Theo dõi trên

Một ngày về với chiến khu Đ Đồng Nai

20/12/2017, 11:29

 BTO- Một trong những địa điểm tham quan tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) để lại nhiều kỷ niệm nhất trong tôi chính là di tích lịch sử Chiến khu Đ. Đây là căn cứ Trung ương cục miền Nam thời kỳ 1961 - 1962 và là Căn cứ của Khu ủy miền Đông Nam Bộ thời kỳ 1962 - 1967.

 Nằm trên địa bàn xã Trị An, giữa khu rừng nguyên sinh Mã Đà với nhiều loại cổ thụ cao to, rậm rạp, cộng thêm hệ thống dây leo dày đặc nên để đến với di tích chiến khu Đ chỉ còn cách đi xuyên rừng. Và thử thách đầu tiên với tôi chính là dịch vụ đạp xe “leo núi” với đoạn đường đất đỏ quanh co, gập ghềnh giữa những tán cây rừng xanh bạt ngàn dài khoảng 10 cây số. Lời anh hướng dẫn viên “Cha anh chúng ta ngày xưa chỉ đi bộ, băng rừng nhưng vẫn kiên cường thắng giặc, không lẽ…” đã như một lời động viên để tôi tự tin nhấn bàn đạp lên đường. Nhưng rồi, không gian và hương vị mát lành của những cánh rừng xanh mướt dọc theo 2 bên đường đã làm tan biến đi mọi sự mệt nhọc.

 Thắp nén hương trước Tượng đài tưởng niệm ta càng tự hào và hiểu hơn về lịch sử hào hùng và oanh liệt của vùng đất “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, từng là nỗi kinh hoàng của kẻ thù xâm lược. Vùng đất Chiến khu Đ ngày ấy và bây giờ sẽ mãi tỏa sáng ngọn lửa truyền thống, cháy rực “hào khí miền Đông” trên bước đường xây dựng tương lai. Phía sau Đài tưởng niệm là tấm bia ghi danh sách Trung ương Cục miền Nam tại chiến khu Đ thời kỳ 1961 - 1962 gồm 10 đồng chí, trong đó có những đồng chí sau này là lãnh đạo cao cấp của đất nước như: Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt… Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí trong Trung ương cục Cục miền Nam còn được dựng tượng đặt trang trọng trong Nhà Tưởng niệm cách bia ghi danh vài bước chân.

 Chiến khu Đ được cấu thành bởi các hệ thống giao thông hào ba tuyến phòng thủ, 17 căn nhà làm việc kiểu bán âm lợp lá trung quân, hệ thống địa đạo liên hoàn theo hai hướng đông bắc và tây nam, hệ thống nơi làm việc, trú ẩn của lãnh đạo khu ủy và các cơ quan trực thuộc gồm văn phòng, cơ yếu, phục vụ, vệ binh, bếp Hoàng Cầm, giếng nước phục vụ sinh hoạt. Để ghi dấu một thời  đấu tranh oanh liệt và hào hùng, hầu hết các vị trí đặt các cơ quan làm việc của Trung ương cục đều được dựng bia tưởng niệm để “kể” lại cho thế hệ sau.

 Đặc biệt, di tích đã dành một khoảng diện tích bằng phẳng nằm dưới những tán lá rừng xanh mướt để xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Mã Đà. Hàng trăm ngôi mộ của các liệt sĩ đã sống, chiến đấu và hy sinh tại chiến khu Đ được quy tập về bên nhau. Trăn trở lớn nhất hiện nay là chỉ có vài ngôi mộ có tên, tuổi, quê quán, còn lại đều vô danh. Một đoạn thơ được khắc lên tấm bia đá đặt phía trước khu mộ liệt sĩ như một lời nhắc nhở: Hàng bia dài lòng đau xót xiết bao/ Man mác nhớ về một thời máu lửa/ Đất nước mạnh giàu các anh không còn nữa!/Bước chân tôi chầm chậm chẳng muốn về!/Các anh ơi!/ Nơi đây cũng là quê/ Hãy yên nghỉ giữa thắm màu hoa lá/ Gió ngọt ngào hát ru anh ngủ/ Đậm nghĩa tình từ khách đủ muôn phương (Tác giả: Nguyễn Thị Tiễn).

  Di tích lịch sử Chiến khu Đ hôm nay đã được tỉnh Đồng Nai chọn là một trong những địa chỉ tham quan, nghiên cứu gắn với du lịch về nguồn để chào đón du khách từ khắp mọi miền đất nước về thăm. Một ngày về với Chiến khu Đ Đồng Nai để ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng một thời của dân tộc nhằm khơi gợi niềm tự hào, tự tôn dân tộc, hun đúc ý chí kiên cường, anh dũng cho thế hệ trẻ hôm nay, phấn đấu cống hiến hết mình vươn lên trong học tập, lao động sáng tạo, góp phần bảo vệ tổ quốc Việt Nam, xứng đáng với cơ đồ mà cha ông đã gầy dựng.

Nguyên Vũ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một ngày về với chiến khu Đ Đồng Nai