Theo dõi trên

Rừng xanh thêm lá

05/03/2018, 09:16

BT- Khoảng 5 năm trở lại đây, diện tích và chất lượng rừng tại Bình Thuận đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đây chính là hiệu quả mà các dự án, chương trình bảo vệ phát triển rừng đang thực hiện tại Bình Thuận mang lại.

                
Bình Thuận đang có nhiều cơ hội phát triển    rừng bền vững.

Giữ rừng… thoát nghèo

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vực rừng đang triển khai thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, ông Phạm Văn Chiến, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét cho biết: Khu vực này trước đây rừng nghèo lắm, số lượng cây lớn không nhiều. Từ khi triển khai việc giao khoán rừng cho hộ dân bảo vệ thì khác hẳn. Cây phát triển tốt hơn, độ che phủ của rừng cũng cải thiện đáng kể. Khi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng trong chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân được trả 200.000 đồng/ha/năm. Với diện tích dao động từ 80 đến 100 ha/hộ thì số tiền nhận được của mỗi hộ cũng gần 20 triệu đồng/năm. Một số tiền không nhỏ với người dân vùng cao Mỹ Thạnh.

Đi bên cạnh, anh Huỳnh Văn Hà, người dân xã Mỹ Thạnh vui mừng kể cho chúng tôi nghe gia đình anh vừa mua được một chiếc tivi và một tủ lạnh. “Tham gia bảo vệ rừng cũng vui lắm, mấy anh em trong tổ trước đây ít qua lại, giờ cùng tham gia bảo vệ rừng nên  gần hơn. Nhà nào có việc thì cả tổ cùng nhau giúp đỡ. Ngoài bảo vệ rừng, gia đình tôi còn làm rẫy, trồng thanh long nên số tiền nhận khoán vợ chồng tôi để dành mua vật dụng phục vụ cuộc sống gia đình”, anh Hà vui vẻ cho biết. Còn với anh Nguyễn Văn Cường thì thu nhập từ việc nhận khoán bảo vệ rừng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Trước khi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, cuộc sống gia đình anh Cường chủ yếu nhờ vào 1 ha đất rẫy được cấp theo Nghị quyết 04. Năm nào được mùa thì còn đủ ăn, còn năm nào mất mùa thì gia đình anh Cường phải chịu đói giáp hạt. “Được giao 100 ha rừng để bảo vệ tôi mừng lắm. Trước đây, gia đình thường xuyên thiếu ăn, nhưng hiện nay nhờ tiền công bảo vệ rừng, gia đình tôi không còn phải lo đói nữa. Cách đây mấy tháng tôi đã mua được xe máy để đi lại và vào rừng tuần tra cùng với anh em. Nếu cố gắng gia đình tôi sẽ thoát nghèo”, anh Cường cho biết.

Không chỉ hộ anh Cường, anh Hà mà hơn 1.232 hộ trên địa bàn toàn tỉnh đang nhận khoán bảo vệ 57.273,17 ha rừng trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng có cuộc sống ngày một khá hơn.

 Cơ hội phát triển rừng bền vững

Bên cạnh các dự án mà Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Bình Thuận đang triển khai thì tại Bình Thuận có 2 chương trình khác cũng đang triển khai các gói hỗ trợ người dân sống ven rừng cải thiện sinh kế, nâng cao ý thức bảo vệ rừng là Dự án JICA2 và Chương trình UN-REDD Việt Nam – giai đoạn II.

Sau 6 năm thực hiện, đến nay Dự án JICA2 đã thực hiện giao khoán 3.600 ha rừng để người dân trong vùng dự án nhận khoán bảo vệ. Ngoài ra, Dự án JICA2 cũng đang tiến hành khoanh nuôi xúc tiến tái sinh không trồng bổ sung trên diện tích 5.700 ha rừng. Những hộ dân trong vùng thực hiện Dự án JICA2, ngoài nguồn thu từ việc nhận khoán bảo vệ rừng còn có thêm nguồn thu nhập từ việc nhận phát quang bụi rậm, dây leo và đánh số các cây rừng nằm trong dự án. Song song với việc tăng nguồn thu nhập, Dự án JICA2 còn hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình sản xuất cải thiện sinh kế. Với những gói hỗ trợ đang triển khai, Dự án JICA2  dần hiện thực hóa mục tiêu phục hồi và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn của 6 xã vùng núi.

Còn Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II bắt đầu từ năm 2014 đã thực hiện nhiều gói hỗ trợ giúp tỉnh bảo vệ và phát triển diện tích rừng hiện có. Ban Quản lý Chương trình UN-REDD Việt Nam - giai đoạn II đã chọn Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Quao và Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong là nơi thực hiện thí điểm quản lý bảo vệ rừng tự nhiên gắn với chia sẻ lợi ích cho người dân. Trong đó, Ban QLRPH Sông Quao đang thực hiện thí điểm quản lý bảo vệ rừng tự nhiên gắn với chia sẻ lợi ích cho người dân trên diện tích rừng là 4.091,67 ha/62 hộ nhận khoán bảo vệ. Ban QLRPH Lê Hồng Phong thực hiện thí điểm chia sẻ lợi ích là rừng phòng hộ và sản xuất, ít bị tác động với diện tích 4.000 ha/57 hộ dân địa phương nhận khoán bảo vệ. Tính đến tháng 11/2017, Ban Quản lý Chương trình UN-REDD tỉnh Bình Thuận đã thực hiện hỗ trợ 2 BQLRPH Lê Hồng Phong và Sông Quao số tiền hơn 4,7 tỷ đồng để thực hiện quản lý bảo vệ rừng tự nhiên gắn với chia sẻ lợi ích cho người dân tham gia nhận khoán. Ngoài ra, Chương trình UN-REDD Việt Nam – giai đoạn II cũng đang triển khai mô hình làm giàu rừng khộp với diện tích 10 ha tại BQLRPH Sông Mao. Đến nay, số cây được trồng trong mô hình có tỷ lệ sống trên 90%. Trong năm 2017, Ban Quản lý Chương trình UN-REDD tỉnh Bình Thuận đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ cho 3 xã Hồng Phong (huyện Bắc Bình); xã Đông Tiến và xã Đông Giang (huyện Hàm Thuận Bắc) thực hiện nhiều dự án cải thiện sinh kế như: hỗ trợ xã Hồng Phong trồng 226 ha rừng tập trung; hình thành quỹ tín dụng tiết kiệm, trồng 55 ha điều ghép tại 2 xã Đông Giang và Đông Tiến…

Có thể nói, từ những gói hỗ trợ mà các chương trình, dự án trên đang thực hiện tại Bình Thuận đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa... góp phần phát triển bền vững diện tích rừng của tỉnh.

Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rừng xanh thêm lá