Theo dõi trên

Thức ăn đường phố: Mong người bán… có tâm

10/09/2018, 09:27

BT- Ăn uống ngoài hàng quán vào buổi sáng, thậm chí cả buổi tối hiện là thói quen của khá nhiều người ở thành phố Phan Thiết cũng như tại các đô thị đông dân cư trên địa bàn tỉnh. Trên thực tế, việc đi ăn ngoài hàng quán trong thời buổi này chẳng còn giới hạn về thời gian bởi Bình Thuận không những là điểm đến du lịch, mà còn nổi tiếng về ẩm thực phong phú… Nhưng đi kèm với đó, vấn đề an toàn thực phẩm cho thức ăn đường phố phải được các đơn vị chức năng, địa phương chú trọng để kịp thời nhắc nhở, kiểm tra xử lý những trường hợp cố tình vi phạm.

Theo số liệu thống kê từ đầu năm ngoái đến nay, ngành y tế của tỉnh đã tổ chức 448 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm với hơn 7.760 lượt cơ sở, trong đó có 5.382 cơ sở thức ăn đường phố. Kết quả cho thấy: Có 1.999 cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ 26% (riêng cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố là 1.531 trường hợp) và đã xử phạt hành chính 137 cơ sở với số tiền gần 310 triệu đồng. Trong đó, tất cả 1.531 cơ sở thức ăn đường phố thuộc tuyến xã quản lý đều được xử lý bằng hình thức nhắc nhở khắc phục tồn tại liên quan đến đảm bảo an toàn thực phẩm.     

Ăn tại hàng quán ngoài đường phố, dường như thực khách chỉ quan tâm đến chất lượng hoặc giá cả, vì vấn đề an toàn thực phẩm hoàn toàn đặt niềm tin vào… “cái tâm” của người bán. Thế nhưng đã là kinh doanh, thì dù cơ sở lớn hay nhỏ cũng thường đặt lợi nhuận lên hàng đầu, nơi nào cung cấp nguyên liệu, thực phẩm có mức giá cạnh tranh sẽ sử dụng nguồn hàng. Trong khi đó thời gian qua, lực lượng chức năng đã từng phát hiện, xử lý một số trường hợp vi phạm về sử dụng hóa chất, chất phụ gia trong chế biến và bảo quản thực phẩm trên địa bàn Bình Thuận. Như tôm khô nhiễm Rodamin B, chả cá - giò chả nhiễm hàn the, cải chua sử dụng chất vàng ô, giết mổ vịt dùng nhựa thông, măng chua tẩy trắng bằng Zavel, giá đỗ sử dụng chất tẩy trắng, sương sáo sử dụng chất tạo đông không rõ nguồn gốc…

Liên quan vấn đề này, được biết việc quy hoạch khu kinh doanh thức ăn đường phố ở Bình Thuận vẫn chưa thực hiện mà chỉ duy trì kiểm tra mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại 19 địa điểm tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Như trên tuyến đường Tuyên Quang, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, khu vực Đồi Cát - Hòn Rơm (TP. Phan Thiết), khu Cam Bình, Phước Hội, Tam Tân - Dinh Thầy Thím (La Gi), Cổ Thạch - Bình Thạnh, đường 17/4 - thị trấn Liên Hương (Tuy Phong), thị trấn Chợ Lầu, ngã 3 Phan Rí Thành (Bắc Bình), thị trấn Ma Lâm và Phú Long (Hàm Thuận Bắc), ngã 2 đi Mương Mán (Hàm Thuận Nam), khu phố 1 - Tân Nghĩa (Hàm Tân), thị trấn Đức Tài, khu phố 5 - Võ Xu (Đức Linh), đường 25/12, thị trấn Lạc Tánh (Tánh Linh), thôn Mỹ Khê - xã Tam Thanh (Phú Quý).

Có thể nói trong thời gian tới, thức ăn đường phố tại các đô thị đông dân cư trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục được nhiều người, trong đó có cả du khách lựa chọn bởi sự hấp dẫn, tiện lợi của nó. Dù vậy, ngoài công tác quản lý của đơn vị chức năng và các địa phương, vấn đề an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố rất mong người bán thể hiện “cái tâm” trong kinh doanh. Hơn ai hết, chính họ mới là người quyết định nguồn nguyên liệu chất lượng, sử dụng gia vị an toàn trong chế biến thức ăn… để góp phần đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.

 Đ.QUỐC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thức ăn đường phố: Mong người bán… có tâm