Theo dõi trên

Ngư dân “ám ảnh” giã cào bay

04/10/2017, 08:25

BT- Giã cào bay, nghề đánh bắt vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu nay vẫn là nỗi ám ảnh của không ít ngư dân. Thực tế, vì lợi nhuận đem lại từ hoạt động này quá cao nên nhiều chủ tàu bất chấp pháp luật. Phía cơ quan quản lý và các cơ quan chức năng trong phối hợp cũng khó khăn khi cơ sở vật chất phục vụ cho quá trình tuần tra, kiểm soát thiếu thốn...

                
      
   Nhiều ngư dân La Gi chuyển đổi nghề đóng    tàu mới sau khi được vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Nỗi khiếp sợ của ngư dân

Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vừa tổ chức hội nghị đánh giá công tác quản lý nghề giã cào bay và các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, ngăn chặn, xử lý thuyền nghề giã cào bay hoạt động trái phép trên vùng biển Bình Thuận.

Theo Chi cục Thủy sản, tình trạng thuyền giã cào bay hoạt động khai thác thủy sản vi phạm vùng khai thác xảy ra thường xuyên và diễn ra ở hầu hết các vùng biển, đặc biệt trong vụ cá nam. Ở Bình Thuận, nghề giã cào bay được du nhập cách đây 15 năm. Ngoài 84 đôi tàu tập trung ở Hòa Phú (Tuy Phong), Phú Hài (Phan Thiết) và La Gi. Trong đó, La Gi là thị xã có số lượng tàu hoạt động giã cào bay nhiều nhất (47 đôi). Nhưng có lẽ, đó chưa phải là nỗi lo sợ của ngư dân Bình Thuận khi một số lượng lớn tàu thuyền giã cào bay đến từ các tỉnh Kiên Giang, Bà Rịa Vũng Tàu…

Tàu thuyền hành nghề giã cào bay sử dụng máy công suất lớn từ 150 CV đến 800 CV, và do hoạt động ở vùng biển có độ sâu 30 m trở vào bờ, do đó các thuyền giã cào bay đã vi phạm quy định về tuyến khai thác và vi phạm về đánh bắt hải sản non, hủy hoại nguồn lợi thủy sản tại Nghị định số 33/2010/NĐ- CP về quản lý hoạt động khai thác thủy sản, không cho phép tàu công suất 90 CV trở lên hành nghề giã cào hoạt động tại tuyến bờ và tuyến lộng. Ông Huỳnh Giác – Chi hội trưởng Chi hội nghề cá Đức Thắng (TP. Phan Thiết), chia sẻ: Tôi sống 35 năm trong nghề mành chà và tôi cũng đã chứng kiến giã cào bay gây thiệt hại không ít tài sản. Giã cào bay không chỉ hoạt động tuyến lộng mà còn càn quét tuyến bờ một cách mạnh bạo và triệt để, vì thế nhiều ngư dân rất khốn đốn.

“Bà con ngư dân trong vùng chủ yếu hoạt động nghề vây lưới chì ven biển. Vào vụ cá nam ngư dân hay vay mượn tiền để mua những cội chà thả xuống biển để cá trú ẩn. Tuy nhiên khi các tàu giã cào hoạt động, khoảng 40% cội chà bị cuốn đi. Nguồn hải sản bị tận diệt, ngư dân lại là người trực tiếp bị ảnh hưởng. Bà con ngư dân gọi những đôi giã cào bay cao tốc, siêu tốc là những “hung thần” trên biển” - ông Phạm Chính (khu phố Minh Tâm 2, xã Hòa Phú, Tuy Phong) cho biết. Hoạt động mạnh trong mùa cá nam và chủ yếu đánh bắt tại ngư trường truyền thống của nhiều nghề ven bờ, các tàu thuyền hành nghề giã cào bay không chỉ gây xáo trộn đến hoạt động đánh bắt còn thường xuyên kéo mất hoặc làm hư hỏng ngư cụ của thuyền nghề ven bờ, gây tâm lý bức xúc, tranh chấp gay gắt với cộng đồng ngư dân trong tỉnh.

“Cấm là cấm triệt để” trên toàn quốc

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Huỳnh Quang Huy cho biết: Hoạt động nghề giã cào bay trái phép ngày càng phức tạp. Do hoạt động trong mùa cá lộng, ngư trường dồi dào, khả năng thu lợi nhuận cao nên nhiều tàu thuyền bất chấp, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng bằng nhiều hình thức như: đe dọa cản trở không cho tàu kiểm tra tiếp cận, bắt giữ lực lượng kiểm tra. Trong năm 2016, đã bắt 56 trường hợp vi phạm, dù đã xử lý nhưng rõ ràng các biện pháp hiện thời vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để.

Ngư dân Phạm Chính bộc bạch: Tôi nói thật, sản lượng mỗi năm càng ít đi, ngư dân chúng tôi lam lũ vẫn không đủ sống vì hoạt động giã cào bay lợi nhuận rất lớn, sáng đi chiều vào, nên việc xử phạt không thấm vào đâu và lại tiếp tục khai thác sai tuyến. Tôi mong đã cấm phải cấm triệt để trên toàn quốc.

Nếu không cho giã cào bay hoạt động thì cần có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích ngư dân chuyển đổi nghề. Lâu nay, dù có quản lý chặt chẽ đến đâu cũng chỉ dừng lại ở mức hạn chế các trường hợp vi phạm. Cần thiết, các cấp ngành tiếp tục vận động ngư dân chuyển đổi nghề từ giã cào bay sang nghề chụp mực bốn tăng gông hoặc một số ngành nghề khác. Tăng cường phối hợp với lực lượng biên phòng tổ chức tuần tra, kiểm soát,  kịp thời phát hiện xử lý các hành vi vi phạm. Xây dựng các mô hình quản lý cộng đồng tại các địa phương ven biển theo hướng giao quyền quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ cho tổ cộng đồng ngư dân của các xã ven biển, đặc biệt các địa phương có hoạt động hành nghề giã cào bay. Có thế mới hy vọng trả lại môi trường đánh bắt lành mạnh trên biển.

 Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngư dân “ám ảnh” giã cào bay