Theo dõi trên

Dân vận hướng về cơ sở, vì lợi ích người dân

25/04/2022, 07:24

Qua 5 năm triển khai Chương trình phối hợp số 20 về công tác dân vận giai đoạn 2017 – 2021 giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, nhiều giải pháp tăng cường công tác dân vận được chỉ đạo triển khai sát với điều kiện thực tế, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Nhờ đó, mối quan hệ giữa chính quyền với các tổ chức đoàn thể và nhân dân được gắn bó hơn, đời sống đại bộ phận được cải thiện, nâng lên rõ rệt.

Đạt 3 mục tiêu quan trọng

Bình Thuận có 34 dân tộc thiểu số với 25.500 hộ/106.000 khẩu, chiếm hơn 8,3% dân số. Nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác dân vận, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy thực hiện Chương trình phối hợp số 20 về công tác dân vận giai đoạn 2017 - 2021. 5 năm qua, nhiều giải pháp tăng cường công tác dân vận được chỉ đạo triển khai sát với điều kiện thực tế, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Từ đó, kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận theo chủ đề công tác. Nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp công tác dân vận, giai đoạn 2017 – 2021 mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Phan Văn Đăng khẳng định: “Triển khai Chương trình phối hợp số 20 về công tác dân vận giai đoạn 2017 - 2021 đã đạt được 3 mục tiêu quan trọng, đó là: Mối quan hệ giữa chính quyền với Mặt trận, các tổ chức đoàn thể chính trị ngày càng gắn bó hơn; niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền ngày càng được củng cố và nâng cao; đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện”. Giai đoạn 2017 - 2021, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân 7,64%/năm, thu ngân sách nhà nước đạt 35.820 tỷ đồng. Bình quân hàng năm, giải quyết việc làm cho 24.200 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,94%. Công tác an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.

Mặt khác, trong thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của Trung ương, của tỉnh, đã kịp thời nắm bắt và giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân. Đặc biệt từ khi dịch Covid-19 tái phát trở lại, công tác dân vận được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai hiệu quả; các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 tạo được sự đồng thuận xã hội... Tuy nhiên, Chương trình phối hợp công tác dân vận, giai đoạn 2017 – 2021 vẫn còn một số hạn chế. Đáng chú ý là việc triển khai các nội dung phối hợp còn mang tính định hướng chung, chưa đi sâu vào từng nội dung cụ thể theo chương trình. Công tác nắm bắt và dự báo tình hình nhân dân, dư luận xã hội còn hạn chế, chưa sâu sát nhất là các vấn đề về an ninh trật tự, bức xúc nảy sinh ở cơ sở. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, bảo vệ rừng có nhiều sai phạm, chưa giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong nhân dân...

z3134138750224_2e0cfeb30b7d3684df2736871de3bb93.jpg
Đồng chí Đặng Hồng Sỹ - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy thăm và chúc Tết Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh tại xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình.

Dân vận theo hướng thiết thực

Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tỉnh, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu về công tác dân vận. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân. Mới đây, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh thống nhất ban hành Chương trình phối hợp công tác dân vận, giai đoạn 2022-2026.

Điểm nhấn của Chương trình phối hợp đó là tiếp tục phối hợp tham mưu cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn của tỉnh, đáp ứng quyền, nguyện vọng và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân theo hướng hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Bên cạnh đó, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh, giai đoạn 2021-2025 và các Kế hoạch của UBND tỉnh. Tập trung cải cách thể chế, xây dựng cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch, dân chủ, thân thiện và gần dân, bảo đảm sự tham gia giám sát và quyền làm chủ của nhân dân.

Mặt khác, đổi mới và thực hiện phong cách làm việc theo hướng “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói”, “nói dân hiểu”, “hướng dẫn dân làm”, “làm dân tin”. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật, có hành vi cửa quyền, gây phiền hà cho nhân dân, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với người dân theo vụ việc; kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh, nhất là những vấn đề bức xúc, nổi cộm, khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài... để đề xuất, tham mưu chủ trương, biện pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt quy trình công tác dân vận, quy chế dân chủ trong quá trình triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm triển khai thuận lợi, hiệu quả và tạo sự ủng hộ, đồng thuận cao của nhân dân…

T.HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Dấu ấn dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cùng sinh sống, thời gian qua, Bình Thuận đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dân vận hướng về cơ sở, vì lợi ích người dân