Theo dõi trên

“Giữ” rừng giáp ranh những ngày trước tết

01/01/2024, 05:59

Tháng cuối năm, khi tiết trời đã bước vào mùa khô, nên nắng nóng hơn thường lệ. Cùng với nhiều vùng rừng khác trong tỉnh, ở huyện miền núi Đức Linh, nơi có rừng giáp ranh tỉnh Lâm Đồng, công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy lại càng được tăng cường, thắt chặt…

“Canh” rừng vùng giáp ranh

Khi mặt trời đã chiếu những tia nắng rực rỡ xuyên qua kẽ lá, xua đi cái se lạnh ở vùng rừng giáp Lâm Đồng, cũng là lúc chúng tôi đứng dưới chân núi ở tiểu khu 418, xã Đa Kai, thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Đức Linh (BQL RPH).

z5026244278144_0f8424a756edef11965e9badec5c3ee7.jpg
Lực lượng bảo vệ rừng tại BQLRPH Đức Linh kiểm tra rừng tháng cuối năm 2023.

Nơi đây rừng trùng điệp nên dễ dàng cảm nhận được khí hậu mát mẻ, trong lành. Chúng tôi đứng dưới chân núi, nhìn con đường mòn nhỏ hun hút dẫn lên cao mà lo ngại không biết có đủ sức để đến nơi. Mấy anh em lực lượng bảo vệ rừng vốn quen đường, được phân công chở chúng tôi lên trên điểm cần tới, cách đó chừng mấy cây số. Ngồi sau chiếc xe máy cà tàng chuyên “vượt” rừng, từ cảm giác hơi run vì địa hình hiểm trở, tôi không còn cách nào khác, tự nhủ phải bám chặt vào yên xe, tin tưởng tay lái của anh em. Tôi bắt đầu cảm thấy thú vị vì được khám phá từng vùng rừng, vùng đất xanh mát còn nguyên sơ, xanh tốt.

z5026256495211_3b8e60488d295a1e72f80903395c8906.jpg
Chuyến vào rừng của lực lượng bảo vệ rừng huyện Đức Linh.

Anh Nguyễn Trường Bảy – Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng (BVR) 143, thuộc BQLRPH Đức Linh, cũng là người chở tôi vượt rừng, kể: “Vào mỗi dịp cuối năm, thời tiết nắng nóng hơn nên công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng khó khăn hơn. Do đặc điểm khí hậu và rừng lá thường xanh, nên đất dưới tán rừng ở đây vẫn giữ được độ ẩm hơn các vùng rừng khác, hạn chế nguy cơ cháy do khô hanh. Tuy nhiên, ở đây cũng có vùng rừng hỗn giao tre, lá, thực bì nhiều nên lực lượng bảo vệ rừng phải thường xuyên phát dọn rất vất vả”.

Tôi biết, vùng rừng này thuộc địa bàn thôn 11, xã Đa Kai, huyện Đức Linh.

Vài phút ổn định sau chuyến đi, tôi tranh thủ hỏi thăm. Được biết, Trạm BVR 143, được giao quản lý, bảo vệ trên 1.000 ha, trong đó có khoảng 3 km rừng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, nên công tác quản lý càng phải thắt chặt, khó khăn hơn. Hiện nay, ngoài 3 nhân viên của trạm, còn có 15 hộ nhận khoán nên phần nào giảm bớt áp lực công việc. Hàng tuần anh em của trạm, ngoài anh Bảy còn có anh Mai Xuân Thành và Phạm Văn Phong đều phân công đi tuần tra, kiểm tra rừng liên tục. Mỗi tuần mỗi người được nghỉ 2 ngày thay phiên. Đặc biệt vào dịp tết, anh em thường xuyên trực, chốt tại những điểm dễ cháy, vùng có nguy cơ cao. Mặt khác, vận động người dân, nhất là người dân sống gần rừng, đi rừng và làm rẫy gần rừng ký cam kết phòng cháy, chữa cháy.

z5026252437846_e157cdb38f29f34afa1df4bb55819a25.jpg
Một buổi ăn trưa trong rừng của lực lượng BQL RPH Đức Linh.

Vượt khó để bảo vệ rừng

Ông Đinh Hoàng – Trưởng ban QLBRPH Đức Linh có mặt cùng chúng tôi tại Tiểu khu 418 chia sẻ: Đơn vị được giao quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp với trên 6.000 ha, bao gồm 14 tiểu khu, phân bố trên địa bàn 3 xã Mê Pu, Sùng Nhơn và Đa Kai. Với đặc điểm giáp ranh với xã Đạp Loa, xã Hà Lâm - huyện Đạ Huoai của tỉnh Lâm Đồng. Mặt khác, địa hình phần lớn đều nằm trên vị trí đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, nhiều khu vực không có sóng điện thoại, việc thông tin liên lạc thực hiện phối hợp truy quét bảo vệ rừng và PCCCR gặp khó khăn. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác kỹ thuật – bảo vệ rừng và PCCC còn thiếu. Cộng thêm nhận thức về bảo vệ rừng, PCCC của một số hộ dân sinh sống ven rừng, gần rừng còn hạn chế. Một số diện tích đất lâm nghiệp bị chiếm trái phép sau khi thực hiện hủy bỏ cây trồng vẫn bị người dân tái chiếm sử dụng… Khó khăn hơn nữa của đơn vị là trong số 23 người thuộc lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, đã có 8 người xin nghỉ việc (thuộc diện hợp đồng lao động) do chế độ tiền lương thấp, không đủ chi phí sinh hoạt.

z5026245684671_a08f97ef5634bc91677780b9ec750c09.jpg
Kiểm tra hiện trạng rừng.

Vượt qua khó khăn ấy, trong năm qua công tác quản lý- BVR và PCCC của địa phương đã đạt nhiều chuyển biến tích cực. Các điểm có nguy cơ về phá rừng được BQL thường xuyên kiểm tra. Tất cả các vụ khai thác gỗ trái phép đều được phát hiện và ngăn chặn. Trong đó, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm còn 3 vụ so với 4 vụ năm 2022. Số vụ vi phạm Luật Đất đai giảm còn 5 vụ so với 7 vụ cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh, tuy thời tiết diễn biến bất thường nhưng bằng nhiều biện pháp tích cực, nên không xảy ra cháy rừng… Ngoài ra, đơn vị đã đưa vào sử dụng công trình băng trắng PCCCR mùa khô năm 2023 với chiều dài 18,135 km tại các tiểu khu 424, 418, 419, 421B và 425. Song song, khảo sát, lập kế hoạch huy động phương tiện, dụng cụ của người dân gần rừng như cưa cắt thực bì, máy thổi gió, bình xịt nước, can đựng nước, rựa, cào... để huy động chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

Trong năm, BQL RPH Đức Linh tiếp tục giao khoán bảo vệ rừng cho 15 hộ nhận khoán tại thôn 11, xã Đa Kai với diện tích 438,92 ha tại các tiểu khu 418 và 419. Diện tích rừng giao khoán được bảo vệ tốt, đối tượng xâm hại đến rừng được thông tin để tổ chức kiểm tra kịp thời. Năm 2023 Ban quản lý rừng phòng hộ Đức Linh tiếp tục thông báo để người dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng trên diện tích còn lại nhưng chưa có người đăng ký tham gia nhận khoán. Cùng với đó, tổ chức trồng 2 khu rừng trên diện tích đất do người dân tự ý chuyển đổi cây trồng với diện tích 1,5861 ha với loại cây Sao đen. Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm trồng 2. 000 cây chè hoa vàng dưới tán rừng trên diện tích 1,5 ha tại tiểu khu 418 xã Đa Kai...

Khép lại năm 2023 với không ít khó khăn, thử thách, bước qua năm 2024 với diễn biến thời tiết mùa khô còn phức tạp. Để giữ rừng giáp ranh trong thời gian tới, nhất là những ngày trước Tết Nguyên đán 2024 hiệu quả, Trưởng BQL RPH Đức Linh cho biết, đơn vị đang tiếp tục tăng cường kiểm tra kiểm soát diện tích rừng quản lý. Xác định các vị trí có nguy cơ xảy ra điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản, chiếm đất rừng để có kế hoạch tuần tra, kiểm tra ngăn chặn. Cùng với đó, đề ra việc kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng thực hiện công việc bảo vệ rừng theo hợp đồng giao khoán tại tiểu khu 418, 419 trên địa bàn xã Đa Kai từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2024. Nhưng nguồn này ở đây trả thấp hơn những nơi khác...

Ông Hoàng dừng lại ở đó, bỏ lửng câu nói. Tôi hiểu để hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ rừng ở nơi này là một sự dốc sức lớn. Nhưng nếu cứ thế, chuyện chuyển nghề của các anh em ở trạm là đương nhiên. Thế nên, nơi đây người lao động thay đổi liên tục, mà chủ rừng thì chưa tìm ra phương án nào khả dĩ để khắc phục. Và tôi biết, nếu có dịp quay lại trạm 143, có thể sẽ không gặp được những người tôi nói chuyện sáng hôm ấy...  

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đọt mây - món ăn đậm chất núi rừng
Từ lâu đọt mây đã trở thành món ăn quen thuộc trong đời sống của người dân đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có người dân xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số La Ngâu, huyện Tánh Linh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Giữ” rừng giáp ranh những ngày trước tết