Theo dõi trên

Vùng cát “nóng” ở Bắc Bình

14/11/2019, 08:20 - Lượt đọc: 30

Bài 1: Hòa Thắng không yên tĩnh

BT - Chúng bố trí phụ nữ nào đứng ra đôi chối, chửi mắng, ăn vạ và đối tượng nào quay clip, livestream để sẵn sàng tung lên mạng hô hoán chuyện đánh phụ nữ. Đó là lý do chính quyền xã Hòa Thắng dừng lại, xin ý kiến huyện Bắc Bình để có thể tiếp tục như thế nào.

Lấn chiếm đất công

Bây giờ, ghé bất cứ đâu trên địa bàn xã Hòa Thắng, từ quán cà phê cóc, bán nước mía đến quán cơm, chỉ cần khơi chuyện lấn chiếm đất là có thể thu thập được hàng loạt câu chuyện không coi pháp luật ra gì, cứ như nơi đây đang ở thời hồng hoang, đất đai không có chủ. Hầu như nơi nào trên địa bàn xã này mà còn trống, chủ yếu là đất công và đất dự án chưa triển khai là đều bị lấn chiếm. Theo thống kê của UBND xã Hòa Thắng đến tháng 6/2019, ở 3 thôn trên địa bàn xã đã có hơn 86.862 m2 đất bị lấn chiếm, tập trung tại thôn Hồng Thắng với 64.694 m2 đất. Điều đáng nói, trong gần 100 trường hợp đi lấn chiếm qua thống kê thì có quá nửa không biết chính xác là ai, tức vắng chủ. Trong các điểm lấn chiếm, báo động nhất là tại tuyến đường đôi Hòa Thắng - Hòa Phú, vì không chỉ vi phạm vùng đất thuộc hành lang an toàn giao thông đường bộ mà còn cả vùng đất công, đất dự án liền kề bên trong. Trước đó, tại đây, xã Hòa Thắng đã lập đoàn xuống tận nơi này kiểm tra nhưng phần lớn các hộ dân lấn chiếm đất tránh mặt. Một số khác gây hấn với lực lượng kiểm tra. Sau khi đoàn nhổ hết cọc, hàng rào rút đi thì hôm sau, những hộ dân này lại làm hàng rào vững chắc hơn. Hàng nghìn m2 tường rào, thép gai khoanh vùng lấn chiếm cứ thế dựng lên…

Đường Hòa Thắng - Hòa Phú. Ảnh: N.L

Cuộc ngăn chặn lấn chiếm đất ở đây diễn ra trong tình thế giữa một bên là chính quyền quá ít người lại không có biện pháp lâu dài và một bên là quá đông hộ dân đang trong cơn khao khát kiếm tiền trăm triệu trong phút chốc lại có sự yểm trợ của lực lượng “cò đất” ít nhiều có yếu tố “giang hồ”. Kết quả đến thời điểm này cho thấy chính quyền xã đã không thể ngăn chặn được cơn lốc lấn chiếm đất từ các hộ dân. Điều đáng ngại, chính sự không quyết liệt, mạnh tay ấy như kích thích các hộ dân phải giữ đất đã lấn chiếm với bất cứ giá nào, miễn là tồn tại cho đến khi “cò đất” kết nối để bán được đất cho người nơi khác là xong. Chiêu trò này đã giúp một số người dân ở đây kiếm tiền trăm triệu trong một thời gian ngắn. Chỉ có người ở nơi khác mới đến nghe giá quá rẻ, hấp tấp, chưa kiểm tra kỹ lưỡng đã chồng tiền mua là gánh hậu quả.

Lấn chiếm đất dự án

Nghe người dân ở Hòa Thắng kể cách thức lấn chiếm đất dự án của các đối tượng trong thời gian qua phải công nhận cách lấn đất từng chút một mỗi ngày theo kiểu vết dầu loang đã xưa rồi. Ở đây, một ngày, người dân sản xuất đi qua vùng dự án A., B… bỗng thấy nơi ấy hôm nay có những hàng trụ, những dây hàng rào kẽm giăng mắc cứ như mới hôm qua. Địa hình lấn chiếm cho thấy không chỉ 1 người mà là chục người hoặc hơn, rất xôm tụ và cũng hình dung thời điểm đi lấn chiếm ấy rất phấn khởi. Vì hầu như chẳng có ai gây trở ngại. Bởi những dự án bị lấn chiếm đất này quản lý không chặt hoặc chưa triển khai gì, dù đã được tỉnh giao đất từ 10 - 15 năm trước với diện tích lớn trên dưới 100 ha hoặc dự án với lý do khách quan đã thu hồi về như South Fork rộng đến 600 ha. Đất Hòa Thắng phần lớn như hoang mạc, khó sản xuất nên từ nhiều năm qua, những nơi này ít bị lấn chiếm. Và nếu có thì khoảnh đất đó có thể sản xuất nông nghiệp được. Vì thế, trong ngần ấy thời gian, các chủ dự án nhìn ngó nhau chưa triển khai dự án và cũng chẳng bận lòng về chuyện đất sẽ bị lấn chiếm, mãi cho đến năm 2018, thời điểm đất quanh sân bay Phan Thiết “sốt” rồi lan ra tới vùng này. Bỗng đâu một ngày, như trên đã nói, người dân ở đây phát hiện tại các vùng dự án trên có những hàng trụ, những hàng rào dây thép gai khoanh vùng khẳng định sở hữu.

Và đến thời điểm này, người ta nhận ra, đó là cách làm của những băng nhóm “giang hồ”, “xã hội đen” đến từ Phan Rí, Phan Thiết… Ban đầu, các đàn em của mỗi băng nhóm túa ra bất cứ khu đất nào đã nhắm ở đây trồng trụ, giăng thép gai lấn chiếm, sau đó “nhân danh” là dân địa phương, bán lại cho người khác vốn là “đại ca” của băng nhóm bằng giấy tay, có thời gian, số tiền đàng hoàng nhưng sự thật là không giao dịch bằng tiền. Khi các chủ dự án phát hiện đưa sự việc lên chính quyền thì những “đại ca” này trình giấy tay đã mua từ các “hộ dân” với lý do gom đất để đầu tư dự án A. B. C gì đó theo kế hoạch mà hiện chưa triển khai, còn nguồn gốc đất như thế nào thì không biết. Tình huống này, nhất là trong thế bao lâu nay không triển khai dự án vì lý do nào đó, thậm chí có nơi đã bị chuyển nhượng qua tay mấy chủ thì những chủ dự án hiện tại cũng chỉ biết nhờ cậy chính quyền, thậm chí ở góc độ nào đó còn ái ngại với cách hành xử của những băng nhóm trên.

Vùng quê không bình yên

Chuyện lấn chiếm đất ở đây đã diễn ra âm thầm từ năm 2018 và bộc phát từ tháng 5/2019 đến nay. Chính quyền huyện Bắc Bình đã tổ chức bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu công văn chỉ đạo và cả áp dụng kỷ luật cán bộ xã Hòa Thắng, vì không làm tròn nhiệm vụ trong quản lý đất đai. Nhưng mọi chuyện có vẻ đã vượt khả năng quản trị của xã. Bằng chứng 2, 3 tháng gần đây, người dân lương thiện ở Hòa Thắng phải thốt lên rằng, quê mình đã không còn bình yên. Sau vụ lập lại trật tự đất đai dọc theo đường đôi Hòa Thắng - Hòa Phú của chính quyền xã Hòa Thắng, nhiều người phát hiện ra các băng nhóm giang hồ đã kết nối và điều khiển những phụ nữ vô công rỗi nghề trong xã đứng ra đối mặt với lực lượng đi lập lại trật tự như thế nào. Chúng bố trí phụ nữ nào đứng ra đôi chối, chửi mắng, ăn vạ và đối tượng nào quay clip, livestream để sẵn sàng tung lên mạng hô hoán chuyện đánh phụ nữ. Đó là lý do chính quyền xã Hòa Thắng dừng lại, xin ý kiến huyện Bắc Bình để có thể tiếp tục như thế nào.

    
  

Cuộc ngăn chặn lấn chiếm đất ở đây diễn   ra trong tình thế giữa một bên là chính quyền quá ít người lại không có   biện pháp lâu dài và một bên là quá đông hộ dân đang trong cơn khao khát   kiếm tiền trăm triệu trong phút chốc lại có sự yểm trợ của lực lượng “cò   đất” ít nhiều có yếu tố “giang hồ”.

  

Những vết nứt trong cố kết cộng đồng đã gây dựng lâu nay đang xuất hiện. Chưa hết, cách đây chưa đầy tháng, 2 hộ dân ở tuyến đường đôi Hòa Thắng - Hòa Phú đo đạc mua bán đất với 1 đối tượng ở TP. Phan Thiết như thế nào không biết, nhưng xô xát đã xảy ra. Sau đó, 1 xe chở toàn dân xăm trổ đã đổ bộ xuống vùng Hòa Thắng này khiến 2 hộ dân trên phải lánh nạn tại nhà trưởng thôn, không dám về nhà. Còn nữa, cũng liên quan đến việc mua bán đất với định giá ban đầu 600 triệu đồng nhưng sau đó, nhóm “giang hồ” vào bắt buộc người mua phải trả 1,2 tỷ đồng… Trong khi đó, ở phía dự án bị lấn chiếm, các chủ dự án cũng đã có đơn gửi chính quyền xã, huyện đề nghị giúp đỡ giải quyết. Ở góc độ của kẻ đi lấn chiếm, những băng nhóm “giang hồ” cũng giương oai khẳng định sở hữu vùng đất đó. Đồng thời tung ra thỏa thuận, chủ dự án phải mua lại… Điều đáng ngại, những gút mắc trong chuyển nhượng đất đai ở đây, dù nhỏ nhoi chỉ 1 - 2 sào đất thôi cũng đã đẩy lên mâu thuẫn phải giải quyết bằng gậy gộc, giáo mác. Vì thế, việc đòi bán lại đất trong dự án cho chủ dự án của băng nhóm trên được tiên liệu là câu chuyện dài… Hòa Thắng, nơi có bờ biển vàng, những thắng cảnh đẹp, người dân chất phác, hiền hòa, hiếu khách, có triển vọng hình thành điểm du lịch với vị trí gần như trung tâm của khu du lịch quốc gia Mũi Né, nay bỗng dưng trở thành nơi không bình yên khiến nhiều người không khỏi lo ngại…

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vùng cát “nóng” ở Bắc Bình