Theo dõi trên

Công tác quy hoạch đô thị: Điều chỉnh kịp thời cho phù hợp tình hình

08/09/2022, 05:52

Qua 30 năm tái lập tỉnh (1992-2022), một chặng đường không dài, nhưng đủ để có cái nhìn khách quan về quá trình phát triển hệ thống đô thị của Bình Thuận. Mặc dù có những chặng đường, giai đoạn gặp không ít khó khăn, nhưng với sự quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, ngành và sự đồng thuận trong nhân dân, công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quản lý và phát triển đô thị ở tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Xác định lộ trình, thời gian nâng loại các đô thị

Hiện nay, bộ mặt đô thị của tỉnh đang từng bước chuyển mình với những công trình, dự án quy mô lớn không chỉ góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị mà qua đó còn hình thành nên sự kết nối trong cơ sở hạ tầng để thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Chính điều này đã tạo thêm niềm tin, động lực và sự phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1878 ngày 12/8/2013 về việc phê duyệt chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2012 – 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định lộ trình thời gian nâng loại các đô thị, xác định các tiêu chí đô thị cần tập trung đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo tiêu chí cho từng loại đô thị.

do-thi.jpg
Một góc TP. Phan Thiết. Ảnh: Đ.Hòa

Hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh cơ bản được hình thành và phân bố tương đối hợp lý, tạo thế phát triển cân đối giữa các vùng kinh tế trong tỉnh và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tại các địa phương. Trong những năm qua, tốc độ phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh tăng không nhiều, tỷ lệ đô thị hóa bình quân giai đoạn 2010 - 2020 duy trì đạt khoảng 39,5% và tỷ lệ tăng dân số bình quân hàng năm giai đoạn 2009 - 2019 đạt khoảng 0,53%, trong đó khu vực thành thị 0,22%. Tỷ lệ đô thị hóa tại các đô thị cũng không đồng đều, tập trung chủ yếu ở TP. Phan Thiết và thị xã La Gi, tỷ lệ đô thị hóa của các huyện còn thấp.

Nhìn chung các đô thị đều thực hiện đầu tư phát triển bám sát theo quy hoạch, tuy nhiên việc đầu tư phát triển không đồng bộ, hầu hết chỉ tập trung tại vùng lõi đô thị và tại các khu vực thuận lợi có điều kiện xã hội hóa cao (chủ yếu tập trung tại địa bàn TP. Phan Thiết, các vùng phụ cận phía bắc và nam thành phố; thị xã La Gi; các trục ven biển huyện Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Tuy Phong). Qua đó hình thành các khu đô thị quy mô nhỏ mang tính chất thương mại - dịch vụ - du lịch - nghỉ dưỡng; khu vực phía bắc tỉnh đang dần hình thành đô thị công nghiệp gắn với dịch vụ (xã Vĩnh Tân - huyện Tuy Phong)... Ngoài ra các đô thị trung tâm các huyện chủ yếu phát triển theo hướng cải tạo chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng hiện hữu và phát triển các khu dân cư mới…

Định hướng tương lai

Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị được giao tổ chức lập quy hoạch và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung đẩy mạnh công tác lập và phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng tại các đô thị, các khu dân cư tập trung nông thôn, các khu trung tâm hành chính xã... cũng như việc điều chỉnh các đồ án quy hoạch không còn phù hợp đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của UBND tỉnh giao và quy định pháp luật hiện hành. Các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu xác định hệ thống đô thị đến năm 2030 cần phấn đấu đạt được để đưa vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung chương trình phát triển đô thị của tỉnh và của từng đô thị. Xây dựng kế hoạch để thực hiện chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt, xác định tiêu chí của từng đô thị cần tập trung đầu tư nhằm hoàn thiện tiêu chí cho từng loại đô thị.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ toàn diện cho cán bộ quản lý đô thị, bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Thường xuyên xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ quản lý các cấp nhằm giúp người quản lý cập nhật thường xuyên các quy định của nhà nước về quản lý, giải quyết thủ tục hành chính về quy hoạch xây dựng đô thị. Cải cách nội dung chương trình đào tạo về quy hoạch và quản lý đô thị cho phù hợp. Xây dựng cơ chế chính sách nhằm thu hút, tìm kiếm nguồn nhân lực đủ trình độ chuyên môn trong công tác thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch.

Hàng năm cần rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc lập, thẩm định, xét duyệt, công bố quy hoạch gắn liền với kế hoạch thực hiện của các cấp. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong quá trình thực hiện các giai đoạn của kế hoạch, dự án…

AN NHIÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tích cực thực hiện chuyển đổi số
Giữa tháng 3 năm nay, Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 chính thức ban hành. Đến nay sau nửa năm, nhiều hoạt động liên quan công tác chuyển đổi số đã được triển khai thực hiện trên địa bàn Bình Thuận và bước đầu cho thấy những kết quả đáng ghi nhận.
Nổi bật
Bình Thuận và tiềm năng khai thác carbon rừng
Bình Thuận với diện tích rừng tự nhiên tương đối lớn, việc tham gia mua bán giảm phát thải thông qua tín chỉ carbon sẽ mang lại nguồn kinh phí quan trọng cho tỉnh, để tiếp tục đầu tư vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đây cũng là một bước ngoặt, làm tiền đề cho việc khai thác tiềm năng nguồn tài nguyên carbon.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công tác quy hoạch đô thị: Điều chỉnh kịp thời cho phù hợp tình hình