Từ tư tưởng của Bác
Cốt lõi trong tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là tình yêu Tổ quốc và nhân dân vô hạn, Người đã hòa mình với nhân dân, đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân thực hiện các mục tiêu của cách mạng, đem lại độc lập cho Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Do vậy Người mong muốn mọi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bởi lẽ quần chúng nhân dân chỉ quý mến những người cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm đối với công việc, đối với đời sống của người dân. Nhân dân lao động, quần chúng ngoài Đảng thường nghe đảng viên nói và nhìn hiệu quả công việc đảng viên làm mà xem xét tư cách, đánh giá năng lực của người đảng viên... Do vậy là người cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt, người đứng đầu các cấp phải phát huy được tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu, tự giác trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình cũng như trong thực hiện nhiệm vụ chức trách được phân công, góp phần xây dựng chi, đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Và để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, toàn hệ thống chính trị phải thực hiện tốt công tác cán bộ. Theo đó phải tập trung nghiên cứu kỹ các vấn đề đạo đức của người cán bộ cách mạng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xem đó là nền tảng, tiền đề và là cơ sở để người cán bộ, đảng viên phát huy tài năng, trí tuệ để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng; về tiêu chí đạo đức của người cán bộ cách mạng “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; về vai trò của đạo đức đối với cán bộ theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “phong cách quần chúng, dân chủ và nêu gương”. Đồng thời phải đánh giá đúng cán bộ, vì đây là yêu cầu xuất phát để tiến hành các mặt khác của công tác cán bộ; trong đó, công tác đánh giá cán bộ phải đúng, khách quan, toàn diện, phải chú ý đến năng lực, phẩm chất, hiệu quả công việc; người làm công tác cán bộ phải công tâm, minh bạch và có đầy đủ phẩm chất đạo đức của người cán bộ cách mạng. Chú trọng, công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách toàn diện “đủ đức, đủ tài”, vững về kiến thức lý luận, tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng trong sáng. Trong công tác tuyển chọn, sử dụng và bố trí cán bộ phải khách quan, không thiên tư, thiên vị, không phân biệt người trong hay ngoài Đảng, phải đảm bảo đúng người, đúng việc và công tâm để cán bộ phát huy hết tài năng, sở trường của họ. Phải yêu thương chăm sóc cán bộ; phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ như: biệt phái, cục bộ, địa phương, hẹp hòi…
Đến nhiệm vụ đặt ra
Để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay, việc đầu tiên phải đổi mới, tạo bước chuyển biến quan trọng về công tác đánh giá cán bộ. Vì đánh giá cán bộ là khâu có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong công tác cán bộ, làm cơ sở cho việc phân loại, quản lý, sử dụng cán bộ. Đánh giá không đúng về cán bộ thì khó quy hoạch, quản lý, sử dụng đúng và hiệu quả, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng trong công tác tổ chức, cán bộ, chính sách, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; triệt tiêu nhân tố tích cực, thúc đẩy chủ nghĩa cơ hội, tiêu cực, suy thoái đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó phải xây dựng môi trường văn hóa dân chủ, phản biện, tự phê bình và phê bình, bình đẳng, khách quan, công bằng, công khai trong đánh giá cán bộ và công tác cán bộ. Đồng thời phải quy hoạch đúng cán bộ, để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, sử dụng đúng người, đúng việc, đúng lúc, đúng tầm, góp phần quan trọng vào phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và phòng, chống suy thoái chính trị, đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp tục khảo sát thực tế để cải cách, bổ sung, ban hành, chỉnh sửa, hoàn thiện chính sách, cơ chế, quy định công tác cán bộ toàn diện, bảo đảm tính khoa học và thực tế khả thi đối với tất cả các khâu, các bước, các nội dung, công việc của công tác tổ chức, cán bộ; nhất là cơ chế, chính sách thu hút, lựa chọn, bồi dưỡng, sử dụng người có đức, có tài. Đổi mới, thực hiện tốt cơ chế, chính sách trên cơ sở kiểm soát tốt quyền lực, vừa đảm bảo chất lượng cán bộ, vừa phòng, chống được tiêu cực, vừa tinh giản biên chế, cơ cấu lại nhân sự theo vị trí việc làm, vừa sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức, bị kỷ luật, mất uy tín với tập thể và nhân dân. Kiên trì, kiên quyết, đoàn kết lực lượng để kịp thời bảo vệ có hiệu quả những cá nhân, tổ chức, lực lượng tích cực phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ. Tiếp tục nâng cao nhận thức trong các cấp ủy, tổ chức đảng và toàn thể đảng viên về công tác cán bộ, từ đó tăng cường trách nhiệm từ lựa chọn cán bộ, rèn luyện cán bộ đáp ứng yêu cầu về năng lực, phẩm chất trong tình hình mới, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Những yêu cầu nhiệm vụ cơ bản trên mang ý nghĩa rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Do vậy các tổ chức Đảng, đảng viên cần xác định rõ nội dung để xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch làm theo gắn với nhiệm vụ, chức trách được giao.
Có thể khẳng định, để nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả công việc của cán bộ, đảng viên trước Đảng, trước nhân dân, đồng thời, tiếp tục đấu tranh với tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo bước đột phá trong cán bộ và công tác cán bộ thì yêu cầu “xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay” là rất cần thiết.