Theo dõi trên

Giải pháp tiếp cận chính sách phát triển kinh tế tập thể

06/07/2022, 04:34

Những năm qua, kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) đã có những thay đổi tích cực với yêu cầu đổi mới về cơ cấu tổ chức, hình thức hoạt động, đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho khu vực kinh tế hợp tác, HTX, dần xóa bỏ những mặc cảm của mô hình HTX kiểu cũ.

Cơ chế chính sách chưa hiệu quả

Sau 2 năm bị ảnh hưởng dịch Covid – 19, tình hình phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Các HTX nông nghiệp đã từng bước khắc phục những khó khăn, thay đổi phương thức sản xuất, chú trọng vào sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn an toàn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác. Các hoạt động quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường và chuyển đổi số được các HTX quan tâm nhiều hơn. Các HTX Hậu cần nghề cá trên huyện đảo Phú Quý làm tốt vai trò kết nối đánh bắt hải sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Các QTDND đã có nhiều cố gắng vươn lên từ nội lực, có định hướng hoạt động đúng, phù hợp nên hầu hết các QTDND kinh doanh có lãi; cơ cấu cho vay của các QTD tập trung theo hướng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ. Việc sử dụng vốn tại các QTDND hiệu quả, an toàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho thành viên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống cho thành viên và người dân. Tuy nhiên, do còn ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và tình hình thế giới phức tạp, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao nhất là phân bón, xăng dầu... đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các HTX trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các HTX thuộc lĩnh vực vận tải và nông nghiệp.

z3527093289589_db9f41d29eff41aae48e3bcbd7edc787.jpg
HTX thanh long Hòa Lệ tại hội nghị kết nối giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu ở khách sạn Đồi Dương

Thời gian qua, từ Trung ương và tỉnh Bình Thuận đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, HTX. Từ đó đã tạo động lực cho các tổ chức kinh tế hợp tác từng bước liên kết những người sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, để hợp sức, góp vốn tạo điều kiện thuận lợi tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển, tạo nên mối liên hệ hài hòa giữa các thành viên theo hướng liên kết cộng đồng, mở rộng hợp tác giữa thành phần KTTT với các thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên, một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với khu vực KTTT, HTX triển khai thực hiện còn chậm và chưa hiệu quả. Nguồn lực phân bổ còn hạn chế, việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để sản xuất, kinh doanh của các HTX còn khó khăn. Trong khi đó, công tác thu thập số liệu về phát triển KTTT và HTX còn khó khăn, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước, từ đó ảnh hưởng đến việc xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho phát triển KTTT, HTX. Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các HTX tập trung chủ yếu cho lĩnh vực nông nghiệp; thiếu những cơ chế, chính sách mang tính đột phá…

Nâng cao chất lượng hoạt động HTX

Ông Phan Đình Khiêm – Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Với những tín hiệu mới đang tác động tích cực tới phong trào HTX, cùng với các chính sách của Trung ương và của tỉnh. Đặc biệt, Trung ương Đảng vừa ban hành Nghị quyết số 20 về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới” cùng với sự nỗ lực của mỗi HTX, sẽ thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, đặc biệt ở khu vực nông thôn, nông nghiệp, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.

z3527091924041_c436017a8c3fad3a305f85d34083014a.jpg
Thực hiện chính sách hỗ trợ các HTX tham gia hoạt động xúc tiến thương mại.

Để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động HTX, trong giai đoạn 2021 – 2025, Liên minh HTX tỉnh đã đề ra những giải pháp tiếp cận chính sách phát triển KTTT. Theo đó, sẽ thực hiện các quyết định, chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, HTX đã ban hành trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và các giai đoạn tiếp theo, trong đó chú trọng vào chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất cho các HTX thành lập mới. Đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các HTX trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ các HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường... Đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, tạo mối quan hệ giữa HTX với các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác ngày càng gắn bó bền vững. Đặc biệt, chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, dựa trên nhu cầu tự nguyện hợp tác của các thành viên, vì lợi ích thành viên, HTX và cộng đồng. Chú trọng xây dựng các HTX kiểu mới trong nông nghiệp ở các vùng có các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Liên kết các HTX có cùng ngành nghề, địa bàn hoạt động để tăng tiềm lực, quy mô sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ, bảo vệ lợi ích hợp pháp, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động…

Đến nay, toàn tỉnh có 203 HTX, trong 6 tháng đầu năm đã thành lập mới 7 HTX, 1 HTX giải thể. Tổng nguồn vốn hoạt động HTX đạt hơn 3.300 tỷ đồng, tổng số thành viên HTX hơn 48.000 thành viên. HTX hoạt động nhiều loại hình dịch vụ: lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, thương mai – dịch vụ, quỹ tín dụng nhân dân (QTDND)…

M. VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tổng kết Nghị quyết số 13-NQ/TW: Đưa kinh tế tập thể trở thành thành phần quan trọng của nền kinh tế
Tại Hội nghị lần thứ 5 vừa bế mạc tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng – khóa XIII đã tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW (NQ13) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Đối với Bình Thuận, quá trình thực hiện NQ13 đã đạt được một số kết quả nhất định, song cũng còn không ít tồn tại, hạn chế, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải nỗ lực hơn, quyết tâm hơn trong thời gian tới.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp tiếp cận chính sách phát triển kinh tế tập thể