Khai thác lồ ô trái phép trong K
Khai thác lồ ô trái phép trong Khu bảo tồn Núi Ông
BT- Sau nhiều ngày theo dấu các đối tượng khai thác lồ ô trái phép về để bán lại
cho các đầu nậu trên địa bàn huyện Tánh Linh, chúng tôi đã làm việc với ngành
chức năng. Khi loạt bài này đến tay bạn đọc thì các ngành chức năng đang lên
đường kiểm tra hiện trạng và xử lý những cán bộ liên quan…
Kỳ 1:
“ầm ầm” khai thác
Cuối tháng
12/2020, chúng tôi nhận được thông tin về việc người dân vào rừng khai thác tre,
nứa, lồ ô ở khu vực rừng thuộc lâm phận của Ban Quản lý
khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông,
huyện Tánh Linh. Theo quy định, toàn bộ lâm sản trong khu bảo tồn không được
phép khai thác nhưng thực tế những gì phóng viên ghi nhận thì hoàn toàn ngược
lại…
 |
Người dân cột lồ ô vào xe vận chuyển ra
khỏi rừng. |
Tiếng “bốp” vang
lên… lồ ô ngã xuống
Tánh Linh, một ngày
đầu tháng 1/2021, trời vẫn trong xanh nhưng trong làn gió đã có phần se lạnh.
Chúng tôi gặp người dẫn đường tại một địa điểm đã hẹn trước. Mang lên người bộ
quần áo bạc màu, ngồi lên chiếc xe mà cánh “thợ rừng” thường sử dụng, chúng tôi
thẳng hướng rừng Núi Ông. Vừa đi, người dẫn đường vừa cho biết, mấy năm về trước
thì vẫn cho khai thác tre, lồ ô ở các ban quản lý rừng. Riêng ở
khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông
thì không được. Tuy nhiên, người ta vẫn cứ vào rừng chặt “ào ào”. Còn năm 2020
thì các ban quản lý rừng trên địa bàn huyện Tánh Linh đều không cho khai thác
tre, lồ ô. Nhưng tình trạng chặt phá thì cũng không khác gì các năm trước. Chúng
tôi đang nói chuyện thì gặp ánh mắt dò xét của 2 người đàn ông ven đường. Có lẽ,
do tôi hơi đặc biệt đi rừng mà lại mang kính cận. Thấy vậy, người dẫn đường rẽ
vào con đường nhỏ trong khu dân cư, rồi luồn lách qua những cánh đồng để tránh
bị phát hiện. Qua cầu La Ngâu 2, chúng tôi rẽ trái để chuẩn bị vào khu vực người
dân thường khai thác lồ ô trong lâm phận của Ban Quản lý
khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông.
Ở ngay ngã 4, trên đồi phía bên tay trái có một trạm quản lý bảo vệ rừng. “Có
trạm mà sao khai thác?”, tôi ngạc nhiên hỏi người dẫn đường. “Thì chú cứ vào
rừng rồi ở lại đến chiều sẽ biết”, người dẫn đường cười bí hiểm. Đúng vậy, vừa
vào sâu khoảng 400m, chúng tôi đã gặp 1 người phụ nữ vừa kéo lồ ô từ trong rừng
ra bỏ xuống bãi đất trống gần trạm. Tỏ ra như không quan tâm, chúng tôi thẳng
tiến vào rừng. Vào sâu khoảng 1km, phải bỏ xe lại ven đường và đi bộ.
Vừa kết thúc mùa mưa
nên rừng Núi Ông vẫn còn sức sống, đâu đâu cũng thấy màu xanh. Nhưng cách đường
không xa ngay trong rẫy điều của người dân, 1 bụi lồ ô đã bị chặt hạ không còn
một cây. Lá lồ ô vẫn chưa khô, chứng tỏ việc chặt hạ chỉ diễn ra cách đây vài
ngày. Đi thêm một chút nữa, trên con đường mòn bắt đầu xuất hiện dấu vết của
việc kéo tre, lồ ô từ trong rừng ra. “Bốp, bốp”, tiếng động của việc dùng dao
chặt lồ ô khiến chúng tôi dừng lại, tập trung. Lại “bốp, bốp, rào rào”. Bên
trái, người dẫn đường chuyển hướng đi. Đúng là người có kinh nghiệm, 10 phút
sau, chúng tôi gặp 2 người đàn ông đang lúi húi kéo lồ ô vừa chặt được ra khoảnh
đất trống để bó lại. 6 bó, tôi liếc nhanh. “Đi đâu đấy”, người đàn ông mặc áo
trắng hỏi lớn. “Đào dúi với tìm lan”, người dẫn đường nhanh miệng đáp. “Dúi thì
phải vào sâu nữa, còn lan thì mùa này hết rồi. Nhà còn mấy giò ngọc điểm. Ưng
thì chiều ghé bán cho”, người đàn ông nói. Chúng tôi ừ à cho qua câu chuyện rồi
tiếp tục đi vào rừng sâu. Tiếng bốp bốp vẫn vang lên đâu đó trong rừng. “Đi qua
sườn núi đối diện mới có chỗ quay phim”, người dẫn đường nói nhỏ. Cả nhóm gật
đầu đồng ý. Đi bộ hơn 1 tiếng, chúng tôi đã bắt đầu thấm mệt. Len lỏi qua những
bụi cây, leo lên những con dốc dựng đứng, “mồ hôi mẹ, mồ hôi con” thi nhau túa
ra. Ướt mèm chiếc áo và thấm cả vào chiếc ba lô tôi đang đeo phía sau.
Tập kết lồ ô gần
trạm bảo vệ rừng
Khoảng 30 phút leo
đèo, chúng tôi đã tìm được một vị trí lý tưởng để quay lại toàn bộ cảnh người
dân cột lồ ô lên xe kéo ra khỏi rừng. Nhưng lúc này, chúng tôi bị tấn công bởi
hàng trăm con muỗi khát máu. Muỗi bay o o trên đầu, dưới chân. Bây giờ tôi mới
hiểu tác giả bài hát “Em về miệt thứ” đã không hề nói quá khi viết “Muỗi kêu mà
như sáo thổi”. Ngứa. Nhưng sợ những người phía dưới nghe thấy tiếng động nên
chúng tôi đành chấp nhận để muỗi chích không dám đuổi. Sau gần 1 tiếng “hiến máu
nhân đạo” cho lũ muỗi, toàn bộ quá trình vận chuyển đã được chúng tôi ghi nhận.
Lúc này là hơn 1 giờ chiều. Ăn vội chiếc bánh mì mang theo, chúng tôi quay ra
bìa rừng để xem bãi tập kết lồ ô. Và điều chúng tôi không ngờ tới đang chờ phía
trước.
Vừa ra khỏi rừng,
tiếng phành phạch của xe máy đã vang lên phía trước. “Núp vào bụi cây ngay”, một
thành viên trong đoàn nói. Cả tốp lao nhanh vào các gốc cây điều ven đường. Sở
dĩ phải làm vậy vì chúng tôi sợ, một khi người dân phát hiện thì họ sẽ báo nhau,
dừng việc tập kết lồ ô. Nếu vậy, mọi cố gắng từ sáng đến giờ sẽ thành công cốc.
Trong suốt quãng đường đi về phía bãi tập kết, chúng tôi phải trốn đến cả chục
lần như vậy. Gần 3 giờ chiều, chúng tôi đã đến được vị trí gần bãi tập kết. Phía
sau một tảng đá, dưới gốc cây, cách bãi tập kết độ 300m, toàn bộ hoạt động phía
dưới đã lọt vào ống kính máy ảnh. Nếu như buổi sáng, khi chúng tôi gặp người phụ
nữ thì ở bãi tập kết chỉ có 2 bó lồ ô thì lúc này ở đây đã có vài chục bó.
Càng về chiều, việc
vận chuyển lồ ô càng trở nên tấp nập. Tiếng xe máy, tiếng lồ ô cạ xuống đường
vang cả một góc trời. Theo nhẩm tính của chúng tôi, khoảng 10 đến 15 phút là có
1 bó lồ ô được đưa về bãi tập kết. Có những thời điểm 2 chiếc xe cùng về một
lúc. Đến chiều tối, lồ ô đã chất thành từng đống tại bãi tập kết. “Trước đây,
địa bàn Tánh Linh có 3 người hoạt động thu mua tre, lồ ô. Nhưng nay chỉ còn 1
người. Phần vì kiểm lâm không cho khai thác dẫn đến bị khan hàng. Phần vì họ
không cạnh tranh nổi với bà T. Bà T có thâm niên gần 30 năm trong nghề nên có
quan hệ rất rộng. Không chỉ với nhiều người dân mà còn với cả “nhiều người
khác”. Lồ ô sau khi khai thác trái phép sẽ được bà T. mua về rồi tập kết ở 2
xưởng chế biến ở ngay mặt đường quốc lộ 55”, người dẫn đường cho biết.
Rời rừng Núi Ông vào
chiều tối, chúng tôi lại đi qua trạm bảo vệ rừng. Trạm cách bãi tập kết lồ ô
được khai thác trái phép không xa, lẽ nào họ không biết?
Nhóm PV