Theo dõi trên

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch trong bối cảnh mới

08/04/2022, 05:24

Để ngành du lịch phục hồi và phát triển trở lại sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, một trong những yếu tố then chốt là chất lượng nguồn nhân lực của ngành du lịch, dịch vụ trước những yêu cầu mới.

Nguồn nhân lực bị “phân tán”

Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở nước ta. Từ thời điểm này, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cũng rơi vào tình trạng hoạt động khó khăn. Các điểm du lịch, các khu lưu trú, các đơn vị lữ hành hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa. Lúc bấy giờ, phần lớn người lao động trong các đơn vị kinh doanh du lịch bị mất việc làm, giảm thu nhập, nhiều người phải chuyển sang những ngành nghề khác để lao động, kiếm sống.

dsc_7217.jpg

Từng có kinh nghiệm 5 năm trong lĩnh vực lễ tân tại một resort thuộc phường Hàm Tiến, TP. Phan Thiết, song chị Nguyễn Thị Thanh Nga đã chuyển sang làm môi giới bất động sản được hơn 1 năm. “Dịch bệnh, resort không hoạt động nên tôi phải nghỉ việc. Để kiếm thu nhập trang trải cho cuộc sống, tôi phải kiếm cho mình một công việc khác. Tuy nhiên, tôi cũng đang tìm kiếm cơ hội để quay trở lại công việc trước kia”, chị Nga bày tỏ.

Cũng từng là hướng dẫn viên du lịch, anh Trần Ngọc Nam (xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) cũng đang gửi 3 bộ hồ sơ đến các công ty lữ hành, tour tuyến chờ được gọi đi làm. Anh Nam cho biết: “Mặc dù đã tìm được công việc là giao hàng cho một công ty chuyển phát nhanh thế nhưng anh vẫn tâm huyết với công việc trước đây của mình”.

Sau khi mở cửa hoạt động trở lại và có nhiều tín hiệu tích cực, các đơn vị du lịch đang chủ động, linh hoạt bố trí lại nhân sự, vị trí việc làm để vừa bảo đảm hoạt động cho doanh nghiệp vừa mang lại nguồn thu nhập cho người lao động.

Chị Phan Thị Phong, điều hành tour Công ty TNHH Du lịch và Truyền thông Bình Thuận cho biết: Nguồn nhân lực du lịch thời điểm này đang là vấn đề nan giải, khi mà số lượng và chất lượng chưa đủ để phục vụ lượng khách hàng. Nếu lượng khách hàng đông, e sẽ gặp khó. “Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid -19, nguồn nhân lực bị phân tán rất nhiều. Khi các hoạt động du lịch được mở cửa lại hoàn toàn, có những lao động tự nguyện quay lại, có lao động ổn định công việc mới với nguồn thu nhập cao hơn nên họ không quay lại. Chẳng hạn như tại công ty của tôi, trước đây có khoảng 60 lao động, thế nhưng thời điểm này chúng tôi mới tuyển lại được 20 nhân viên. Hiện tại, chúng tôi cũng đang có những chính sách riêng, chương trình riêng để đào tào bồi dưỡng người lao động”, chị Phong chia sẻ.

Cũng theo chị Phong, việc tuyển dụng lao động trong lĩnh vực du lịch hiện nay rất khó khăn, nhất là những vị trí có tay nghề tốt vì đa số đã chuyển sang lĩnh vực khác. Vì vậy, các đơn vị du lịch bắt buộc phải tuyển dụng lại hoặc đào tạo lại. Điều đó sẽ mất thêm rất nhiều chi phí và thời gian.

Theo thống kê từ 75 doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, hiện có hơn 60% cơ sở lưu trú thiếu hụt nhân lực lao động trầm trọng, nhân sự đa số rời bỏ nghề du lịch chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực khác. Thiếu nguồn nhân lực sẽ tạo ra “lỗ hổng lớn trong ngành du lịch, nhất là khi các hoạt động du lịch đang trở lại trong điều kiện bình thường mới.

dao-tao-1.jpg

Đào tạo thích ứng tình hình mới

Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, cho biết: Nhằm khắc phục những khó khăn về việc thiếu hụt nguồn nhân lực ngành du lịch, trong thời gian đến hiệp hội sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động đào tạo, đào tạo lại tại chỗ cho đội ngũ nhân sự theo bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS) hoặc mời các chuyên gia về tập huấn trực tiếp nội bộ để bổ sung kiến thức thực hành ngay tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, hiệp hội cũng sẽ phối hợp với cơ quan nhà nước để tham gia trong việc hỗ trợ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo cho nguồn nhân lực du lịch theo đề án “Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2020 - 2025, định hướng 2030”; đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Thuận” và “Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định 56/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ”.

“Chúng tôi sẽ đào tạo tập trung về công nghệ số, chuyển đổi số trong lĩnh vực hoạt động du lịch để thích ứng với hoạt động kinh doanh trong điều kiện bình thường mới. Đồng thời, tìm kiếm, hợp tác các Dự án liên kết đào tạo quốc tế (PUM, VSEP...) hoặc thông qua các hiệp hội ngành nghề để mở các khóa bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn, tạo ra đội ngũ nhân sự đạt chuẩn quốc tế. Đây là hoạt động quan trọng, phục vụ cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch”, ông Khoa nói.

dao-tao.jpg
Đào tạo sinh viên chuyên ngành du lịch ở Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận (ảnh tư liệu). Ảnh: Ngọc Lân

Cũng theo ông Khoa, hiệp hội cũng như các đơn vị doanh nghiệp du lịch sẽ tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác với các trường, cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để cho sinh viên đến khách sạn thực tập, đào tạo trực tiếp trong môi trường thực tiễn. Từ đó, vừa tạo điều kiện cho học viên được thực hành, bồi dưỡng nghiệp vụ trực tiếp, thường xuyên, vừa là dịp tuyển chọn nhân lực chất lượng, vừa tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đồng thời tăng cường ký kết với các đơn vị đào tạo chuyên ngành về du lịch hỗ trợ các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và ngoại ngữ chuyên ngành về du lịch. Mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 80% vào năm 2023 và đạt 100% vào năm 2025 trong các doanh nghiệp hội viên hiệp hội.

NGỌC DIỆP


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bình Thuận có Ban Chỉ đạo chuyển đổi số
UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định về việc kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử thành Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bình Thuận.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch trong bối cảnh mới