Theo dõi trên

Các lĩnh vực ưu tiên được hưởng vốn rẻ hơn

25/07/2017, 09:34

BT- Các lĩnh vực ưu tiên đều đã được giảm lãi suất tối đa xuống còn 6 - 6,5% đối với khoản vay ngắn hạn.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước ra quyết định giảm 0,25 điểm phần trăm/năm các mức lãi suất điều hành và quyết định giảm 0,5 điểm phần trăm/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế; liền sau đó, các ngân hàng đã công bố chương trình giảm lãi suất của mình. Sau ngày 10/7, các chi nhánh ngân hàng tại địa bàn tỉnh cũng đã thông báo chương trình giảm lãi suất trên các lĩnh vực ưu tiên của hội sở. Cụ thể, Agribank chi nhánh Bình Thuận đã niêm yết lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức tối thiểu từ 8,5%/năm xuống còn 8%/năm; tức áp dụng khung lãi suất từ 8 - 10,5% thay vì 8,5 - 10,5% như trước, đối với các lĩnh vực ưu tiên, tùy vào doanh nghiệp có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Trong khi đó, BIDV chi nhánh Bình Thuận cũng niêm yết mức trần lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN là 6,5%/năm.

Riêng 5 lĩnh vực ưu tiên theo Thông tư 39/2016, thỏa mãn các điều kiện cho vay của BIDV gồm nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được giảm lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, tức chỉ còn tối đa 6%/năm đối với khoản vay ngắn hạn. Ngoài ra, một số ngân hàng khác như LienVietPostBank, VPbank… cũng công bố giảm lãi suất cho vay thuộc các lĩnh vực ưu tiên, đã tạo ra một thị trường cho vay hết sức cạnh tranh. Những doanh nghiệp đáp ứng điều kiện vay của từng ngân hàng nhưng chung quy vẫn là có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, có khả năng trả nợ thì việc tiếp cận nguồn vốn rẻ này rất thuận tiện.

Nhìn lại tình hình cho vay trong 6 tháng đầu của năm cho thấy vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo Thông tư 39/2016, trong đó nổi bật là dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 16.785 tỷ đồng, tăng 5,37% so với đầu năm, chiếm 48,38% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 929 tỷ đồng, có tăng 11,12% so với đầu năm, nhưng chiếm tỷ lệ quá ít, chỉ 2,68% so với tổng dư nợ. Còn dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 7.212 tỷ đồng, chiếm 20,79% tổng dư nợ nhưng so với đầu năm giảm 4,36%.  Riêng lĩnh vực ưu tiên mới mẻ nhất là cho vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tại tỉnh cũng đã có khoản dư nợ đầu tiên với hơn 200 tỷ đồng. Đây là lĩnh vực có tiềm năng đang cần rất nhiều vốn nhưng nếu các điều kiện cho vay của các tổ chức tín dụng được nới lỏng hơn thì mới mong đẩy nhanh tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, nhất là trong điều kiện vốn rẻ hiện nay.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận, việc giảm lãi suất cho vay tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên là một giải pháp để mở rộng tín dụng. Trong điều kiện hiện tại, vốn tại các tổ chức tín dụng đang rất dồi dào, khả năng đáp ứng nhu cầu vay cao nên nếu các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện vay thì có khả năng cuối năm nay, tăng trưởng tín dụng tại tỉnh sẽ tăng cao. Vì tính đến tháng 6/2017, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 34.692 tỷ đồng, tăng 7,3% so với đầu năm và nếu so cùng kỳ năm trước thì có tốc độ tăng gấp 2,27 lần.

HẢo Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các lĩnh vực ưu tiên được hưởng vốn rẻ hơn