Theo dõi trên

Quản lý thức ăn đường phố: Khó, nhưng làm được !

26/09/2017, 08:41

BT- Thức ăn đường phố xuất hiện ngày càng nhiều, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Người bán luôn di động, giờ giấc không ổn định. Trong khi nhân viên chuyên trách vệ sinh an toàn thực phẩm tại cấp phường, xã gần như không có và khó quản lý.

Tay trần bốc thức ăn

“Dù biết thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh, nhưng tiện lợi và rẻ. Chẳng hạn người bán dùng tay trần bốc thức ăn, sau khi bốc xong thức ăn thì bốc tiền, bốc nùi giẻ lau bàn, có khách mua lại bốc tiếp thức ăn. Nước trà đá không biết có nấu chín đàng hoàng hay không. Cách đây không lâu, sau khi em và bạn đi ăn chả cuốn bán vỉa hè, cả hai đều bị rối loạn tiêu hóa phải nằm bệnh viện”. Đó là lời chia sẻ thành thật của em Trần Thanh Phương (Phú Thủy – Phan Thiết).

Dạo vòng các con đường tại Phan Thiết, bánh tráng cuốn mắm ruốc, bánh tráng trộn, nem nướng, trà sữa, phở gõ… luôn đông nghịt khách học sinh, trẻ em, người lớn. Không ít quán gần miệng cống thoát nước, đầy bụi bặm, người bán không đeo bao tay. Thậm chí, nước rửa chén chỉ một xô nước xà bông và xô nước rửa “sạch”. Chưa kể nhiều quán mua các nguyên liệu thực phẩm không tươi, quá trình chế biến không sạch… 

Khó xử lý

Phó chủ tịch UBND phường Đức Nghĩa Đỗ Thị Thúy Nga cho biết:theo phân cấp, phường xã quản lý thức ăn đường phố căn cứ trên 10 tiêu chí, các quán kinh doanh tại nhà thường đạt tốt các tiêu chí trưng bày trên cao, không để lẫn thức ăn sống - chín, nơi đựng rác kín và hợp vệ sinh... Tuy nhiên tiêu chí khám sức khỏe, sổ ghi chép nguồn gốc thực phẩm, giấy chứng nhận tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm thì không có. Với các hộ kinh doanh thức ăn đường phố buôn bán giờ giấc không ổn định, nhiều người từ nơi khác đến buôn bán, nên gây khó khăn cho phường trong công tác quản lý, tuyên truyền, kiểm tra và xử lý.

Theo Phòngy tế Phan Thiết, Phan Thiết có gần 1.500 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Qua các đợt kiểm tra, đa số người kinh doanh thức ăn đường phố thường sử dụng nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc, sử dụng phụ gia thực phẩm không được phép, điều kiện đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến kém… chủ yếu nhắc nhở. 

Thường xuyên tập huấn

Đa số các quán ăn đường phố là những người  nghèo, điều kiện khó khăn, dựa vào bán hàng ăn để kiếm sống hàng ngày. Một gánh hàng rong có thể là vốn liếng và nuôi sống cả gia đình. Vì thế, họ không có nhiều vốn để thuê mặt bằng bày bán, cũng không có nhiều tiền để để sắm đầy đủ các trang thiết bị, khám sức khỏe, tập huấn theo quy định đề ra… Bên cạnh đó, việc quản lý đầu nguồn thực phẩm tươi sống, nguyên liệu tại các chợ truyền thống chưa đảm bảo, không chứng minh được đầy đủ hóa đơn nguồn gốc thực phẩm... Nhưng nội dung thông tư thì lại yêu cầu người kinh doanh thức ăn đường phố phải đảm bảo nguyên liệu thực phẩm, có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ… theo quy định. Do vậy, nếu thấy họ vi phạm mà xử phạt ngay thì đạt lý nhưng chưa thấu tình.

Để thức ăn đường phố đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như tạo điều kiện cho người dân buôn bán theo đúng quy định của pháp luật, trước hết, các ngành chức năng liên quan đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giám sát, cử nhân sự đến tận địa điểm bán hàng, tập huấn kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm cho người kinh doanh. Đi cùng là quy hoạch loại hình thức ăn đường phố để thuận lợi cho công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản lý thức ăn đường phố: Khó, nhưng làm được !