Núi Tà Cú tọa lạc tại huyện Hàm Thuận Nam là điểm du lịch sinh thái tâm linh hấp dẫn du khách gần xa. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Tà Cú đã thu hút hơn 22.000 lượt khách tham quan, tăng 10% so cùng kỳ năm trước. Tháng giêng là thời điểm thu hút khách thập phương đông nhất về với Tà Cú. Nếu như trước đây, để leo lên đến chùa núi Tà Cú, khách thập phương phải mất 2 giờ đồng hồ để vượt qua 2.300 m đường dốc, tương đương khoảng 2.000 bậc tam cấp bằng đá. Còn bây giờ, nhờ hệ thống cáp treo, chỉ mất khoảng 6 phút để lên núi. Khu du lịch chùa núi Tà Cú bây giờ cũng khác hơn trước, được chăm chút đẹp đẽ, sạch và xanh hơn, với nhiều địa điểm dành cho du khách check in hơn trước.
“Lâu lắm rồi, tôi mới trở lại Tà Cú, vừa tiết kiệm được thời gian bằng cáp treo vừa có cơ hội chiêm ngưỡng gần một nửa núi rừng Tà Cú từ trên cao vô cùng mãn nhãn” – anh Đinh Văn Hùng chia sẻ. Từ trên cao, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa là toàn cảnh thị trấn Thuận Nam và những vườn thanh long trải dài xanh mướt như một bức tranh sống động.
Điểm đặc biệt thu hút của Tà Cú chính là 2 ngôi chùa nổi tiếng là Linh Sơn Trường Thọ và Long Đoàn nằm ở độ cao khoảng 400m trên núi Tà Cú. Linh Sơn Trường Thọ còn có tên quen thuộc là chùa Núi Tà Cú, hoặc dân dã hơn là chùa "Trên" để phân biệt với chùa "Dưới" là Long Đoàn. 2 ngôi chùa được gọi chung là chùa Núi. Tháng giêng, nhiều gia đình, du khách thập phương từ các nơi như TP. HCM, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… đổ về lễ Phật, cầu an cho gia đình. “Năm nào gia đình em cũng về, trước là lễ Phật, sau là kết hợp du lịch, tắm biển. Ở đây em thấy còn giữ được vẻ hoang sơ, có phần trầm mặc”. Trần Duy Đạt (khách đến từ TP. HCM), cho biết.
May mắn hơn khi trên đỉnh Tà Cú còn nhiều cảnh đẹp thiên nhiên nguyên sơ với những gốc cây đại thụ 4 - 5 người ôm, những dòng suối róc rách… Theo điều tra khảo sát của Viện Quy hoạch lâm nghiệp thì trên núi Tà Cú có 178 loài động vật, 77 loại thảo dược quý hiếm. Đối với người dân địa phương và khu vực Nam Trung bộ, Tà Cú là ngọn núi tâm linh. Ngọn núi hình tượng con voi phục này là điểm dừng cuối cùng của phái thiền tông do Tổ Bảo Tạng trong hành trình tiến vào phương Nam. Chính nơi đây Tổ đã truyền pháp cho nhà sư Hữu Đức và ngài Tổ sư Hải Ấn Hữu Đức (Thông Ân Hữu Đức) đã trở thành vị tổ khai sơn Núi Tà Cú có tượng Đức Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 49m, là tượng Phật nằm dài đạt kỷ lục châu Á vào năm 2013. Quần thể tượng Tam Thánh Tây Phương ngay gần đó tạo ra một không gian mở gợi sự hướng thiên, hướng thiện của con người. Thông thường, du khách phương xa đến với Tà Cú, họ lựa chọn ở lại qua đêm trên chùa. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều gia đình đi lễ Phật và sinh hoạt cùng ở đây như chính gia đình. Họ có thể mắc võng nghỉ ngơi, gia đình vui vầy ăn uống đơn giản để rồi ngày mai xuống núi.
Không chỉ vui vầy, mà du khách còn có thể từ trên đỉnh núi phóng tầm mắt xa hút đến làng cổ Tam Tân có Dinh Thầy Thím nổi tiếng linh thiêng, đến Hòn Bà xanh xanh như một dấu chấm than gợi bao thăng trầm lịch sử nơi vùng biển phía Nam. Cứ như thế, mỗi độ tháng giêng, du khách lại tìm về để những nguyện cầu cho một năm mới bình an.