Theo dõi trên

Nét văn hóa đặc trưng của người Chăm Bình Thuận

16/11/2023, 05:00

Cúng đất là một tập quán đẹp của đồng bào Chăm ở Bình Thuận, thể hiện lối ứng xử khiêm nhường, thân thiện đối với mảnh đất định canh, định cư, tạo dựng cuộc sống hàng ngày. Đồng thời phản ánh thái độ trân trọng, có trước có sau với những người đã có công khai phá để người đến sau có nơi tá túc làm ăn, phát triển sản nghiệp…

.jpg
Một trong những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Chăm ở Bình Thuận là đều tổ chức lễ cúng đất khi bước vào năm mới theo Chăm lịch.

Một trong những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Chăm ở Bình Thuận là đều tổ chức lễ cúng đất khi bước vào năm mới theo Chăm lịch. Lễ cúng đất được tổ chức trong phạm vi của mỗi gia đình và thường tổ chức vào ngày thứ ba, thứ tư và thứ bảy trong tuần của tháng giêng tính theo Chăm lịch. Đây là lễ cúng mà các gia đình người Chăm bày tỏ lòng thành của mình đối với thần đất, các vị thần bản địa, các vong linh đã khuất trên mảnh đất mà người Chăm đang sinh sống; cầu mong cho tổ tiên và thần thổ địa phù hộ cho gia đình một năm mới có được những phúc lành, làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu. Tùy theo điều kiện mỗi gia đình mà có mâm đồ cúng khác nhau. Tuy nhiên về cơ bản mâm cơm bao gồm những lễ vật dâng cúng như: gà luộc, chuối, trứng vịt, đĩa trầu cau, xôi chè, cơm canh, cá kho, cá nướng, rượu… Sau đó, gia đình mời một vị thầy cúng chuyên phụ trách các lễ tục bản địa để thực hiện nghi lễ cúng đất. Địa điểm thực hiện cúng đất là trong khuôn viên nhà của gia đình.

z4878433614465_b860cf3f3ed2bed87330c65f6e306559.jpg

Trước khi hành lễ, thầy cúng phải thực hiện nghi thức thanh tẩy thân thể. Để thực hiện các nghi lễ cúng đất, thầy cúng ngồi hướng mặt về phía đông, trải chiếu, sau đó đặt các món lễ vật vào các mâm để đồ cúng. Thầy cúng khấn bằng tiếng Chăm mời lần lượt các vị thần của người Chăm như Po Inâ Nagar, Po Klaong Garai, Po Romé, Po Klaong Kasait… về dự lễ, cuối cùng là mời các vong linh mất trên mảnh đất gia chủ đang sinh sống về dự lễ cùng. Sau lễ cúng, mọi người thân trong gia đình cùng hàng xóm láng giềng quây quần ăn bữa cơm và nhâm nhi vài chén rượu trò chuyện.

z4878433611521_a0a69959623802a960515952257a82af.jpg

Bình Thuận là địa phương tập trung nhiều đồng bào Chăm, với hơn 40.000 người. Người Chăm sinh sống tập trung tại 6 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh. Trong những năm qua, cộng đồng người Chăm đã gắn bó với vùng đất Bình Thuận qua nhiều thế kỷ và cùng với các dân tộc anh em khác trên vùng đất này đã đóng góp cho nền văn hóa của tỉnh Bình Thuận nói riêng và của Việt Nam nói chung nhiều di sản quý giá.

z4878433548518_834c579461d169d27a0954445cf9ae8d.jpg

Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Chăm trong quá trình xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là một yêu cầu quan trọng, luôn được cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh Bình Thuận đặc biệt quan tâm.

NHẬT HOÀNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nghĩa tình với xã La Ngâu
Công tác giao lưu, kết nghĩa đối với các xã thuần, thôn ghép vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận triển khai thực hiện từ năm 2016. Theo đó trong thời gian qua, nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực đã được phối hợp tổ chức tại địa bàn xã La Ngâu, huyện Tánh Linh - đơn vị kết nghĩa với ngành giao thông vận tải địa phương…
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nét văn hóa đặc trưng của người Chăm Bình Thuận