Theo dõi trên

Công trình nước sinh hoạt cần ưu tiên xây dựng

01/07/2016, 08:19

BT- 2 năm liền (2015, 2016) nắng hạn gay gắt. Nhất là mùa khô 2016 hiện tượng El- nino kéo dài  gây hạn trên diện rộng, làm  sản xuất đình trệ, hàng chục nghìn  gia đình thiếu nước sinh hoạt. Liệu năm tới có lặp lại tình trạng này?

                
Không có nguồn nước nên hồ chứa nước Tân    Minh cạn kiệt.

Nguồn cung nước thiếu hụt

Hiện trong toàn tỉnh có 60 công trình cấp nước, với tổng công suất thiết kế 129.655m3/ngày đêm. Riêng nông thôn có 55 công trình với công suất 54.055m3. Trong đó, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (TTNS) quản lý 37 công trình (tổng công suất 30.000m3), đáp ứng nhu cầu nước của 205.000 người.

Trong 2 năm gần đây, hầu hết công trình cấp nước đều thiếu hụt nguồn cung trong mùa khô. Đơn cử, chỉ có 2/37 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn do TTNS quản lý, duy trì được năng lực cấp nước theo công suất thiết kế (tuyến ống cấp nước xã Hàm Phú; Cụm xử lý nước Hàm Thuận Bắc). 30 trong 35 công trình còn lại thiếu nguồn nước, phải giảm công suất, 5 công trình phải ngưng cấp nước hoàn toàn.  Ước tính, các công trình cấp nước nói trên hàng năm chỉ bảo đảm khoảng 40% nhu cầu  nước của dân.

 Giải pháp khắc phục

Nguyên nhân là do phần lớn nhà máy nước vùng nông thôn đều khoan giếng ngầm, nên khi nắng hạn kéo dài thì nguồn nước ngầm thiếu hụt. Còn nước từ các công trình thủy lợi lại thiếu kênh mương để đưa về nhà máy. Mặt khác, khi có chủ trương xây dựng công trình cấp nước thì thủ tục kéo dài, chậm triển khai. Chẳng hạn, dự án  nối đường ống từ hệ thống cấp nước La Gi, cung cấp nước cho Tân Thắng, Thắng Hải, Sơn Mỹ, hoặc dự án chuyển nước từ hồ Sông Dinh 3 về đập Cô Kiều để cấp nước sinh hoạt cho 3 xã ven biển Hàm Tân…được đưa vào kế hoạch từ đầu năm 2015, nhưng đến nay mới được thực thi…

Để khắc phục tình trạng  trên,  cần ưu tiên nạo vét, nâng cấp, xây dựng các công trình thủy lợi, các phương án đưa nguồn nước thô từ hồ chứa về các nhà máy  nước. Ở khu vực phía Nam cần xây dựng hoàn chỉnh tuyến kênh Biển Lạc – Hàm Tân; kênh chuyển nước Hàm Tân – Hàm Thuận Nam – La Gi; hoàn thiện hồ chứa Sông Dinh 3 để tích nước đạt dung tích thiết kế; xây dựng hồ chứa nước La Ngà 3; nâng cấp hồ chứa lâm trường Sông Dinh ở xã Suối Kiết. Tại khu vực phía Bắc, xây dựng hồ chứa Sông Lũy; hoàn thiện kênh chuyển nước Sông Lũy – Cà Giây – Lòng Sông. Khu vực trung tâm xây dựng hồ chứa nước Ka Pét cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho 8 xã thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tiếp nước bổ sung cho hồ Sông Móng và hồ Ba Bàu. Xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tại các vùng thường bị hạn, thiếu nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn bằng vốn WB giai đoạn 2016-2020 khu vực Hàm Tân, Hàm Thuận Nam; thực hiện công trình nước sạch Sông Quao bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Ý tại Hàm Thuận Bắc; tích cực tìm nguồn vốn đầu tư hệ thống nước sạch các xã phía Nam huyện Đức Linh để cấp nước sinh hoạt cho 32.600 khẩu; xây dựng hệ thống cấp nước Tà Pao để cấp nước sinh hoạt cho 35.000 khẩu của huyện Tánh Linh…

 Các  công trình kể trên cần số vốn lớn, nhưng nếu tỉnh có kế hoạch đầu tư đúng và từng bước thì trong một số năm, Bình Thuận sẽ khắc phục được tình trạng thiếu nước mùa khô.

 LÊ THANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công trình nước sinh hoạt cần ưu tiên xây dựng