Theo dõi trên

Phòng, chống tham nhũng, phải mạnh mẽ, quyết liệt và toàn diện hơn

13/04/2020, 13:49

 BT- Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong những năm qua đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Tuy nhiên, phòng, chống tham nhũng là công việc hệ trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì; chúng ta tuyệt nhiên không được tự thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Ngay lúc này, khi Chính phủ đang triển khai gói cứu trợ 62.000 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19, Bình Thuận cùng cả nước càng phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong công tác PCTN, nhất định không để xảy ra tham nhũng từ chính sách này.

                
      
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng    - Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: Internet

Tại Bình Thuận, công tác PCTN luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh và tập trung, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, công tác tự kiểm tra nội bộ thực hiện nhiều hơn trước nhờ đó các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng sớm được phát hiện và ngăn chặn, công tác điều tra, truy tố, xét xử có nhiều cố gắng, các vụ việc phát hiện được xử lý nghiêm túc, kịp thời; sự phối hợp của các ngành chức năng trong công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng ngày càng chặt chẽ và có hiệu quả hơn trước; qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên đối với công cuộc đấu tranh PCTN và xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đối với các đơn vị, địa phương, xác định công tác PCTN là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu góp phần ổn định chính trị, xã hội phát triển kinh tế; hàng năm các ngành, cấp, đơn vị, địa phương đều xây dựng kế hoạch trong công tác PCTN, trong đó xác định rõ mục đích yêu cầu, nội dung cụ thể để thực hiện các giải pháp phòng ngừa được thực hiện đồng bộ, nhằm từng bước đẩy lùi tham nhũng, tạo niềm tin và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh PCTN. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN được đẩy mạnh đã nâng cao nhận thức, ý nghĩa và tầm quan trọng công tác PCTN nói chung và thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng ngày càng được tăng cường; công tác tự kiểm tra nội bộ ở các cơ quan, đơn vị được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, công tác điều tra các vụ việc tham nhũng được các cơ quan chức năng tích cực triển khai...

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, thì công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật về PCTN vẫn chưa sâu rộng; hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa phong phú, hiệu quả chưa cao, nhất là trong nhân dân. Công tác quản lý đất đai, tài chính, xây dựng cơ bản ở một số địa phương, đơn vị thiếu chặt chẽ, còn nhiều sơ hở dễ xảy ra sai phạm. Việc áp dụng chính sách pháp luật về định mức, tiêu chuẩn tại các đơn vị, địa phương, sử dụng kinh phí đối với nguồn thu sự nghiệp tại các đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều lúng túng, chưa đảm bảo theo quy định. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện dẫn đến vi phạm pháp luật. Công tác tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, đơn vị, địa phương còn hình thức, chất lượng và hiệu quả thấp. Chỉ riêng năm 2019, toàn tỉnh phát hiện 11 vụ/17 người có dấu hiệu tham nhũng, giá trị thiệt hại hơn 10 tỷ đồng và hơn 30.000 m2 đất, qua đó cho thấy tình hình tham nhũng ngày càng phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong dư luận…

Ngay lúc này, khi Chính phủ triển khai gói cứu trợ 62.000 tỷ cho người dân gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19, vấn đề phòng, chống tham nhũng sẽ đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng phải có những biện pháp thực sự quyết liệt và hiệu quả để ngăn ngừa không để xảy ra tham nhũng từ chính sách này. Xa hơn, trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các dự án lớn như: Đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây; các dự án điện mặt trời; các dự án thương mại - dịch vụ - du lịch; các dự án liên quan đến đất đai, nhất là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi… dự báo hành vi tham nhũng có thể xảy ra chủ yếu trong công tác quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật trên các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản, môi trường; xây dựng cơ bản; tài chính ngân sách, đầu tư mua sắm công, các dự án, công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước; lĩnh vực đền bù giải tỏa, tái định cư. Đặc biệt trong năm 2020 là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp; do vậy việc phản ánh, kiến nghị, thậm chí là tố cáo sẽ phát sinh và sẽ có nhiều vụ việc liên quan công tác phòng, chống tham nhũng. Do đó, các cơ quan chức năng cần tập trung công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả và giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; công tác PCTN phải mạnh mẽ hơn, phải quyết liệt hơn. Trên tinh thần ấy, các đơn vị, địa phương phải phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện công tác PCTN. Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; và quan trọng hơn là phải ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết xử lý bằng pháp luật đối với những cán bộ, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý hoặc sơ hở, bất cập về cơ chế chính sách để thực hiện hành vi tham nhũng; lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vòi vĩnh; cố ý làm trái quy định pháp luật. Bên cạnh việc xử lý nghiêm đối với những trường hợp sai phạm, cần phải bảo vệ, khuyến khích những cán bộ, đảng viên, người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn, đi đầu trong công tác PCTN. Toàn hệ thống chính trị ngày càng phải mạnh mẽ, quyết liệt và toàn diện hơn trong công tác PCTN, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, vì sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước.

Cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc chiến quyết định sự tồn vong của Đảng, trong cuộc chiến lâu dài này, chúng ta phải luôn ghi nhớ và thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác PCTN: “... Công quỹ là của công cho nên một xu, một hào cũng không được chi dùng bừa bãi; công quyền là vì dân cho nên không được mảy may vì riêng tư; phải thật sự chí công vô tư, công tư phân minh, công trước tư sau, vì công mà quên tư; mọi việc đều xuất phát từ dân, vì dân…”.

Huy Toàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng, chống tham nhũng, phải mạnh mẽ, quyết liệt và toàn diện hơn