Theo dõi trên

Tháo gỡ an toàn hầm đạn trong lòng đất

22/05/2017, 09:38

BT- Sau chiến tranh, trên địa bàn Bình Thuận hàng chục tấn bom đạn của địch còn sót lại trong lòng đất. Hàng ngày, những người lính công binh thuộc Bộ CHQS tỉnh luôn bất chấp nguy hiểm, tìm kiếm thu gom bom, đạn, vật liệu nổ, làm sạch đất đai để nhân dân sản xuất và xây dựng các công trình phục vụ dân sinh.

                
   Lực lượng công binh tiến hành tháo gỡ, xử    lý hầm đạn.

Trong khi đào móng xây dựng Trường THCS Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam), các công nhân đã phát hiện rất nhiều bom, đạn các loại. Nhận được tin báo, lực lượng công binh của Bộ CHQS tỉnh tiến hành khảo sát, tiến hành tháo gỡ, thu gom, xử lý. Dưới sự chỉ huy của Thượng úy Lương Thái Vương, Đại đội trưởng cùng 3 cán bộ, chiến sĩ của Đại đội Công binh 19 thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí Đặng Vũ Bảo, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Hàm Kiệm cho biết: Nhận được thông báo từ Ban quản lý dự án, chúng tôi phối hợp với đơn vị thi công rào chắn, bảo vệ. Khi lực lượng công binh tiến hành thu gom, chúng tôi tổ chức lực lượng bảo vệ, canh gác giữ an toàn khu vực bên ngoài.

Trong suốt 1 ngày ròng rã, lực lượng công binh đã bình tĩnh, gan dạ, tự tin cùng nhau đào, rà tìm, tháo gỡ, vận chuyển và xử lý an toàn tất cả những quả đạn nằm trong lòng đất. Để có được kết quả đó, khi đi thu gom, Đại đội Công binh đã chọn những đồng chí đã nhiều lần tham gia, có kinh nghiệm trong tháo gỡ. Thượng úy Lương Thái Vương là sĩ quan trẻ được đào tạo chính quy chuyên ngành công binh, là người trực tiếp chỉ huy và thực hành tháo gỡ. Để bảo đảm an toàn, chỉ huy đại đội đã phân công nhiệm vụ cho từng người, từ rà tìm toàn bộ khu vực, đào đất, đánh dấu, xác định phân loại đạn qua hình dáng, ký hiệu, đầu đạn, tổ chức tháo gỡ, rồi đến khâu đưa lên bỏ vào từng thùng chèn lại.

Thượng úy Lương Thái Vương chia sẻ: Hầm đạn này nhiều chủng loại, số lượng nhiều, ở dưới sâu trong đất cứng và nằm dước gốc cây to nên khi đào tìm, tháo, gỡ rất nguy hiểm. Trong khi đó lại nằm ngay giữa trường học và khu dân cư. Không cẩn thận, chỉ cần sơ suất nhỏ thì hậu quả đem lại thật khó lường, vì vậy yếu tố an toàn, thực hiện đúng quy trình được chúng tôi chú trọng. Cùng tham gia xuống hầm tháo gỡ, Tiểu đội trưởng Đặng Cao Thắng tâm sự: Khi xuống hầm là phải tập trung cao độ. Phải nắm vững nguyên lý hoạt động của các loại đạn. Do những quả đạn này nằm dưới lòng đất cứng, đã bị hen gỉ, nên độ nguy hiểm cao. Một số loại như đạn pháo 122mm, 175mm khi phát hiện còn nguyên ngòi, liều, do vậy trong tháo gỡ, thu gom, xử lý chúng tôi làm thận trọng từng ly, từng tí một.

Suốt 1 ngày làm việc thận trọng, tỉ mỉ, 43 quả đạn, trong đó có 4 quả đạn 175mm, 6 quả đạn 122mm, 17 quả đạn 105 mm và 17 quả đạn cối 60mm đều được tháo gỡ an toàn. Vất vả, gian khổ, hiểm nguy, nhưng những người lính trẻ công binh Bình Thuận không dao động, họ thầm lặng, nhận khó khăn về mình để mọi người được bình yên.    

Duy ThỈnh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháo gỡ an toàn hầm đạn trong lòng đất