Theo dõi trên

Lo ngại về tình trạng “ngáo đá”

27/09/2019, 15:58

BT- Hiện nay, không chỉ nước ta mà trên toàn thế giới đang lo ngại về giới trẻ sử dụng các loại ma túy tổng hợp, nhất là ma túy đá thay thế cho các loại ma túy trước đây như thuốc phiện, heroin... Nhưng lo ngại nhất là đối tượng sử dụng loại ma túy này thì rất khó phát hiện, chỉ khi đối tượng có biểu hiện “ngáo đá”, loạn thần. Đã có rất nhiều đối tượng “ngáo đá” vì ảo giác đã leo lên những ngọn cây, trụ điện, nhà cao tầng, thậm chí còn giết hại những người thân của mình. Đây là nỗi lo ngại không chỉ riêng người thân mà còn là nỗi lo của cả xã hội.

                
      
Nam thanh niên có biểu hiện "ngáo đá" leo    lên cột điện cao hàng chục mét nhún nhảy. Ảnh minh họa

 Hệ lụy từ ma túy đá

Trong nhiều vụ án về ma túy đã được cơ quan chức năng của tỉnh triệt phá mới đây cho thấy, tang vật thu được chủ yếu là ma túy tổng hợp, nhưng nhiều nhất vẫn là ma túy đá. Đây là một loại ma túy được nhiều con nghiện sử dụng thay thế cho các loại ma túy trước đây vì nó mang lại sự ảo giác cao. Khi con nghiện bị ảo giác mà nhiều người thường nói là bị “ngáo đá” thường rất hung hãn, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm có thể xảy ra cho chính bản thân con nghiện và những người xung quanh, kể cả những người thân của con nghiện. Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã từng xảy ra rất nhiều vụ “ngáo đá” làm mất trật tự an toàn xã hội, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Tháng 3/2019, trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Phan Thiết có một đối tượng “ngáo đá” leo lên một tòa nhà công vụ rồi đứng lơ lửng ngoài ban công dọa nhảy lầu. Cũng trong tháng 3/2019, tại xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, đối tượng V.V.G sau khi sử dụng ma túy đá đã dùng dao đâm chết  anh P.V.S, là người cùng địa phương và chơi chung với G. Không chỉ người dân phải gánh chịu hệ lụy của ma túy đá, mà những người thực thi công vụ cũng phải gánh chịu. Cuối năm 2018, Trưởng Công an xã Tiến Lợi, thành phố Phan Thiết đã bị đối tượng “ngáo đá” đâm tử vong khi đồng chí trưởng công an xã này làm nhiệm vụ ngăn chặn đối tượng “ngáo đá” ra quốc lộ 1A để chặn xe. Thực tế cũng đã xảy ra rất nhiều đối tượng “ngáo đá” khi tham gia giao thông đâm xe liên hoàn gây thương vong cho nhiều người. Điều đáng lo ngại hơn là khi đã nghiện ma túy đá thì rất khó cai nghiện hơn các loại ma túy khác. Bởi người sử dụng ma túy đá bị tác động rất nghiêm trọng đến hệ thần kinh nên ngoài việc sử dụng thuốc còn phải có liệu pháp điều trị tâm lý. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng trên 60% con nghiện sử dụng ma túy đá, các đối tượng nghiện ở địa bàn Phan Thiết, La Gi, sử dụng ma túy đá còn nhiều hơn con số trên. Đã có rất nhiều cảnh tượng hãi hùng mà đối tượng “ngáo đá” gây ra trong thời gian qua khiến dư luận không khỏi bàng hoàng về hậu quả khôn lường của ma túy đá. Chưa thể thống kê một con số cụ thể về những hậu quả từ “ngáo đá” nhưng sức tàn phá kinh khủng của loại ma túy này được cho là cực độc đang đe dọa trực tiếp đến trật tự an toàn xã hội và tính mạng của người dân.

 Đưa các đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Người dân rất lo ngại về hiểm họa của ma túy đá nên đề nghị tỉnh kiến nghị đến Quốc hội sửa đổi Luật Phòng chống ma túy, cần xử lý nghiêm và nhanh chóng đưa các đối tượng có biểu hiện “ngáo đá” vào trại cai nghiện. Bởi vì theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 không quy định trách nhiệm hình sự đối với người sử dụng ma túy. Do đó, việc xử lý về mặt pháp luật với người nghiện ma túy gặp nhiều khó khăn, người nghiện ở ngoài xã hội là một trong những nguyên nhân dẫn đến phát sinh các loại tội phạm khác như trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản… Vấn đề kiến nghị sửa đổi luật, tạo hành lang pháp lý nhằm xử lý các đối tượng nghiện ma túy, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn sự phát sinh của các loại tội phạm, các ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều văn bản đề xuất, kiến nghị với Bộ Công an nghiên cứu, xem xét xác định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm như điều 199, Bộ luật Hình sự 1999 trước đây có quy định. Hiện nay, Bộ Công an đang nghiên cứu, kiến nghị Quốc hội sửa đổi các luật liên quan đến vấn đề này. Để phòng ngừa những hậu quả đáng tiếc mà đối tượng “ngáo đá” gây ra, trước mắt UBND tỉnh đã chỉ đạo công tác áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, trong đó có việc lập hồ sơ quản lý, giáo dục đối tượng liên quan đến ma túy tại xã, phường, thị trấn, lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo nghị định của Chính phủ. Theo đó, trong năm 2018 các địa phương trong tỉnh đã lập 776 hồ sơ quản lý, giáo dục đối tượng có liên quan đến ma túy tại xã, phường, thị trấn, 252 hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong 6 tháng đầu năm 2019, tương ứng là 244 và 69 trường hợp. Bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, tuy nhiên, cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh hiện đang quá tải, do vậy việc đưa đối tượng vào cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn. UBND tỉnh cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cải tạo, mở rộng quy mô cơ sở điều trị nghiện ma túy để đảm bảo việc cai nghiện kịp thời cho các đối tượng này theo quy định.

PHAN LIÊN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lo ngại về tình trạng “ngáo đá”