Theo dõi trên

Quan trọng là đổi mới cách dạy và học môn sử

27/05/2022, 05:13

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức triển khai từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT, học sinh chỉ cần học 5 môn bắt buộc. Các môn còn lại sẽ được đưa vào danh sách các môn tự chọn theo nhóm . Môn lịch sử cũng nằm trong nhóm tự chọn này với cụm môn khoa học xã hội (gồm lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật).

Điều này nhận được sự quan tâm, tranh luận, có nhiều ý kiến trái chiều, trong thời điểm chỉ còn 3 tháng nữa là bắt đầu năm học mới. Dư luận băn khoăn, lo ngại khi là môn tự chọn, môn lịch sử sẽ dễ bị “khai tử” do không có học sinh lựa chọn học.

ls-1535.jpg
Ảnh minh họa.

Có người cho rằng: Việc đưa môn sử thành môn tự chọn ở cấp THPT chính là tạo điều kiện về “tư tưởng” để học sinh, phụ huynh dần loại môn sử khỏi kế hoạch học tập của mình. Bởi môn sử thật khô khan, bắt học sinh phải nhớ hàng đống sự kiện, số liệu, ngày, tháng, năm… Một số kỳ thi gần đây đã chứng kiến sự thảm bại về điểm số của môn sử. Liệu mấy ai sẽ chọn học môn khó này khi có thể có điểm cao, đậu đại học với các môn “dễ ăn” hơn?

Rất nhiều ý kiến lo lắng rằng đại đa số lớp trẻ, nhất là lứa đang học phổ thông, gần như không hiểu biết về lịch sử dân tộc. Điều gì xảy ra nếu giới trẻ hiện tại và tương lai không biết gì về lịch sử nước nhà, hoặc chỉ biết lơ mơ, qua loa. Chẳng ai dám chắc các em không nhặt nhạnh những thông tin lịch sử đã bị xuyên tạc, bôi đen, bóp méo, đang phát tán từng giờ, từng phút trên mạng, để lấp đầy những khoảng trống ấy. Tương lai đất nước sẽ đi về đâu?

Qua tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh trước kỳ họp thứ 3, đã ghi nhận nhiều ý kiến của cử tri Bình Thuận không đồng tình với việc đưa môn sử thành môn tự chọn ở cấp THPT, vì cho rằng không phù hợp với điều kiện thực tế tại nước ta. Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam cũng kiến nghị lịch sử phải là môn học chính thức. Vấn đề là dạy và học như thế nào để nâng cao chất lượng, chứ không nên để môn sử là môn tự chọn. Còn Ủy ban VH- GD của Quốc hội cũng đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến theo hướng quy định môn học lịch sử là bắt buộc ở cấp THPT, do môn sử có vị trí đặc biệt, có ý nghĩa rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông.

Còn luồng ý kiến khác cho rằng: không nên quá lo lắng chuyện học sinh sẽ không chọn môn sử và môn học này sẽ bị “khai tử” kéo theo nhiều hệ lụy nêu trên.Theo giải trình của Bộ GD-ĐT: môn lịch sử nhằm giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, giúp học sinh có thể rút ra những bài học trong cuộc sống. Vì vậy trong chương trình phổ thông mới, môn lịch sử được bố trí dạy như sau:

Ở cấp THCS - giai đoạn giáo dục cơ bản, môn lịch sử được bố trí dạy ở tất cả các lớp (từ lớp 6 - 9), nội dung trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam, từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại, hiện đại. Ở giai đoạn này trong toàn cấp THCS tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện.

Ở cấp THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn lịch sử là một môn trong tổ hợp xã hội. Ở cấp này, các chuyên đề, chủ đề môn lịch sử là những nội dung chuyên sâu, giai đoạn này học sinh bắt buộc phải chọn 5 môn lựa chọn trong 3 tổ hợp. Học sinh nào chọn tổ hợp xã hội đã có môn lịch sử. Học sinh chọn tổ hợp tự nhiên vẫn phải chọn một môn trong tổ hợp xã hội có môn lịch sử. Học sinh hoàn toàn có thể chọn môn lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân, cho định hướng nghề nghiệp mà mình đã chọn…

Theo Bộ GD-ĐT, cách sắp xếp, bố trí chương trình môn lịch sử như vậy bảo đảm đáp ứng được vai trò giáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông.

Nhưng dù ủng hộ quan điểm lịch sử là môn học bắt buộc, thì rất nhiều ý kiến cho rằng việc thế hệ trẻ thiếu hiểu biết về lịch sử không phụ thuộc nhiều vào việc đây là môn bắt buộc hay lựa chọn, mà quan trọng là cách dạy, cách thi và tính khách quan của sử học có được bảo đảm hay không? Bởi vì trước đây lịch sử là môn bắt buộc, nhưng năm nào điểm thi môn sử cũng đội sổ. Một bộ phận học sinh không hứng thú với môn sử, do nội dung, cách truyền đạt của giáo viên còn khô khan, tẻ nhạt. Vì vậy dư luận hy vọng ngành giáo dục sẽ có những thay đổi trong cách dạy, cách học, cách tiếp cận, biên soạn tài liệu, sách giáo khoa, đổi mới cách ra đề thi môn lịch sử, tạo ra sức hấp dẫn cho môn học có ý nghĩa rất quan trọng này.

ĐẶNG DŨNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Khắc phục bệnh né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
Đùn đẩy, né tránh trách nhiệm là bệnh thường gặp ở những cán bộ có bổn phận thực thi, giải quyết những vấn đề, những công việc thuộc phạm vi mình phụ trách, nhưng lại tảng lờ, trốn tránh trách nhiệm, tìm cách đẩy sang cho người khác, đẩy lên cho cấp trên, đẩy cho cấp dưới, thậm chí đẩy vào… ngăn kéo (không làm gì cả), miễn là nó thoát ra khỏi bản thân mình, mặc cho công việc chung bị đình trệ.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quan trọng là đổi mới cách dạy và học môn sử