Theo dõi trên

Liệu có “đánh trống bỏ dùi”?

26/08/2016, 08:11

BT- Ở nước ta, cứ vào dịp lễ - tết là tai nạn giao thông (TNGT) lại tăng, làm hàng trăm người thiệt mạng. Nguyên nhân do số lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng cao, đồng thời đây cũng là thời điểm người điều khiển các phương tiện như ô tô, xe máy thường sử dụng rượu, bia quá nồng độ cồn quy định.

Một người điều khiển xe gắn máy được kiểm tra nồng độ cồn

Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: Rượu, bia là một nguyên nhân hàng đầu gây TNGT, nhất là các vụ đặc biệt nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm Việt Nam có trên 12.000 người chết vì TNGT, trong đó khoảng 4.800 trường hợp có liên quan đến rượu, bia (khoảng 40%).

Vì vậy, trước lễ Quốc khánh năm nay, cảnh sát giao thông toàn quốc đã ra quân kiểm tra, xử phạt, để hạn chế “ma men” gây tai nạn, cao điểm là ở 4 thành phố lớn: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Đợt ra quân này còn nhằm thực thi Nghị định 46 (có hiệu lực từ 1/8), theo đó sử dụng rượu, bia khi lái xe được xem là hành vi cực kỳ nguy hiểm cho xã hội, với mức phạt tăng nặng, cụ thể:

Người lái xe ô tô trên đường mà trong máu (hoặc hơi thở) có nồng độ cồn vượt mức cho phép, sẽ bị phạt từ 16 – 18 triệu đồng (quy định cũ từ 10 – 15 triệu đồng) và bị tước giấy phép lái xe  4 – 6 tháng (quy định cũ 3 tháng).

Đối với người điều khiển mô tô, xe máy sẽ bị phạt từ 3 – 4 triệu đồng khi lái xe mà trong máu (hoặc hơi thở) có nồng độ cồn vượt mức cho phép.

Sau ít ngày ra quân xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm về nồng độ cồn của các “ma men”, đã xảy ra nhiều chuyện bi hài. Có quý ông lý sự: Uống có mấy chai bia, sao phạt tới 17 triệu đồng, dữ vậy? Rồi vùng vằng bỏ đi, không chịu ký vào biên bản. Có ông sáng ngủ dậy đọc thấy cái phiếu xử phạt 3,5 triệu đồng, mới tỉnh hẳn rượu! Nhìn chung, Cảnh sát giao thông (CSGT) khá mệt mỏi xử lý các “ma men”, vì người đã uống rượu, bia thì không chỉ khó làm chủ tay lái, tốc độ, mà còn dễ nổi nóng, gây gổ, không thừa nhận vi phạm của mình và bất hợp tác với CSGT.

Trước đây, CSGT một số địa phương cũng tiến hành lập chốt kiểm soát nồng độ cồn gần nhà hàng, quán nhậu, nhưng không kéo dài được lâu, chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa”, rồi đâu lại vào đó.

Lần này, dư luận rất ủng hộ và hy vọng việc chế tài nặng theo Nghị định 46 sẽ hạn chế được các “ma men” gây nguy hiểm cho xã hội. Nhưng dư luận băn khoăn liệu có “đánh trống bỏ dùi” như các lần trước, dẫn tới lờn luật?

Bởi tình trạng người dân uống rượu, bia say xỉn khi tham gia giao thông vẫn rất phổ biến, nó bắt nguồn từ văn hóa nhậu của người Việt: Đã uống phải hết mình, phải “tới bến”, không say không về!

Năm ngoái, Việt Nam tiêu thụ tới 3,4 tỷ lít bia, là quốc gia tiêu thụ rượu, bia cao nhất Đông Nam Á.

Nói vậy để thấy rằng: Phạt nặng, chế tài nghiêm để răn đe các “ma men” không được lái xe khi đã uống rượu, bia là không hề đơn giản. Không thể 1 – 2 lần “ra quân” là đạt yêu cầu. Phải kiên trì và quyết tâm cao, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo đến từng cơ quan, hộ gia đình, vừa duy trì kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn một cách liên tục, lâu dài, thì mới mong kéo giảm được số vụ TNGT liên quan đến rượu, bia.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liệu có “đánh trống bỏ dùi”?