Theo dõi trên

Tạo quỹ đất cho kinh doanh phế liệu

18/10/2017, 08:49

BT- Trước đây, ngoại trừ hai phường Bình Hưng, Đức Nghĩa không có cơ sở thu mua phế liệu, còn lại các địa phương khác ở thành phố Phan Thiết đều có điểm kinh doanh này, với 120 điểm thu mua phế liệu; trong đó hai phường vùng ven Phú Tài, Mũi Né chiếm hơn 1/3. Phần nhiều những điểm này nằm xen lẫn trong khu dân cư tập trung, khu vực nội thành; hoạt động lâu ngày không còn phù hợp, bởi mặt bằng chật hẹp, vật liệu dễ gây cháy nổ, phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân xung quanh.

                
Một điểm kinh doanh phế liệu ở phường Phú    Trinh.

Trước thực trạng trên, UBND thành phố Phan Thiết đã thực hiện  chỉ đạo của tỉnh “Triển khai kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về các cơ sở kinh doanh phế liệu trong các khu dân cư”, chỉ đạo Phòng Tài nguyên & Môi trường Phan Thiết phối hợp chính quyền địa phương triển khai lộ trình di dời các cơ sở này trên địa bàn, thông báo cho các chủ cơ sở biết, thực hiện vào cuối năm qua. Trong quá trình triển khai, xét thấy nhiều chủ cơ sở khó khăn nhân vật lực, mặt bằng kinh doanh, thành phố Phan Thiết đã cho gia hạn chậm nhất đến 20/8 năm nay. Cũng trong lộ trình này, UBND thành phố cho phép tồn tại 3 cơ sở ở Tiến Thành, Tiến Lợi do nằm xa khu dân cư, một điểm ở phường Đức Thắng cũng được phép di dời ra xã Tiến Lợi; 8 cơ sở khác đã ngưng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề khác. Như vậy gần 1 năm qua đã có hơn 100 điểm thực hiện theo gia hạn của thành phố, chỉ còn lại 12 cơ sở chưa chấp hành đóng cửa thuộc các phường Phú Thủy (3 điểm); Hàm Tiến (1), Phú Trinh (2); Phú Tài (2); Hưng Long (2); Đức Long (2). Các chủ cơ sở này vẫn cố tình không thực hiện chủ trương di dời mặc dù đã được UBND các xã, phường vận động, thuyết phục nhiều lần trong suốt thời gian dài.

Ông Đặng Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường thành phố Phan Thiết cho hay: “12 điểm còn lại thực tế không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hành nghề. Trước đó, thành phố đã lập biên bản xử phạt 20 cơ sở chậm di dời, trong đó có 12 hộ trên. Sắp tới, Phòng Tài nguyên & Môi trường thành phố Phan Thiết tham mưu UBND thành phố sẽ có biện pháp cứng rắn hơn, như xử phạt tăng nặng, thực hiện cưỡng chế các cơ sở không có giấy phép kinh doanh”.

Trong các cuộc họp gần đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết Trần Hoàng Khôi cũng đã đề cập đến giải pháp trên, bởi thành phố đã nhiều lần tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh trái phép phế liệu trong nội thành, nhưng quá chậm di dời theo chủ trương chung của UBND thành phố.

Được biết trước đó, UBND thành phố Phan Thiết đã đề xuất UBND tỉnh xem xét, có ý kiến bố trí 5 ha đất rừng tại xã Tiến Thành (do Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú quản lý) để bố trí quy hoạch tập trung các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn. Hiện nay UBND thành phố đang rà soát, điều chỉnh vị trí các khu vực trên theo ý kiến góp ý của các sở ngành của tỉnh, trình Sở Công Thương. Đây là hướng mở ra cho nhiều cơ sở phế liệu nhỏ lẻ còn lại đang thiếu vốn, mặt bằng, có điều kiện thuê đất, di dời, đăng ký kinh doanh để hoạt động. Bởi vậy, tỉnh cùng sở, ngành chức năng cần xúc tiến hỗ trợ thành phố Phan Thiết tạo quỹ đất, bố trí cơ sở phế liệu di dời đúng lộ trình, theo Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy ban hành.

 T. Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạo quỹ đất cho kinh doanh phế liệu