Giúp dân thoát nghèo
Giúp dân thoát nghèo, cần làm tốt tín dụng chính sách xã hội
BT- Tín dụng chính sách xã
hội do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) đã và đang đang triển khai
thực hiện trong những năm qua là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu
sắc và phù hợp với thực tiễn của cả nước. Tại Bình Thuận vai trò, vị trí của tín
dụng chính sách xã hội ngày càng khẳng định rõ nét hơn trong việc thực hiện mục
tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã
hội tại địa phương góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương,
chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Theo đánh giá của Ban Thường
vụ Tỉnh ủy về kết quả 5 năm (2014-2019) thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày
22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo
của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Các chương trình tín dụng chính
sách cùng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đã góp
phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã
hội, xây dựng nông thôn mới. Các chương trình cho vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ
nghèo, hộ cận nghèo ở nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khôi
phục các làng nghề truyền thống, nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định
cuộc sống, có nhà ở khang trang hơn, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn, tạo sự
phấn khởi, đồng tình trong nhân dân. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách góp phần
đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, hạn chế tình trạng học sinh,
sinh viên bỏ học do gặp khó khăn về tài chính, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn
thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn
định và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tuy nhiên hiện nay nguồn vốn
tín dụng chính sách xã hội chưa thực sự ổn định, cơ cấu chưa hợp lý, chưa đáp
ứng được nhu cầu thực tế; chất lượng tín dụng chưa đồng đều. Một số địa phương
chưa quan tâm đúng mức đến công tác thông tin, tuyên truyền các chương trình tín
dụng chính sách, tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo. Mặt khác, bên cạnh những hộ
vay vốn sử dụng vốn vay có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo, vẫn còn một bộ phận
hộ vay sử dụng vốn vay chưa hiệu quả hoặc có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không
đầu tư sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi theo phương án, dự án vay vốn, dẫn đến
không trả được nợ khi đến hạn, làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng chính sách.
Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các ngành với hoạt động tín dụng của NHCSXH
trong việc hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, công tác khuyến nông, khuyến
công, khuyến ngư,… hiệu quả chưa cao, chưa thường xuyên, làm ảnh hưởng đến hiệu
quả sử dụng vốn vay tín dụng chính sách xã hội.
Trong thời gian tới, khi
chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo sẽ kết thúc vào cuối năm 2020; đồng thời
nguồn vốn cho vay chương trình giải quyết việc làm ngày càng hạn chế; cán bộ làm
công tác giảm nghèo, cán bộ quản lý của các đoàn thể chính trị - xã hội có sự
thay đổi trước và sau các kỳ Đại hội Đảng, đại hội các đoàn thể… dẫn đến việc
theo dõi, quản lý không thường xuyên, liên tục sẽ làm ảnh hưởng đến công tác
quản lý tín dụng chính sách xã hội, qua đó tác động không nhỏ đến hiệu quả của
hoạt động tín dụng chính sách xã hội cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng.
Do vậy để tiếp tục thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội, đạt mục tiêu giúp
dân thoát nghèo; các ngành, các địa phương, Mặt trận và các đoàn thể chính trị
phải thường xuyên cập nhật, tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của
Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội nhằm nâng cao nhận thức của các
cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí ngày càng
quan trọng của tín dụng chính sách xã hội. Tỉnh và Trung ương cần quan tâm bổ
sung nguồn vốn ngân sách ủy thác cho NHCSXH thực hiện cho vay các chương trình
tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, đảm bảo cơ bản nhu cầu vốn các chương
trình, dự án của địa phương, đồng thời, tích cực vận động các tầng lớp nhân dân
và khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ quan gởi tiền nhàn rỗi vào NHCSXH nhằm
bổ sung nguồn vốn để thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã
hội. Các cơ quan chức năng phải thường xuyên tổ chức điều tra, rà soát, bổ sung
hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng quy định để cho vay đúng người, đúng việc. Đồng
thời phát huy trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội với NHCSXH, bảo đảm thực hiện
đầy đủ, có hiệu quả các nội dung được ủy thác. Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng
bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã
hội; đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, đào
tạo nghề gắn với hoạt động cho vay của NHCSXH, bảo đảm thực hiện tốt tín dụng
chính sách xã hội đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và
các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững, thực hiện có hiệu quả
chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới theo đúng chủ
trương của Đảng.
Huy Toàn