Theo dõi trên

Nỗi đau người ở lại

26/09/2017, 08:25

BT- Xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt, nhưng âm ỷ lâu ngày không tháo gỡ, anh em trong gia đình lại chọn cách giải quyết bằng bạo lực. Hậu quả, người phải bỏ mạng, người vướng vòng lao lý, hai mái ấm bỗng dưng thiếu trụ cột gia đình, để lại bầy trẻ thơ vắng tình thương của cha...

Nỗi lòng… ở rể

Mới sáng sớm, người dân xóm lao động nghèo ở phường Phú Hài đã kéo nhau đến chật kín hội trường Tòa án tỉnh, để chờ xem phiên tòa xét xử vụ án giết người mà hung thủ và nạn nhân có mối quan hệ em rể, anh vợ, gây xôn xao dư luận địa phương. Ngồi co ro nơi hàng ghế dự khán, người phụ nữ trẻ, quần áo bạc phếch, ôm chặt đứa con thơ vào lòng với gương mặt giàn giụa nước mắt... Chị là vợ của bị cáo Phạm Minh Cường (SN 1990, trú tại khu phố 4, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết). Phía hàng ghế bên cạnh, vợ bị hại với nét mặt căm phẫn cùng 2 con thơ cũng đến phiên tòa rất sớm. Cả đại gia đình sẽ không ngồi chung một phiên tòa nếu những vụn vặt, những lời thị phi và cả sĩ diện không để ý tới. 

Năm 2010, Cường kết hôn với chị M, vì hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện ra riêng nên Cường ở rể và sinh sống bằng nghề làm thuê, làm mướn đắp đổi qua ngày. Được một thời gian, đôi vợ chồng trẻ vui mừng chào đón đứa con trai đầu lòng. Những tưởng cuộc sống hôn nhân sẽ trôi qua êm đềm, hạnh phúc nhưng trong thời gian ở rể, Cường luôn mang nỗi mặc cảm mỗi khi bắt gặp những ánh mặt dò xét, những lời bàn tán không tốt từ phía anh, chị em vợ.

Cuộc sống nghèo khó, túng quẫn và không được coi trọng khiến Cường đâm ra buồn chán, tập tành uống rượu, rồi thường xuyên đôi co, cự cãi với những người trong gia đình. Hành vi quậy phá, chửi bới của Cường từng bị Công an phường Phú Hài xử phạt hành chính vì gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Thế nhưng, Cường vẫn chứng nào tật nấy. Đỉnh điểm mâu thuẫn xảy ra vào ngày 18/6/2017, xuất phát từ việc Cường nghi ngờ chị vợ là Đ.T.C nói xấu anh có quan hệ “tình cảm” với người khác. Sau khi đã ngà ngà say, Cường về nhà dùng dao đe dọa chị C. Thấy vậy, anh V. là em ruột của chị C., cũng là anh vợ của Cường đến can ngăn và dùng tay đánh trúng Cường. Trong lúc tức giận, Cường đã vung dao đâm 1 nhát chí mạng trúng vào vùng sau tai trái khiến anh V ngã gục tại chỗ và chết trên đường đi cấp cứu.  

Hối hận muộn màng

Sau vành móng ngựa, bị cáo cứ cúi gầm mặt, đôi bàn tay bối rối đan chặt vào nhau, Cường nghẹn ngào cho rằng mình bị người khác đặt điều nói xấu sau lưng. Bực tức dồn nén lâu ngày, không thể kiềm chế bản thân nên gây ra cái chết oan ức cho anh vợ. HĐXX phân tích: “Bị cáo chỉ vì hoài nghi người khác nói xấu mình mà đã có hành vi côn đồ như vậy. Nếu như lúc đó bị cáo bình tĩnh hơn, nói chuyện rõ ràng với người thân thì ngày hôm nay sẽ không phải vướng vào vòng lao lý. Ngày tháng sau này, vợ và con của bị cáo phải sống như thế nào? Thử nghĩ, nếu trong một gia đình, anh chị em cứ hành xử bạo lực, đâm chém lẫn nhau thì còn đâu tình thân máu mủ...”.

Nỗi day dứt hiện rõ, Cường tỏ vẻ ăn năn: “Tôi biết, bây giờ tôi có nói gì đi nữa thì anh V cũng không thể sống lại. Nhưng tôi vẫn muốn gửi lời xin lỗi đến vợ, con và gia đình vợ. Giá như hôm ấy tôi không có men rượu. Giá như tôi có thể bình tĩnh mà xử lý khác đi. Giá như…”, Cường nghẹn lời, lấy tay quệt nước mắt... Tiếc rằng, mọi thứ đã trở nên muộn màng, Cường phải trả giá bằng mức án chung thân cho hành vi giết người của mình. Sau khi tòa tuyên án, vẫn có nhiều lời cự cãi vang lên, chị em lại đôi co lớn tiếng, có lẽ sự hiềm khích trong gia đình vốn đã hình thành từ lâu. Họ trách Cường, trách sự vô tâm của những người có mặt trong cuộc cãi vã. Giá như hôm ấy, mọi người cố giữ tay Cường, kéo vào trong, nhỏ to thuyết phục thì anh V. không phải bỏ mang oan ức. 

Vụ án một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng liên tục xảy ra những vụ trọng án trong gia đình mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ mâu thuẫn trong sinh hoạt, cuộc sống. Không ít người vì thiếu hiểu biết hoặc không kiềm chế được bản thân mà hành động sai lầm. “Một giọt máu đào, hơn ao nước lã”, “Một điều nhịn, chín điều lành”, kinh nghiệm của ông bà xưa đúc kết luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Do đó, cần vị tha, tự hóa giải những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, tránh để xảy ra những thảm án đau lòng như thế này.

 K.Chi – M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi đau người ở lại