Phú Lạc là xã thuần đồng bào Chăm sinh sống thuộc địa bàn huyện Tuy Phong, hôm nay đã có nhiều khởi sắc. Miền quê nghèo khó, lạc hậu thuở nào nay đã thay da đổi thịt, trở thành miền quê giàu sức sống. Điểm nhấn đó là vào năm 2022, địa phương này được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thành quả trên có được, đó là hành trình nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị ở cơ sở cũng như sự chung sức đồng lòng từ phía người dân, trong đó đặc biệt là công tác dân vận đã làm cho bộ mặt nông thôn mới ở địa phương này thêm khang trang, rạng ngời sức sống.
Ông Mai Đức Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong cho biết, được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư các công trình thủy lợi, nên nông dân trên địa bàn xã Phú Lạc - huyện Tuy Phong đã mạnh dạn chuyển sang đa canh cây trồng, trong đó ớt, hành tím và đậu phộng là những cây hoa màu ngắn ngày cải thiện nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều nông hộ của địa phương trong những năm qua. Ngoài ra, nho và táo cũng là những cây trồng lợi thế và đặc sản của địa phương. “Hiện toàn xã có gần 1 hecta nho hồng nhật, 22 hecta nho xanh và 18 hecta táo trồng giàn có phủ lưới. Thời tiết nắng gắt và gió nhiều là bất lợi trong canh tác nhưng lại là điểm cộng cho trái cây sau thu hoạch sẽ ngon, giòn và ngọt hơn. Mặc dù chi phí đầu tư trồng một sào nho và táo tương đối lớn, nhưng bù lại giá cả ổn định và ở mức cao nên nông dân thu lãi không dưới 50 triệu đồng mỗi năm. Nhờ chuyển đổi cây trồng hiệu quả, mà thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Phú Lạc vào cuối năm 2022 đạt 44,3 triệu đồng một người, hộ nghèo giảm còn 4,3%”, ông Nghĩa cho biết
Cũng theo ông Nghĩa, điểm sáng nổi bật khác khi đến xã Phú Lạc hôm nay đó là các đường làng trong thôn, ấp thảm bê tông thẳng tắp, xanh - sạch và sáng. Có 5 mô hình: “Họ tộc tự quản về an ninh trật tự”; “Cựu chiến binh giữ gìn an ninh trật tự”; “Phòng chống ma túy dựa vào hộ gia đình và cộng đồng dân cư”; “Đội thanh niên tình nguyện xanh và phòng, chống ma túy”; “Đội xung kích gìn giữ về an ninh trật tự” của các ban, ngành đoàn thể và Ban điều hành thôn chủ trì thực hiện mang lại cuộc sống an vui, hạnh phúc đến với tất cả mọi người. Tất cả những thành quả đó là nhờ công tác dân vận trong thời gian qua.
Bình Thuận có 34 DTTS, trong đó, đồng bào dân tộc Raglai, Cơ Ho, Chơ Ro sống tập trung ở 11 xã thuần và 20 thôn xen ghép; đồng bào Chăm sống tập trung ở 4 xã thuần và 9 thôn xen ghép; đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Hoa sống ở 2 xã thuần và 2 thôn xen ghép. Những năm qua, Bình Thuận đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên tăng cường, đổi mới công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Có thể nói, đến thời điểm này, đời sống vùng đồng bào DTTS tỉnh đã có chuyển biến rõ nét, hệ thống kết cấu hạ tầng được nâng cấp, 100% xã đã có đường ô tô được nhựa hóa thông suốt đến trung tâm xã; 100% xã được phủ sóng truyền hình, phát thanh và có nhà văn hóa; 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 98% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 88,3% hộ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.
Đặc biệt, thông qua công tác dân vận, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả được quan tâm đầu tư và nhân rộng, tỷ lệ hộ nghèo giảm... Có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu cấp tỉnh như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp triển khai công tác phòng, chống bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn bà con áp dụng, nhân rộng thành công mô hình sản xuất lúa theo phương thức cải tiến SRI ở xã Phan Sơn (Bắc Bình). Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn UBND xã Hải Ninh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015; Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn 7 hộ dân ở Hàm Cần vay vốn chăn nuôi với số tiền 200 triệu đồng. Mô hình tiêu biểu cấp huyện như: Sản xuất sầu riêng an toàn ở xã La Dạ, trồng ớt ở xã Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc)...
Có được kết quả trên, bắt nguồn từ việc Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Dân tộc tỉnh thường xuyên bám sát địa bàn nắm bắt kịp thời dư luận xã hội và tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS để kịp thời đề xuất với cấp ủy, chính quyền giải quyết những vấn đề bức xúc, khó khăn phát sinh trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Đồng thời phối hợp với các ngành, địa phương hướng dẫn xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, điển hình làm kinh tế giỏi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong đầu tư sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt.
Để đạt kết quả tốt hơn trong thời gian đến, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp thực hiện tốt tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc. Trong đó, phong trào thi đua: “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong đồng bào DTTS tiếp tục được xem là nhiệm vụ trọng tâm.