Dự họp có đại diện lãnh đạo các cơ quan là thành viên Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh, đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu và các điểm cầu tại các huyện, thị xã, thành phố.
Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Chiến đã báo cáo nhanh tình hình thực hiện phòng, chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, UBND tỉnh tiếp tục tập trung cao điểm chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với EC lần thứ 5 (dự kiến vào tháng 10/2024). Trong đó, trọng điểm là tập trung rà soát, thống kê tàu cá “3 không” trên địa bàn tỉnh, thực hiện đăng ký tạm thời đưa vào quản lý, kiểm soát trước khi Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT có hiệu lực thi hành.
Song song đó, tập trung các nhiệm vụ trọng tâm như theo dõi, kiểm soát tàu cá nguy cơ cao, kịp thời ngăn chặn không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá; kiểm soát, phòng chống khai thác IUU tại cảng, xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác và tăng cường thực thi pháp luật, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, các sở, ngành, đơn vị và địa phương đã nỗ lực bước đầu ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh vi phạm bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị VMS đối với tàu cá đang hoạt động...
Tại cuộc họp, đại diện các địa phương đã nêu những vướng mắc đang gặp phải như: mặc dù tỉnh đã hoàn thành thống kê, phân loại, sàng lọc tàu cá “3 không”, nhưng số lượng phát sinh còn nhiều (phát sinh 135 chiếc so với thời điểm đăng ký tạm tháng 3/2024 (2.380 chiếc) và tăng 647 chiếc so với thời điểm tháng 12/2023 (1.868 chiếc)…
Bên cạnh đó, các thành viên trong Ban chỉ đạo IUU tỉnh còn nêu nhiều ý kiến liên quan đến số tàu cá ngưng hoạt động, nằm bờ (trên 15m) chưa gắn thiết bị giám sát hành trình, nhưng chưa thể xóa khỏi danh sách. Vẫn còn tình trạng tàu cá thường xuyên mất kết nối VMS tại vùng biển giáp ranh, tàu cá thường xuyên hoạt động, xuất bến ngoài tỉnh nhất là tàu cá dưới 15 m, không thuộc đối tượng phải lắp đặt thiết bị VMS, nhưng chưa có cơ chế xử lý...
Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, từ nay đến tháng 10/2024, phải chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài. Các địa phương phải nắm chắc địa bàn, quản lý đội tàu có nguy cơ cao, xử lý, xử phạt nghiêm minh, không có vùng cấm. Ngành nông nghiệp cần phối hợp lực lượng công an để có biện pháp nhắc nhở, răn đe phát huy hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT phải hoàn tất việc rà soát, cấp đăng ký tàu “3 không” trong tháng 9/2024; phải làm sạch dữ liệu tàu trên 15m chưa lắp thiết bị VMS.
Đối với nhóm tàu từ 12 – 15m chưa đăng ký, đăng kiểm được, cần thực hiện song song các giải pháp tham vấn Bộ Nông nghiệp và PTNT, học tập các tỉnh bạn và họp các sở, ngành liên quan, tham mưu UBND tỉnh nếu còn vướng. Ông Nguyễn Hồng Hải yêu cầu khẩn trương thực hiện các thủ tục để nạo vét thông luồng khẩn cấp cửa biển La Gi, nhất là công tác vệ sinh môi trường, hạ tầng tại cảng cá La Gi, đồng thời tổ chức khảo sát, lập kế hoạch và đề xuất bố trí kinh phí sự nghiệp kinh tế nạo vét duy tu luồng lạch cảng cá, khu tránh bão tàu cá...
Riêng các tàu cá mất kết nối VMS trong 6 giờ/10 ngày có tính chất liên tục, thường xuyên, cần đưa nhóm tàu này vào nhóm nguy cơ cao, tăng cường giám sát và chuyển cho lực lượng Công an theo dõi.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT căn cứ kết luận của Đoàn kiểm tra Bộ Nông nghiệp và PTNT, ban hành kế hoạch có giải pháp khắc phục cụ thể từng nhiệm vụ, hoàn thiện sớm trong tháng 8. Tham mưu UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành địa phương triển khai có hiệu quả, trách nhiệm đối với công tác chống khai thác IUU. Trong đó, giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND huyện nếu tiếp tục để phát sinh tàu “3 không”. Đây là cơ sở, dữ liệu nền tảng để ngành nông nghiệp quản lý đội tàu dễ dàng hơn thời gian tới, góp phần cùng cả nước gỡ “Thẻ vàng” EC.