40 năm là thời gian mà bản thân tôi đã sống ở Tuy Phong. Ban đầu tôi đến đây chỉ là do nhiệm vụ công việc được phân công nhưng rồi tôi đã gắn bó với mảnh đất này từ đó đến bây giờ.
40 năm cũng là khoảng thời gian huyện Tuy Phong được tách ra từ huyện Bắc Bình vào tháng 6/1983. Và như là một định mệnh, tôi đã gắn liền số phận của đời mình theo những cung bậc thăng trầm cùng Tuy Phong trong suốt 40 năm ấy. Cảm nhận của tôi trong những ngày đầu tiên mới về thị trấn Liên Hương là có quá ít cây xanh và cái xứ gì mà nắng nóng dễ sợ. Lúc đó tôi chưa biết Tuy Phong vừa mới phải trải qua một cơn đại nạn. Cơn bão đổ bộ vào bờ biển Tuy Phong tháng 9/1983, nghĩa là chỉ mới hơn 2 tháng sau khi huyện được tái thành lập. Phần lớn số cây xanh ít ỏi trong thị trấn đã bị gió bão quật ngã gần hết. Cơn bão năm ấy không những gây ra thiệt hại về cơ sở vật chất trên khắp địa bàn mà còn gây ra cái chết cho gần hai trăm ngư dân. Ngày 12/9 âm lịch hàng năm sau này trở thành ngày giỗ chung của nhiều gia đình xứ biển nơi đây. Người ta còn nói rằng, nếu trong cái đêm kinh hoàng đó, sáu trăm chiếc thúng câu mực của ngư dân Chí Công - Phan Rí mà không vào bờ sớm hơn một chút thì tai họa sẽ còn khủng khiếp hơn nhiều.
Riêng vợ tôi sau này mỗi lần nhắc đến cơn bão năm đó thì cô ấy lại chỉ tay vào vết sẹo mờ mờ trên mặt mình như một kỷ niệm khó quên. Một tấm tôn bay loạn trong gió bão đã để lại một vết cắt dài trên má cô ấy. Rất may là tấm tôn ấy chỉ sượt qua và vết cắt thì không sâu lắm. Nhắc lại thảm họa thiên tai năm 1983 để biết rằng ngay từ những ngày đầu thành lập, huyện Tuy Phong đã phải đối diện với muôn vàn khó khăn. Lãnh đạo huyện lúc đó chưa kịp làm gì thì đã phải lo khắc phục hậu quả nặng nề của cơn bão gây ra. Tôi còn nhớ rất rõ, Tuy Phong lúc ấy còn nghèo lắm. Thị trấn Liên Hương là trung tâm huyện lỵ mà không có lấy được một mét đường trải nhựa. Nhà xây thì ít mà nhà vách đất, nhà lá thì nhiều. Những con đường ngang dọc lầm lụi bụi cát. Không có điện, nước sinh hoạt của cả thị trấn thì phải dùng xe tải chuyên chở hàng ngày. Nhìn ra chung quanh, địa bàn của huyện nằm xa các trung tâm kinh tế lớn và cũng không thuận tiện trong việc giao thương. Kinh tế địa phương cũng chỉ bó hẹp trong hai ngành nông nghiệp và đánh bắt thủy hải sản trong điều kiện phụ thuộc khá nhiều vào thiên nhiên.
Cơn bão năm đó đã đánh đắm và làm hư hại nhiều tàu thuyền, tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình thủy lợi. Tỉnh hỗ trợ được một số vật tư như gỗ, xi măng, sắt thép, xăng dầu... Huyện thì huy động công sức nhân dân đóng góp để khắc phục những công trình bị hư hại. Mọi thứ sau đó dần dần trở lại bình thường nhưng cái nghèo thì vẫn cứ đeo đẳng. Thậm chí, trong mấy năm đầu khi mới tách huyện, các văn phòng làm việc chưa được xây dựng kịp. Vậy là anh em cán bộ các phòng ban chuyên môn của huyện phải “ba cùng” với dân y như trong thời chiến tranh, nghĩa là ở nhờ nhà dân, dựa vào sự giúp đỡ của dân để làm việc Nhà nước. Cộng vào đó do cung cách quản lý làm ăn kiểu bao cấp nên mọi thứ thiếu thốn trăm bề. Ngay cả trong số cán bộ hồi đó, nhiều người cũng không thể mua nổi một chiếc xe đạp để đi làm. Cái khó ló cái khôn. Trong điều kiện thực tế xã hội lúc đó, chẳng mấy ai dám nghĩ đến những thay đổi mạnh mẽ trên địa bàn huyện trong những năm sau này. Tôi còn nhớ, năm 1986, khi huyện huy động các ngành làm công tác quy hoạch phát triển đến năm 2000, ngành giao thông huyện chỉ dám đề xuất làm một đoạn đường nhựa dài chừng năm trăm mét nối với quốc lộ 1A, từ ngã tư Liên Hương vào đến cổng Ủy ban nhân dân huyện. Và tất cả chỉ có vậy. Bây giờ mà đem nội dung của bản quy hoạch ấy ra đối chiếu với thực tế hiện nay chắc sẽ thấy rất buồn cười.
Sự đổi thay của huyện có lẽ bắt đầu từ những thứ rất nhỏ. Đầu tiên là việc xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho thị trấn Liên Hương. Nguồn kinh phí được Thủ tướng Phạm Văn Đồng cấp hỗ trợ trong chương trình khắc phục hậu quả cơn bão năm 1983. Khi đường dây 110 KVA Phan Rang - Phan Thiết được Nhà nước đầu tư xây dựng thì người dân mới dám hy vọng điện lưới quốc gia về đến Tuy Phong có thể trở thành hiện thực. Lãnh đạo huyện không ngồi chờ sự đầu tư từ ngân sách Trung ương. Để khu vực phía Bắc nhanh chóng có được nguồn điện, huyện đã huy động sự đóng góp của nhân dân đầu tư xây dựng ngay đường dây 22 KVA từ Phan Rí ra Liên Hương. Đến cuối năm 1990, thị trấn Liên Hương đã được hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Cái tết năm đó, lần đầu tiên người dân nơi đây được nhìn thấy ánh sáng của nền văn minh đô thị. Sau thị trấn Liên Hương thì điện lưới được mở rộng dần ra các xã khác.
Rồi đến lĩnh vực thủy lợi. Năm 1996, tỉnh đầu tư xây dựng hồ Đá Bạc ở xã Vĩnh Hảo. Tiếp đến, cuối năm 2000, Trung ương đầu tư xây dựng hồ Lòng Sông. Năm 2010, hồ Phan Dũng cũng được khởi công. Những công trình này hoàn thành đã giải quyết cơ bản được cơn khát ngàn đời cho con người cũng như cây trồng vật nuôi trên vùng đất đầy nắng và gió này. Ngày nay, các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn huyện vẫn tiếp tục được đầu tư nhằm đảm bảo được nhu cầu nước cho sự phát triển.
Bằng nhiều sự nỗ lực về công sức và trí tuệ của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ giúp đỡ của cấp trên, cơ sở hạ tầng làm việc của hai thị trấn Liên Hương và Phan Rí Cửa và các xã đều được chỉnh trang khá bài bản. Các tuyến đường giao thông lớn nội thị và liên xã đều được nhựa hóa. Ngay cả các con đường hẻm nhỏ xíu cũng được phủ một lớp bê tông. Mạng lưới giao thông trên toàn huyện được kết nối thông suốt bảo đảm sự phát triển trước mắt cũng như lâu dài. Mới đây, đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết hoàn thành đã rút ngắn thời gian hành trình từ Liên Hương đi thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn hơn 2 giờ, nghĩa là giảm gần một nửa thời gian so với trước kia.
Hệ thống thông tin liên lạc viễn thông trên địa bàn huyện cũng được đầu tư nâng cấp, nhanh chóng phủ sóng trên toàn vùng. Khu trung tâm hành chính nhỏ bé, ọp ẹp của huyện được xây dựng từ thời bao cấp cũng dần dần được thay thế bằng những tòa nhà khang trang, xứng đáng là bộ mặt của một đô thị mới.
Khi cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ thì kinh tế cũng phát triển theo. Nông nghiệp đã đi vào thâm canh, chủ động thay đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi phù hợp theo cơ chế thị trường. Nông dân không còn phải lúc nào cũng phập phồng nhìn lên trời cầu mưa như ngày xưa. Các ngành nghề khác cũng phát triển theo, đặc biệt là ngành du lịch trở thành một ngành mới, một hướng ăn nên làm ra. Về công nghiệp, ngoài những ngành nghề truyền thống, trong những năm gần đây, Tuy Phong phát triển mạnh ngành công nghiệp năng lượng. Bốn Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân có công suất hơn 3.000 MW đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Các nhà máy điện gió, điện mặt trời cũng lần lượt mọc lên khai thác tất cả những lợi thế có sẵn của địa phương. Nói không quá lời, Tuy Phong ngày nay gần như đã trở thành một trung tâm năng lượng của quốc gia. Điều đó khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của Tuy Phong trong cơ cấu phát triển chung của cả nước.
Cứ từng bước như vậy, trong 40 năm qua, Tuy Phong đã đồng hành cùng với cả nước tiến vào thế kỷ mới của khoa học và công nghệ. Công nghệ kỹ thuật cao được áp dụng rộng rãi cho các loại cây trồng, vật nuôi, đánh bắt thủy hải sản. Công nghệ số cũng được áp dụng phổ biến trong các ngành nghề khác nhau. Tất cả mở ra một tiền đề cho sự phát triển của Tuy Phong trong tương lai.
Ừ nhỉ! 40 năm trôi qua ngó vậy mà cũng nhanh thiệt. Khi con người không lãng phí thời gian thì 40 năm chẳng qua cũng giống như là một cái chớp mắt. Người Tuy Phong đi xa mỗi lần trở về đều ngạc nhiên khi nhìn thấy sự đổi thay trên quê hương của mình.