Theo dõi trên

Thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua vận tải đường biển

19/01/2022, 09:30

BT- Đó là nội dung cuộc họp mới đây do lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, với 3 điểm cầu tại các tỉnh trồng thanh long lớn là Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. Qua đó, nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản, rau quả tươi trong thời gian tới qua vận tải đường biển, giảm thiểu ách tắc qua các tỉnh biên giới phía Bắc.

thanh-long.jpg
Sơ chế thanh long xuất khẩu (ảnh tư liệu).

Khó chồng khó

Ngày 12/1/2022, UBND tỉnh Lạng Sơn thông báo, từ ngày 17/1/2022 cho đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi Việt Nam đến cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu. Điều này lại càng khiến cho hàng ngàn nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng đứng ngồi không yên. Trong khi đó, ở giai đoạn nước rút những ngày cận Tết Nguyên đán, nông dân Bình Thuận vẫn còn hàng ngàn tấn thanh long vụ nghịch đang đến ngày thu hoạch.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng: Những khó khăn trong xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc trong thời điểm hiện nay là nước này đang thực hiện chính sách zero Covid. Hiện Trung Quốc đã đóng cửa khẩu đường bộ nhập khẩu đối với các loại rau quả tươi, đông lạnh, trong đó có trái thanh long. Còn xuất khẩu qua đường biển sang thị trường Trung Quốc, chi phí vận chuyển qua đường biển tăng gấp 3 lần so với trước đây, dẫn đến tăng chi phí của doanh nghiệp xuất khẩu. Mặt khác, các doanh nghiệp còn đối mặt với thực tế thiếu công lạnh và tàu để xuất khẩu qua đường biển, thời gian vận chuyển dài có thể ảnh hưởng đến chất lượng. Đồng thời, việc kiểm soát chặt chẽ từ phía Trung Quốc có thể làm chậm quá trình bốc dỡ hàng hóa tại cảng biển, tăng rủi ro nếu thanh long bị loại bỏ khi phát hiện Covid-19.

Tại Bình Thuận, theo thống kê của Hiệp hội Thanh long tỉnh, một số thành viên doanh nghiệp dự kiến nhu cầu xuất khẩu đường biển trong quý 1/2022 là 45.000 – 50.000 tấn nếu đường biển được thuận lợi. Với điều kiện phải có container (cont) lạnh rỗng, có tàu và giá cước phải ổn định. Cụ thể, Công ty TNHH XNK YUAE LAIMEI là 25.000 tấn, với 1.250 công lạnh 40 feet; Công ty TNHH Sơn Thủy 2.100 tấn, với 105 công lạnh; Công ty TNHH XNK Cao Thành Phát 1.900 tấn với 95 công lạnh; Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu 1.600 tấn với 80 công lạnh…

Kết hợp đường bộ và đường biển

Cũng theo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, nếu bình thường xuất khẩu đi Trung Quốc có giá 45 – 50 triệu đồng/container, riêng năm nay đã tăng lên 180 - 200 triệu đồng/container (phải trả tiền trước). Do đó, giá thành thanh long đội lên rất cao, kể cả chi phí khác. Với lý do đó, hầu hết các doanh nghiệp đều cân nhắc, thận trọng về kế hoạch xuất hàng để tránh rủi ro, thiệt hại tài chính. Kể cả việc mua vào để dự trữ cũng chưa có kế hoạch cụ thể rõ ràng. Một số doanh nghiệp cho biết, trên đường bộ bị tắc, đường biển lại “bí” như hiện nay và không lường trước được diễn biến trong thời gian tới sẽ như thế nào. Do đó, các doanh nghiệp rất lo ngại về rủi ro nhiều khi xuất đi đường biển. Càng lo ngại hơn khi phía Trung Quốc đã thông báo là không nhập hàng để nghỉ tết 3 - 6 tuần trước và sau Tết Nguyên đán.

Ngay thời điểm này, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề ra những giải pháp trước mắt và lâu dài để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ thanh long trên địa bàn tỉnh. Một trong số các giải pháp đó là tuyên truyền, khuyến khích các công ty, doanh nghiệp chủ động phát triển hệ thống kho trữ, bảo quản thanh long tươi, tiêu thụ nội địa và chế biến. Về phía Sở Công Thương Bình Thuận cũng đề nghị các doanh nghiệp, HTX ưu tiên lựa chọn phương thức xuất hàng qua cảng biển để không phụ thuộc vào một hình thức xuất khẩu biên mậu.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần thúc đẩy xuất khẩu theo đường biển. Trong đó, cần sự vào cuộc của các cơ quan Trung ương, địa phương, Hiệp hội Vận tải, các cảng vụ xuất khẩu và các doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chất lượng các lô thanh long xuất khẩu, giảm tối đa các lần tiếp xúc… Cùng với nỗ lực chuyển sang đường biển, các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục duy trì xuất khẩu qua đường bộ và cố gắng đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới phía Bắc: Tạm dừng đưa hàng hóa ra Quảng Ninh
BTO- Sở Công Thương Bình Thuận cho biết vừa nhận được công văn của sở đồng chức năng về việc tạm thời tạm dừng đưa hàng hóa nông, lâm, thủy hải sản ra xuất khẩu tại các cửa khẩu, lối mở biên giới tỉnh Quảng Ninh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua vận tải đường biển