Theo dõi trên

Nên bố trí vốn dự phòng cho các địa phương chịu thiệt hại nặng do thiên tai

01/11/2017, 11:31

BTO- Sáng 31/10, Tham gia phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường về kết qủa thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính NSNN 3 năm 2018-2020 của quốc gia,  ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, nhất là thiên tai, bão lũ, gây thiệt hại nặng nề ở một số tỉnh phía Bắc và khu vực miền Trung gần 26 nghìn tỷ đồng nhưng tình hình kinh tế - xã hội của cả nước 9 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Dự kiến đến cuối năm 2017 có 13/13 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao đều đạt và vượt, điều này rất phấn khởi. Theo ông Cảnh, đó là kết quả tổng hợp, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay phấn đấu vượt qua khó khăn của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cả nước. Đặc biệt, Chính phủ đã thể hiện...

Tuy nhiên, đại biểu Cảnh phân vân về chỉ tiêu tăng trưởng GDP có đạt được thực chất 6,7% vào cuối năm hay không. Bởi vì, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế  muốn đạt mức tăng trưởng 6,7% thì quý IV phải đạt từ 7,4 % đến 7,5%, trong khi đó dư địa ba khu vực không còn nhiều, chưa kể đến vấn đề rủi ro của khu vực nông nghiệp trong những tháng còn lại của cuối năm. Do vậy, Chính phủ cần phải quan tâm và giải trình các giải pháp trước Quốc hội để bảo đảm có cơ sở thực hiện tốt chỉ tiêu tăng trưởng vào cuối năm 2017 là 6,7%.

Bên cạnh những hạn chế yếu kém nêu trong báo cáo của Chính phủ,  đại biểu  Cảnh cho rằng báo cáo chưa nêu nguyên nhân, có một số nội dung cần phải đánh giá sâu kỹ hơn, nhìn nhận thực chất của vấn đề. Theo ông, một trong những khuyết điểm đồng thời là nguyên nhân cơ bản của những hạn chế yếu kém trong thời gian qua đó là kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trên nhiều mặt chưa tốt, hiệu quả chưa cao.

Theo đó, có ba vấn đề cụ thể được đại biểu Cảnh đề cập phân tích : về nông nghiệp, bên cạnh sự phục hồi tích cực nông nghiệp nước ta phát triển chưa bền vững, rất bị động trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu nên rủi ro cao. Ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị còn yếu. Đầu ra sản phẩm nông nghiệp còn bấp bênh. Vấn đề ô nhiễm môi trường, chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm trong nông nghiệp nhiều nơi chưa tốt gây bức xúc trong xã hội. Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hỗ trợ cho nông dân còn ít do chính sách khuyến khích còn nhiều bất cập. Tiếp đến, đại biểu Cảnh đề nghị cần làm rõ nguyên nhân việc thực hiện cổ phần hóa và khoán vốn các doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Đồng thời làm rõ thực trạng nguyên nhân và giải thích cách xử lý dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ, ngoài 12 dự án mà Chính phủ đã và đang chỉ đạo xử lý. Thứ ba, cần làm rõ nguyên nhân vì sao Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ vừa qua chỉ đạo rất quyết liệt cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn còn tình trạng một số lĩnh vực điều kiện kinh doanh thủ tục hành chính còn rườm rà phức tạp đã làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh. Vấn đề này khắc phục như thế nào?

Về chỉ tiêu nhiệm vụ giải pháp chủ yếu năm 2018, ông Cảnh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương quan tâm ba vấn đề chủ yếu trên lĩnh vực khu vực nông nghiệp và nông thôn.  Trước hết, để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững, theo ông Cảnh, Chính phủ cần có chính sách thực tế hỗ trợ để thực hiện tái cơ cấu trong từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu hạn chế thấp nhất mức thiệt hại do thiên tai gây ra; bổ sung các chính sách khuyến khích các hình thức hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp từ sản xuất chế biến tiêu thụ. Qua đó kiểm soát chất lượng nâng cao giá trị gia tăng, tăng khả năng cạnh tranh và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp kể cả xuất khẩu. Đồng thời, đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 210 của Chính phủ theo hướng tập trung vào các chính sách phù hợp với điều kiện nguồn lực ngân sách có hạn và thủ tục đơn giản hơn, bớt rườm rà để thực sự khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất có hiệu quả, nhất là trong thời kỳ cạnh tranh và hội nhập. Thứ hai, trước hậu quả nghiêm trọng và tính cấp bách do tác động xấu của biến đổi khí hậu, Chính phủ cần ưu tiên bố trí vốn dự phòng cho các địa phương chịu thiệt hại nặng do ảnh hưởng thiên tai và biến đổi khí hậu, trong đó có Bình Thuận để đầu tư các công trình bức xúc, hạng mục xung yếu về thủy lợi phục vụ sản xuất, đồng thời xây dựng đê kè chống sạt lở bờ biển, bờ sông và chống xâm nhập mặn. Thứ ba, trong điều kiện nguồn vốn nhà nước còn hạn hẹp nên việc huy động nguồn lực ngoài nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là hết sức cần thiết, nhưng khi địa phương triển khai Nghị định 15 của Chính phủ về hợp tác công tư thì gặp rất nhiều vướng mắc, thủ tục hành chính rườm rà. Việc xác định giá đất và đấu thầu chọn nhà đầu tư rất khó khăn, lúng túng. Do vậy đề nghị Chính phủ sớm rà soát và điều chỉnh nghị định trên cho phù hợp, khả thi để các địa phương thực hiện.

Khắc Điều



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nên bố trí vốn dự phòng cho các địa phương chịu thiệt hại nặng do thiên tai