Nâng cao chất lượng gắn với tiêu thụ sản phẩm
Vùng sản xuất lúa thương phẩm tập trung, chất lượng cao được tỉnh xác định là vùng sản xuất lúa tập trung có quy mô phù hợp với từng loại hình sản xuất và điều kiện của địa phương, tuân thủ quy định của nhà nước về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, có liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Trong những năm gần đây, vùng lúa thương phẩm tập trung chất lượng cao gắn với tiêu thụ sản phẩm đã giúp nông dân trong tỉnh an tâm đầu tư vào sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, nâng cao sức cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất, đồng thời không bị thương lái ép giá. Tỉnh còn xác định, phát triển vùng sản xuất lúa thương phẩm tập trung, chất lượng cao, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và lúa gạo đặc sản mang thương hiệu của tỉnh ở các vùng sản xuất trọng điểm lúa, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện rõ rệt đời sống cho người trồng lúa. Từng bước chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp trong sản xuất lúa. Bên cạnh đó ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây lúa, thay đổi nhận thức và kỹ thuật sản xuất cho người nông dân, tạo sự dịch chuyển từ phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất mới có áp dụng khoa học công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường thương mại hóa và tính bền vững của chuỗi giá trị. Phát triển ổn định, bền vững vùng sản xuất lúa chất lượng cao, phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn lực nông hộ, kết cấu hạ tầng, để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân và đảm bảo an ninh lương thực. Huyện Đức Linh và Tánh Linh là 2 địa phương có diện tích trồng lúa lớn nhất tỉnh. Để triển khai thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, huyện Đức Linh đã xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện. Theo đó, huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng vùng lúa chất lượng cao dựa trên nền tảng đã thực hiện liên kết sản xuất trước đây, kết hợp với thực hiện các giải pháp sản xuất mới về giống, áp dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất cánh đồng lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị, ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp về sản phẩm gạo đặc sản gắn với thị trường cao cấp. Là huyện miền núi thuần nông của tỉnh, với lợi thế từ hạ lưu sông La Ngà, hàng năm huyện Tánh Linh gieo trồng trên 23.000 ha lúa. Xác định đây là vùng lúa trọng điểm của tỉnh, vì vậy ngành nông nghiệp của tỉnh luôn chú trọng xây dựng Tánh Linh thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao thông qua liên kết “bốn nhà”, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng thời hướng đến xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu cho tỉnh.
Giữ ổn định diện tích vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao
Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2025, ổn định diện tích vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao 17.745 ha, năng suất trên 60 tạ/ha, trong đó khoảng 50% diện tích liên kết, hợp đồng các doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Lợi nhuận tăng thêm khoảng 10 - 15% so với sản xuất thông thường. Đến năm 2025, xây dựng 15 mô hình trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chí cánh đồng lớn tại một số vùng sản xuất lúa trọng điểm như: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Tuy Phong nhằm chuyển nhanh sang sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng 5 chuỗi liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị. Xây dựng khoảng 30 mô hình trình diễn thử nghiệm một số giống lúa chất lượng cao nhằm xác định một số giống lúa có năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu đưa vào cơ cấu giống của địa phương. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi phải đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất. Theo đó, đối với các vùng lúa chất lượng cao được tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh hợp tác, liên kết để giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị từ các khâu liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các hộ nông dân sẽ được tổ chức lại thành các tổ hợp tác, hợp tác xã và sẽ được liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp kinh doanh cung cấp nguyên liệu đầu vào và doanh nghiệp bao tiêu đầu ra theo hướng nông dân được cung cấp đầu vào bảo đảm chất lượng với giá thấp hơn, đồng thời bán lúa với giá ổn định, cao hơn.
Đẩy mạnh thúc đẩy liên kết trong sản xuất lúa chất lượng cao, nhất là giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để tập trung ruộng đất và tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên canh, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo thuận lợi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, quy trình sản xuất tiên tiến, tạo ra sản phẩm lúa đồng nhất về chất lượng. Tăng cường ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gạo có giấy chứng nhận chất lượng, gạo theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó đẩy mạnh liên kết giữa các vùng lúa chất lượng cao trong sản xuất, chế biến nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng và hướng tới phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị, tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế…