Theo dõi trên

Sắc “vàng” Nha Mé

29/11/2019, 17:46

 BT- Cánh đồng Nha Mé, xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, trải dài tít tắp. Sắc vàng, xanh của lúa, thanh long, mãng cầu… là màu của những đổi thay no ấm, ghi dấu từ chương trình “tam nông” trên vùng đất khô cằn sỏi đá.

                
Cánh đồng Nha Mé.

 “Bồ thóc” không bao giờ cạn

Tháng 10, nghe mọi người rủ nhau “sống ảo” với bức tranh vàng đồng Nha Mé (Phong Phú), tôi vội vã lên đường. Từ trên đỉnh núi Một đẹp bật nhất, tầm mắt bao quát cả một vùng núi non điệp trùng “sóng lúa”, rực lên sắc vàng no ấm. Như tấm vàng khổng lồ buông từ trên trời cao xuống, như vân tay kỳ bí của đất mẹ mùa vàng... ruộng lúa ở đây không chỉ bao đời làm ra hạt thóc nuôi sống con người mà còn là bản sắc văn hóa, sức sáng tạo độc đáo bởi những bàn tay tài hoa của những người nông dân “một nắng hai sương”. 

Nơi góc núi, hơn 245 hộ dân Nha Mé sống hòa thuận, đùm bọc nhau vượt qua bao gian khó cuộc đời. Từ những việc đổi công, góp sức lao động đến những lời động viên chia sẻ, những món quà nho nhỏ trong cưới hỏi, ốm đau… mà nhiều hộ tự tin đứng trên đôi chân của mình để vượt cảnh đói nghèo. Ngày xa xưa ấy, vùng này hoang dã và bí ẩn nhưng đã in dấu bước chân của những cư dân bị lưu đày, trốn sưu thuế và những người thực hiện chính sách khẩn hoang, khai phá vùng đất mới của chúa Nguyễn từ các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… vào lập nghiệp, dần dần hình thành xóm làng. Miếu Thuận Long ở Nha Mé còn lưu giữ nhiều sắc phong thần từ thời vua Khải Định, là minh chứng cho công cuộc định cư, khai phá vùng đất mới của ông cha thửa trước. Cư dân truyền rằng, ngọn núi Một rất đẹp, nằm giữa cánh đồng là do các vị thần trong quá trình “khai sơn phá thạch” để lập làng, làm rơi sót lại. Xa hơn là dãy núi Hòn Mòng, Núi Đất, Núi Ông là nơi chốn đi về của bộ đội, dân quân du kích gắn liền các địa danh một thời oanh liệt như Dóc 12, Suối chia tay… Do có địa thế quan trọng, Mỹ ngụy đã xây dựng trên ngọn núi Dóc 12 một sân bay trực thăng có tên là Gia Le để tổ chức các cuộc càn quét, bố ráp cách mạng. Năm 2016, rộ tin đồn có người tìm trầm bán cho thương lái với giá khoảng 20 tỷ đồng, đã có gần trăm người với rất nhiều phương tiện ô tô từ tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên kéo về vùng núi này để tìm trầm. Chính quyền địa phương đã tổ chức lực lượng vận động, tuyên truyền, ngăn chặn hoạt động trái phép để đảm bảo tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Theo chân ông Nguyễn Phương (62 tuổi), dọc các thửa ruộng thơm mùi lúa chín. Chúng tôi dừng chân trên con đường xuyên đồng láng nhựa từ trung tâm xã Phong Phú đến quốc lộ 1A (xã Chí Công) dài hơn 8 km, cạnh đó là tuyến đường sắt Bắc - Nam, nhìn cánh đồng Nha Mé có diện tích 334 ha như những mảnh vàng tạo hóa sắp đặt nằm bên núi, lọt thỏm giữa là dòng suối nhỏ trong xanh, uốn lượn quanh những thửa ruộng, dịu dàng tựa hồ như thiếu nữ cứ lặng lẽ nhuộm vàng miền ký ức chưa xa và huyền bí. Sắc vàng và hương thơm lúa mới quyện vào nhau đầy lãng mạn làm dịu đi cái nắng dạt dào lẫn cơn gió bấc đầu mùa.  

Gần cả đời người, trải qua bao nắng mưa, trong ký ức lão nông này vẫn còn in hằn những gian khó ngày cũ. Không quá xa, chỉ chừng hơn 10 năm trước, cánh đồng Nha Mé còn là những gò cao, hố trũng, khô khốc vào mùa nắng. Cây lúa, cây màu lớn lên bằng giọt nước trời, cũng gian nan như phận người. Thứ tưới tắm cho cây trái lên xanh, có lẽ nhiều nhất vẫn là mồ hôi của những người dân Nha Mé. “Làm nông mà kể khổ, thì biết nói chừng nào cho hết. Hồi đó, có miếng ruộng làm quần quật sáng chiều, mà có khi còn mất mùa, còn đói kém. Nhà hai vợ chồng, từ sáng sớm tới tối mịt còn ở trên đồng, mà may lắm mới đủ nuôi mấy đứa con”- ông Phương tâm sự. Trong ký ức của người dân Nha Mé là những đêm tranh thủ ra đồng gặt tránh cái nóng ngày hè, hay cả nhà đánh vật với máy tuốt lúa thủ công, chong đèn cả đêm suốt lúa. Gánh từng gánh lúa về tới nhà, thả đôi đũa xuống sau bữa cơm là làm việc. Vậy mà cũng bấp bênh no đói, chẳng tích cóp được gì ngoài mấy đứa con lớn lên, ăn học đủ đầy. Nhiều lớp cán bộ xã vẫn đau đáu bao niềm ưu tư về câu chuyện từng con vật nuôi, cây trồng, công nghệ này, kỹ thuật kia cho bà con.

Giờ, vẫn ở trên cánh đồng ấy, cũng mảnh ruộng ấy với cây lúa, nhưng nụ cười đã tươi tắn hơn. Còn gì vui bằng mùa gặt, khắp cánh đồng rộn ràng tiếng máy gặt, tiếng xe công nông lui tới chở lúa về làng lẫn trong tiếng cười trong trẻo, niềm vui được mùa của người nông dân ở nơi “đầu non đầu suối”. Dang rộng đôi tay như muốn ôm cánh đồng thơm mùa chín vào lòng, ông Nguyễn Phương bảo làm nông khỏe rồi. Xe chạy tới bờ, máy chạy tới ruộng. Cày bừa, gặt suốt, chuyên chở… đều là máy móc. Từ giờ, lúa chín cũng không cần phải chạy ra đồng, chiều là xe chở lúa về đổ tận sân nhà. Ruộng đồng Nha Mé là cái “bồ thóc” không bao giờ cạn, nó như cái “vòng vàng” giữ chân đồng bào bám đất, giữ làng.

 Khoa học, kỹ thuật vào ruộng, vườn

Nắng vừa lên. Màu lúa chín vàng, màu thanh long, táo xanh mởn, mở ra khung cảnh thanh bình của một vùng quê. Diện mạo nông nghiệp nông thôn ở Nha Mé 10 năm trở lại đây đã hiện rõ sự no ấm. Khi nông thôn mới ra đời, cơ chế chính sách hỗ trợ vào đây rất lớn, điển hình như giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi... từ đó đánh thức được những điều từng là giấc mơ trong quá khứ. Điều đáng mừng là ánh sáng văn hóa, khoa học đã chiếu rọi vào tận các thôn xóm, mọi nhà, đem đến cho người dân những nhận thức mới để thay đổi cách nghĩ, cách làm ăn có hiệu quả hơn bằng việc khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương với những mô hình kinh tế hiệu quả.

“Trước đây, không có nước tưới, thiếu kỹ thuật canh tác, kênh mương, đường sá chưa thuận lợi, nên làm nông vừa cực vừa ít có lợi nhuận. Giờ, lúa đã trở thành hàng hóa rồi, có thêm nhiều cây trồng lợi thế như thanh long, táo… sẽ tạo nguồn thu nhập bền vững hơn”- ông Nguyễn Duy Hòa, một chủ trang trại thanh long lớn nhất, nhì ở vùng đất Phong Phú nói với chúng tôi bên vườn thanh long đang đóng trái…

Chuyện đổi thay ở Nha Mé bây giờ, nhỏ thế thôi, mà với những người dân nơi đây cứ như là một “cuộc cách mạng” nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Ai cũng nói, hồi đó không nghĩ tới chuyện ra đồng ra vườn đi trên đường nhựa, bê tông chắc cú, rồi máy móc các kiểu thay thế hết sức người, kênh mương nước ăm ắp, cũng bê tông khá nhiều, đỡ lo nạo vét, đắp bờ. Từ hồi làm nông thôn mới, làng quê khác hẳn, đồng ruộng cũng “lên đời”. Chuyện người nông dân đi học về chính nghề nông, về cây, con mà mình đang trồng, đang nuôi đã thành nề nếp, nhiều người được đào tạo chuyên sâu về cái nghề đang sống, được hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật làm nông bài bản và được Nhà nước trao cho chiếc “cần câu” để câu được “con cá to” ngay trên thửa ruộng, mảnh vườn của mình. Cánh đồng Nha Mé có thể xem là cánh đồng kiểu mẫu, với mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng nông nghiệp, chủ động nước tưới hoàn toàn. Hiện tại, nơi đây đã có nhiều thửa ruộng, mảnh vườn ghi dấu ấn rất rõ về hàm lượng khoa học, kỹ thuật tiên tiến do chính bàn tay khối ốc của những con người “một nắng hai sương” tạo dựng. Xác định tương lai của nông nghiệp, bằng tam nông, bằng những bước đi dài cùng thời cuộc, xã Phong Phú đã thành lập Hợp tác xã thanh long, xây dựng nhiều vườn trồng táo bằng nhà lưới, tổ chức nhiều mô hình khuyến nông về con nuôi… tạo ra một “cú hích” mạnh mẽ cho nông nghiệp.

Với lợi thế công trình thủy lợi hồ Phan Dũng, hồ Sông Lòng Sông đã làm cho Phong Phú từ một xã khó khăn về nông nghiệp đã phát triển vững chắc trụ cột nông nghiệp và tự tin vươn tới làm giàu trong nông nghiệp. “Bằng nguồn vốn đầu tư và khoa học kỹ thuật, người dân làm nông nghiệp sẽ là một ông chủ làm nông. Nông dân góp đất, doanh nghiệp đầu tư và ăn chia trên miếng đất ấy, chấm dứt manh mún. Đất là tư liệu để sinh lời, chứ dân không mất đất. Quan trọng, là phải đánh thức những ông “nông dân lớn”, khát vọng lớn từ nông nghiệp sẽ xuất hiện. Trước hết bằng tam nông, bằng những đổi thay mà chúng ta ai cũng đã nhìn thấy, tại sao không thể kỳ vọng?” - ông Phạm Minh Kính - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Phú rất hồ hởi khi nói về con đường phát triển “tam nông”.

    
    Vùng đất   vốn heo hút, dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn Nha Mé trước đây, giờ đã   bắt nhịp cuộc sống mới. Ngoài cây lúa còn là vùng cây trái mãng cầu,   thanh long, dưa, táo, dừa, đậu phộng, đậu đen xanh lòng... ngon nức   tiếng. Đêm về, cánh đồng Nha Mé lấp lánh như đêm hội hoa đăng. Ánh điện   tỏa sáng từ những vườn thanh long như phác họa thêm một hình ảnh ấm no   cho miền quê nắng gió.

MINH CHIẾN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sắc “vàng” Nha Mé