Theo dõi trên

Phát huy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

13/02/2019, 08:57

BT- Bắc Bình hiện có nhiều tiềm năng, lợi thế, bởi diện tích nông nghiệp khá phong phú, hệ thống thủy lợi tương đối hoàn thiện, nhất là hồ Sông Lũy đang triển khai thực hiện. Qua đó, sẽ khắc phục được tình trạng khô hạn, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, trong có có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 Nhiều lĩnh vực sản xuất ứng dụng công nghệ cao

Hiện nay sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Bắc Bình đã và đang được quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện. Đặc biệt, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản bước đầu mang lại hiệu quả. Trong đó có những điển hình như trồng dưa lưới của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Bình Minh với diện tích trên 10 ha; trồng rau củ quả của Công ty Thái Vân; trồng tía tô lấy lá của Công ty Hồng Ân (liên kết với Công ty Nhật) với diện tích hơn 3 ha. Trồng cây bạc hà lấy tinh dầu của Công ty Châu Giang Hưng Yên 36 ha… Đây một phần là nhờ lợi thế về lượng nắng trung bình trong năm cao; là điều kiện thuận lợi phát triển một số cây trồng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Bình giai đoạn 2018 - 2020.

Ông Huỳnh Duy Khôi - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Bình cho biết: Bên cạnh các mô hình quy mô sản xuất lớn, trong nhân dân hiện nay có sự chuyển biến mạnh trong ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước đối với diện tích cây ăn quả (xoài) 800 ha/2.200 ha; thanh long 360 ha/4.060 ha. Phát triển mạnh chăn nuôi theo mô hình khép kín, đệm sinh học, hạn chế ô nhiễm môi trường. Hiện nay trên địa bàn huyện có 12 trang trại chăn nuôi gia cầm với tổng đàn 132.400 con; 5 trang trại nuôi heo với tổng đàn 24.000 con. Bên cạnh đó, huyện đang rất quan tâm triển khai các mô hình gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm như sấy đậu phộng, cây mè, cây  tỏi… Qua đó, hình thành các cây trồng mới, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng phục vụ cho nhu cầu của thị trường.

 Định hướng phát triển

Song song với những kết quả đó, ngành nông nghiệp huyện cũng nhìn nhận, việc phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Chưa phát huy hết tiềm năng về đất đai, chủ yếu phát triển về mặt số lượng, chưa đi sâu vào chất lượng sản phẩm. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là sử dụng giống mới, kỹ thuật canh tác bền vững, hữu cơ…chưa được áp dụng nhiều. Sản xuất gắn kết với thị trường, xây dựng chuỗi liên kết, nguồn gốc sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa còn là khâu yếu. Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, chế biến gia súc, gia cầm, nhất là công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa được quan tâm kêu gọi đầu tư. Công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật canh tác nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân và hỗ trợ cho nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa được quan tâm nhiều.

Do đó, về định hướng và giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời gian tới, huyện Bắc Bình tập trung xác định nhóm cây trồng chủ lực của huyện là lúa, thanh long và cây ăn quả các loại. Tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Phối hợp triển khai đầu tư xây dựng  vùng nông nghiệp công nghệ cao 2.000 ha để xúc tiến triển khai các dự án nông nghiệp theo hướng hiện đại. Thu hút các nhà khoa học, doanh nghiệp đầu tư chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện cụ thể của huyện. Tạo bước ngoặt, làm thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp trong những năm tới.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát huy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp