Theo dõi trên

Diêm dân vững tâm sản xuất, đầu ra có hợp tác xã lo

12/09/2024, 05:05

Tiền thân từ một tổ sản xuất muối tự phát, Hợp tác xã (HTX) muối Thanh Phong, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam đã từng bước trở thành chỗ dựa vững chắc, giúp diêm dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập bằng nghề làm muối truyền thống...

z5796197331557_688029c7bd8ff9d1eb63acbe2ab31ca8.jpg
Diêm dân HTX Thanh Phong sản xuất muối.

Thay đổi tư duy sản xuất

Nói đến HTX muối Thanh Phong ở Tân Thuận ai ở Bình Thuận cũng biết, nhất là giới thu mua muối, vì có lịch sử hình thành không ngắn. Theo ông Nguyễn Thế Đồng – Phó Giám đốc HTX Thanh Phong, HTX hình thành vào cuối năm 2001, trước đó, HTX chỉ là một tổ sản xuất nhỏ khoảng vài chục hộ diêm dân tự khai hoang đất làm muối. Sau khi Luật Hợp tác xã ra đời vào tháng 3/1996 và chính thức có hiệu lực từ 1/1/1997, với khung pháp lý tương đối đầy đủ điều chỉnh phát triển kinh tế tập thể nòng cốt là HTX... tổ sản xuất hình thành nên HTX. Toàn HTX hiện có hơn 22 ha đất làm muối với 151 hộ thành viên.

Cứ vậy nghề làm muối gắn liền vị mặn chát của biển cả vận vào họ cho đến hôm nay, dù quá trình sản xuất gặp nhiều biến cố. Trong đó, thời tiết ngày càng cực đoan mưa nắng thất thường gây khó khăn cho việc sản xuất muối. Giá muối không ổn định, có lúc rẻ như cho tưởng chừng phải bỏ nghề, nhưng họ vẫn đoàn kết sản xuất đưa HTX phát triển. Những năm qua nghề làm muối trên địa bàn tỉnh mai một, phần nhiều vì diêm dân không còn mặn mà với nghề. Diện tích đất làm muối theo đó cũng thu hẹp, trong đó có một phần chuyển đổi sang mục đích khác theo quy định pháp luật cho phù hợp với tình hình mới. Đơn cử, phía bắc TP. Phan Thiết, trước kia là cánh đồng muối thẳng cánh cò bay nay trở thành khu dân cư.

Hiện nhu cầu sử dụng muối trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm bao gồm nước mắm ngày càng cao nên giá muối tăng. Trước tình hình đó, HTX thay đổi phương thức hoạt động, khuyến khích diêm dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất muối nên sản lượng muối tăng, diêm dân phấn khởi hơn.

Ông Đồng chia sẻ thêm, mỗi năm sản lượng muối của HTX trung bình 3.000 tấn/năm. Chẳng hạn, năm 2023 là hơn 3.000 tấn/năm nhờ thời tiết nắng nhiều cộng thêm sự chịu khó của mỗi diêm dân. Diêm dân Võ Văn Phượng, thôn Văn Phong (Tân Thuận) cho biết, hộ ông sản xuất muối trên diện tích đất 1,5 sào. Những năm gần đây HTX thay đổi phương thức hoạt động sản xuất bằng cách chia tổ, rồi giao khoán nên hiệu quả hơn. Cứ mỗi tổ (15 tổ/151 hộ thành viên) gồm 10 hộ, tổ nào làm được nhiều thì tổ đó hưởng lợi nhuận cao, nên ai trong tổ cũng có trách nhiệm chăm sóc cánh đồng muối của mình.

“Về đầu ra chúng tôi không lo lắng nhiều mà chỉ tập trung sản xuất sao cho đạt năng suất. Muối cứ gom về nơi quy định, HTX sẽ liên hệ với các cơ sở thu mua theo giá thị trường. Vụ muối năm 2023, tôi sản xuất 22 tấn/1,5 sào, giá muối 360.000 đồng/tạ, tôi thu về gần 80 triệu đồng. Với sản lượng và giá muối này có lợi nhuận hơn trước kia nên chúng tôi yên tâm sản xuất”.

Muối được đổ đống để bán tại chỗ cho cơ sở thu mua. 

Cần quan tâm hỗ trợ

Tuy hoạt động hiệu quả vậy, nhưng HTX còn có những trăn trở, nhất là về nguồn vốn. Vì muối chỉ làm được một vụ vào mùa nắng, còn lại mùa mưa đất bỏ trống. Những năm gần đây HTX khuyến khích các thành viên nuôi tôm luân canh 2 vụ, nhưng để làm được điều đó cần phải có vốn. Trên thực tế cũng có những thành viên mạnh dạn vay vốn ngân hàng sản xuất, nhưng trong tình trạng cầm chừng. “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần về vấn đề này trong các hội nghị, hội thảo có liên quan tại Liên minh HTX tỉnh. Tỉnh mình còn chậm khâu đẩy mạnh việc hỗ trợ vốn cho các HTX phát triển”, ông Nguyễn Thế Đồng nói thêm.

z5796197307995_dacfdcae63ee5518f1c5c2d99621848b.jpg
Diêm dân gom muối.

Hội Nông dân xã Tân Thuận đang vận động HTX tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo quyết định phê duyệt chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025 của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là cách làm hay của hội, góp phần giúp Tân Thuận về đích nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới. Bà Nguyễn Thị Thu An - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, địa phương có nhiều mô hình kinh tế cá thể, tập thể, nhưng chỉ có HTX muối Thanh Phong có thể đạt chuẩn OCOP vì muối Thanh Phong đã có thương hiệu. Chúng tôi đang vận động HTX làm thủ tục tham gia chương trình. Nếu đạt được OCOP sẽ góp phần làm tăng giá trị sản phẩm muối Tân Thuận, dễ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi mở rộng sản xuất.

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Diêm dân kỳ vọng mùa sản xuất muối mới
Giá muối hiện đang ở mức cao 2.000 đồng/kg, diêm dân thôn Thanh Phong, xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam) bắt đầu vụ mùa sản xuất mới với kỳ vọng thắng lợi.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Diêm dân vững tâm sản xuất, đầu ra có hợp tác xã lo