Say mê đàn bầu
Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu
Nghe dịu nỗi đau của mẹ…
Dù không am hiểu tường tận, sâu sắc về nhạc cụ dân tộc, nhưng chỉ cần nghe ông vừa đánh đàn bầu vừa ngân nga tiếng hát bằng chất giọng của người con xứ Nghệ, tôi cảm nhận được âm thanh trầm bổng, sâu lắng cùng tiếng đàn du dương, ngọt ngào. Chủ nhân của tiếng đàn bầu da diết cùng giọng hát trầm ấm ấy là của người cựu chiến binh Quân đoàn 2 Trần Văn Lý (SN 1949). Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở Khu tập thể Xây dựng thuộc KP 3 – phường Phú Thủy – TP. Phan Thiết, ông Lý say mê kể về một thời tuổi thơ gắn bó với tiếng đàn bầu, một thời tuổi trẻ cầm súng bảo vệ đất nước, nhưng không thể thiếu tiếng đàn ngân vang xen lẫn tiếng bom rơi đạn lạc giữa rừng vắng hay ở nơi dừng chân đóng quân.
Hồi tưởng về những ký ức, ông sinh ra và lớn lên ở xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, nơi có con sông La bên lở bên bồi chảy ngang, là cái nôi văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh. Từ cái nôi văn hóa ấy nên từ nhỏ ông đã là một cậu bé đam mê văn nghệ, lại được người anh trai học ở Khoa Đàn bầu – Trường Ca kịch Việt Nam chỉ dạy. Từ đó tiếng đàn bầu của cậu thiếu niên được mang đi biểu diễn ở khắp các xã trong huyện. Vào bộ đội năm 1967, nhưng không mang theo đàn, nên mỗi khi đến đâu đóng quân là người lính trẻ ấy lại tranh thủ tìm dụng cụ để làm đàn. Thời chiến tranh ác liệt, cây đàn bầu của ông được làm rất đơn giản, chỉ bằng cây tre có sẵn trong rừng, nhưng cũng đầy đủ 3 cung 6 nhịp, các nốt nhạc và tiếng đàn vang vọng đã làm ngẩn ngơ bao anh lính trẻ xa nhà cùng các cô dân quân của vùng Quảng Bình – Quảng Trị ngày ấy.
“Có lần tôi đang điều trị vết thương ở Bệnh viện Sư đoàn 324 đóng ở A Lưới (Thừa Thiên – Huế), do thuốc men lúc ấy thiếu thốn, nhiều thương binh rất đau đớn, họ đã yêu cầu tôi đánh đàn bầu cho họ nghe. Bởi tiếng đàn bầu ngân lên lúc ấy như lời ru của mẹ, giúp những người lính chúng tôi vơi bớt nỗi đau thương tật và vững tin chờ ngày chiến thắng” – đôi mắt người lính ngày ấy bỗng bừng sáng khi nhớ về một thời oanh liệt nhưng không thiếu chất nghệ sĩ.
Mong tiếng đàn vang mãi
Người cựu chiến binh ấy không chỉ đàn giỏi, hát hay mà ông còn là một người rất quan tâm đến các làn điệu dân ca và âm nhạc truyền thống, nên ông rất mong mỏi tiếng đàn bầu mãi ngân vang trong đời sống hiện nay. Chính vì vậy, thời bình vào Bình Thuận sinh sống và công tác, dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn, nhưng đồng nghiệp, bạn bè và hàng xóm vẫn thường nghe ông đàn hát hàng ngày. Hiện tại dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia các công tác xã hội của địa phương. Mỗi khi có hội diễn là người Bí thư chi bộ ấy KP3 lại hăm hở mang đàn đi để đem lời ca và tiếng đàn bầu của mình có dịp giới thiệu với mọi người. Chiếc đàn bầu bây giờ không còn làm bằng tre như xưa nữa, mà giờ là chiếc đàn bằng hộp được làm từ gỗ quý, do chính con trai ông mua tặng.
Nhắc đến các con, gương mặt ông rạng ngời hơn bao giờ hết, bởi người con trai dù đang là giảng viên của Trường Đại học Cảnh sát nhân dân và con gái đang công tác trong ngành thống kê của TP. Phan Thiết, nhưng họ vẫn không thiếu tình yêu, niềm đam mê âm nhạc, đặc biệt là đối với đàn bầu và đều là những tay “độc tấu” đàn bầu nổi bật tại nơi công tác. Bởi ngay từ nhỏ, ông đã truyền lòng say mê âm nhạc truyền thống và tiếng đàn bầu cho các con, để các con ông hiểu được cái hồn của đàn bầu và từng làn điệu dân ca.
Chia tay tôi, nhưng ông vẫn luôn mong mỏi một điều, giá như ở Bình Thuận có một dàn nhạc dân tộc, để những sáo, nhị, T’rưng và tiếng đàn bầu được vang lên ở những khu du lịch có đông du khách trong và ngoài nước thưởng thức và hiểu thêm về âm nhạc dân tộc. Điều đó sẽ góp phần bảo tồn âm nhạc truyền thống cũng như để ngành du lịch tỉnh nhà ngày càng phát triển và đa dạng, giàu bản sắc văn hóa - du lịch. Riêng tôi, sau khi nghe tiếng đàn bầu da diết, sâu lắng mà ông vừa độc tấu, tôi đã phần nào hiểu được mong mỏi chính đáng của người lính Cụ Hồ đã dành phần lớn cuộc đời gắn bó với tiếng đàn bầu. Người lính ấy sẵn sàng xả thân trong thời chiến, trong thời bình là công dân gương mẫu, sống giản dị và hơn hết đó là một tấm lòng biết trân quý và giữ gìn âm nhạc truyền thống của dân tộc.
Tiếng đàn bầu ngân lên lúc ấy như lời ru của mẹ, giúp những người lính chúng tôi vơi bớt nỗi đau thương tật và vững tin chờ ngày chiến thắng…