Theo dõi trên

Tháo gỡ bất cập trong cai nghiện ma túy

15/03/2018, 09:02

BT- Theo Bộ luật Hình sự mới, người sử dụng ma túy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là một trong những kẽ hở làm số lượng người nghiện tăng trong những năm trở lại đây. Và theo nhận định của các ngành chức năng, tệ nạn và tội phạm ma túy đã gia tăng cả về tính chất, mức độ, đối tượng, địa bàn và chủng loại ma túy. Theo đó, đã xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp, chất hướng thần mới như “cỏ Mỹ”, “lá Khat”, “tem giấy”...

                
Ma túy đá trong một vụ án bị Công an tỉnh    triệt phá.

Tăng số vụ lẫn số người nghiện

Theo Công an tỉnh, tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh gần đây hoạt động khá tinh vi và xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ, cấu kết nhiều đối tượng tham gia. Số đối tượng vận chuyển, mua bán ma túy thường thay đổi vị trí và tỏ ra rất liều lĩnh, manh động, sẵn sàng sử dụng “hàng nóng” chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt. Không chỉ vậy, các đối tượng còn hình thành các ổ nhóm hoạt động có tổ chức, mua bán ma túy lưu động ở các địa bàn giáp ranh. Lợi dụng vùng sâu, vùng xa, vùng đồi núi hiểm trở để trồng cần sa trái phép. Theo số liệu thống kê, trong năm 2017, Công an toàn tỉnh đã phối hợp các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 182 vụ/548 đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy (nhiều hơn 17 vụ, 44 đối tượng so với năm 2016). Qua đó, thu giữ 63g heroin, 320g methamphetamine, 12 gói ketamin, 180,5 viên thuốc lắc. Lập hồ sơ đưa 541 đối tượng nghiện vào quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn, 130 đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Mặc dù các phương tiện truyền thông thường xuyên cảnh báo về tác hại của ma túy, nhưng tình hình mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép các chất ma túy vẫn chưa lúc nào lắng dịu. Số người nghiện cứ tăng theo từng năm, đến nay toàn tỉnh đã có 107/127 xã, phường, thị trấn có ma túy, tăng 10 xã so năm 2016 và số người nghiện có hồ sơ quản lý gần 2.500 người, tăng 606 người so năm 2016. Tuy nhiên, người dân lo ngại nhất là số người nghiện không nằm trong hồ sơ quản lý có thể nhiều hơn gấp nhiều lần, còn số người cai nghiện thành công thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 Bất cập trong công tác cai nghiện

Mô hình cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2011. Đây là giải pháp giúp giảm tải cho các cơ sở cai nghiện tập trung, đồng thời, huy động cả cộng đồng vào cuộc, nâng cao ý thức của người dân đối với công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn nhiều bất cập và kết quả đạt được không mấy khả quan.

Theo Nghị định 94/2010/NĐ - CP, người nghiện ma túy phải tự giác khai báo về tình trạng nghiện của mình và tự nguyện đăng ký cai nghiện tại cộng đồng. Trên thực tế, khó có chuyện đối tượng nghiện ma túy hay gia đình có người nghiện tự giác đến khai báo với chính quyền địa phương. Chủ yếu là họ ngại bị kỳ thị, xa lánh và sợ bị đưa đi cai nghiện bắt buộc tại trung tâm. Ngoài ra, khi cai nghiện tại cộng đồng, người nghiện vẫn sinh sống tại gia đình, rất dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ tái nghiện nếu không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ phía gia đình và các tổ chức xã hội.

Quy trình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng được thực hiện theo phương thức cắt cơn giải độc tại các cơ sở điều trị là trạm y tế xã, phường, sau đó được chuyển về gia đình để tiếp tục thực hiện quy trình cai nghiện tại gia đình. Nhưng những khó khăn về điều kiện y tế, nhân sự, kinh phí, việc giám sát, quản lý người nghiện tại nơi cư trú cũng đang là vấn đề khó giải quyết. Các địa phương hầu như thiếu thốn về cơ sở vật chất như giường bệnh, thuốc trị bệnh, đội ngũ y, bác sĩ và không có lực lượng chuyên trách đủ trình độ chuyên môn sâu về cai nghiện ma túy. Trong khi đó, gia đình và cộng đồng cũng không được trang bị kiến thức cơ bản về cai nghiện, cắt cơn. Việc cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy tại trạm y tế xã, phường vượt quá khả năng và mang tính rủi ro cao, vì khi con nghiện lên cơn sẽ có những hành vi quá khích, có khả năng gây nguy hiểm đến những người xung quanh.

Chính những bất cập đó, trong năm 2017, chỉ có xã Đức Phú (Tánh Linh) áp dụng thành công biện pháp cai nghiện này cho 5 trường hợp trong vòng 6 tháng. Sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện, UBND xã đã phối hợp với chủ các cơ sở trồng cao su trên địa bàn giúp đỡ 5 người này vào làm việc, ổn định cuộc sống.

Có thể thấy, công tác cai nghiện tại cộng đồng thực sự chưa phải làm mô hình hay để hạn chế số người nghiện ngày càng tăng như hiện nay. Do đó, để Nghị định 94/CP phát huy hiệu quả, Bộ Y tế cần có những hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể trong công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, chỉ đạo ngành y tế địa phương tổ chức tập huấn, phối hợp chặt chẽ trong phác đồ điều trị; sử dụng đồng bộ các biện pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người sau cai tiến bộ, hòa nhập cộng đồng, tránh tái nghiện.

 M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháo gỡ bất cập trong cai nghiện ma túy