, với công suất 90 – 110 lượt/tuần/khoảng 45 bệnh nhân.

 Giảm chi phí

Cách đây hơn 4 năm, chị Nguyễn Thị Hòa (Mũi Né, Phan Thiết) cảm giác mặt nặng như trì xuống, người mệt mỏi. Chị đến Bệnh viện tỉnh khám, bác sĩ cho biết bị suy thận mãn tính và chuyển viện vào Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị 1 năm, với nhiều tốn kém như chi phí đi lại, lưu trú qua đêm... Tiếp đó, bác sĩ chỉ định mổ và quay trở về Trung tâm Y tế Phan Thiết để chạy thận nhân tạo 2 lần/tuần. Kể từ đó, quãng đường điều trị và chạy thận nhân tạo của chị rút ngắn 200 km, cũng như các chi phí phát sinh khác giảm đáng kể.

Đồng cảnh ngộ với chị Hòa, bà Đỗ Thị Lại (Phú Tài, Phan Thiết) mắc bệnh suy thận mãn tính 5 năm. Bà nói: “Lúc bác sĩ cho biết tình trạng bệnh. Đầu óc tôi như quay cuồng, cả nhà lo lắng. Từ từ, tôi tự trấn an và chạy thận đúng lịch 3 lần/tuần. Nếu không có người nhà chở, tôi đi xe ôm tốn 30.000 đồng/đi và về. Trước đây, tôi phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, vừa tốn kém tiền bạc vừa mất thu nhập của 1 lao động theo chăm sóc tôi”.

Theo bác sĩ Hồng, đầu tư máy chạy thận nhân tạo tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập bằng hình thức liên kết làm tăng nguồn vốn đầu tư kỹ thuật, giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, giảm chi phí đi lại và điều trị. 

    
    Bác sĩ Hứa   Văn Danh  (Trưởng khoa nội tổng hợp - Trung tâm Y tế Phan Thiết) khẳng   định: “Suy thận mãn chưa hẳn là “bản án” tử với bệnh nhân. Điều quan   trọng là người bệnh phải quyết tâm tuân thủ đúng phác đồ, chế độ chăm   sóc dinh dưỡng tốt. Cuộc sống sẽ kéo dài hơn 10 năm. Chính quả thận nhân   tạo đã đem lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân chẳng may mắc bệnh suy   thận cần lọc máu”.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quả thận nhân tạo kéo dài sự sống