Theo dõi trên

Chế tạo thành công máy băm tàu thanh long

15/06/2017, 09:19

BT - Với mong muốn xử lý tàu thanh long sau mỗi đợt rong bỏ, một người nông dân tại xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết) đã chế tạo ra chiếc máy băm tàu chạy bằng động cơ xăng. Mặc dù còn phải chờ ngành chức năng đánh giá hiệu quả, tuy nhiên việc một nông dân chế tạo ra một thiết bị băm cành thanh long sẽ giúp cho người trồng giải quyết bài toán xử lý khối lượng rất lớn cành già, thối.

Thông thường, cây thanh long sau 3 năm bắt đầu xuống trụ sẽ cho thu hoạch. Từ mỗi chu kỳ 2 – 3 năm tiếp theo, người nông dân phải thực hiện việc rong tàu, tức là cắt bỏ số tàu già, thối nằm bên trong trụ. Số tàu này không tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng nên không ra trái, ngược lại còn tiêu thụ một lượng lớn chất dinh dưỡng trong cây. Việc rong tàu định kỳ sẽ giúp thanh long khỏe mạnh, ra trái năng suất cao hơn cũng như giúp người trồng giảm chi phí đầu tư phân bón, nước tưới. Bình quân, mỗi đợt rong tàu thanh long thường bỏ đi khối lượng trên 50% số tàu hiện hữu trên cây. Chính vì vậy mà một lượng lớn rác thải là tàu thanh long bị vứt đi buộc người nông dân phải xử lý. Hiện nay, tại nhiều vùng trồng thanh long ở Bình Thuận, người dân thường giải quyết tàu được rong bằng cách băm nhỏ và ủ. Số tàu này sẽ phân hủy và có thể dùng làm phân để bón cho cây thanh long. Lại có một số nơi, người nông dân thu gom tàu đã rong chất giữa khoảng trống các trụ thanh long, sau đó dùng dao chặt nhỏ để chờ tàu tự phân hủy. Hai cách này nhìn chung đều tốn rất nhiều công lao động của người trồng. Bình quân mỗi vườn trồng 100 trụ thì chi phí thuê người rong tàu sẽ mất từ 2,7 triệu đến 3 triệu đồng, đó là chưa kể đến công băm nhỏ tàu để mau phân hủy.

Trước thực trạng đó nông dân Nguyễn Văn Cường – thôn Thiện Bình, xã Thiện Nghiệp đã nghiên cứu thiết bị có thể trợ giúp người trồng thanh long. Theo ông Cường, việc suy nghĩ công cụ băm nát tàu không quá khó, tuy nhiên điều vướng mắc là chế tạo được một công cụ nhỏ gọn có thể di chuyển khắp vườn thanh long để giảm công vận chuyển. Sau thời gian tìm tòi, thử nghiệm, đến đầu tháng 5 vừa qua, ông Cường đã hoàn thiện chiếc máy băm tàu, sử dụng động cơ xăng với 6 mã lực. “Chiếc máy băm tàu này có chiều dài 2m, trọng lượng 103kg. Với đặc điểm nhỏ gọn nên dễ dàng di chuyển khắp vườn chỉ từ 2 đến 3 lao động. Cấu tạo của máy chia làm 3 bộ phận chính, đó là: bộ phận tiếp nhận tàu, với diện tích khoảng 70cm²; hệ thống dao băm, có thể xử lý 4 tàu cùng một lúc và bộ phận đẩy sản phẩm tàu ra ngoài sau khi băm nhỏ. Sau khi chế tạo ra thiết bị, gia đình tôi đã thử nghiệm tại vườn thanh long và năng suất xử lý tàu ban đầu ghi nhận là 1 tấn tàu/1 giờ vận hành. Lượng xăng tiêu thụ tương ứng trong khoảng thời gian này là khoảng nửa lít” - ông Nguyễn Văn Cường, cho biết thêm.

Cũng theo chia sẻ của ông Cường, chi phí chế tạo của máy băm tàu vào khoảng 7 đến 10 triệu đồng, tùy theo dòng động cơ sử dụng của thương hiệu nào. Sản phẩm tàu sau khi đưa vào máy sẽ bị băm nhỏ hơn rất nhiều so với việc băm thủ công, chính vì vậy sẽ rút ngắn thời gian phân hủy. Bên cạnh đó, hệ thống lưỡi dao băm bên trong máy cũng có thể được điều chỉnh để phục vụ kích cỡ tàu thanh long cần xử lý. Ông Trần Minh Quân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp nhận xét: “Qua thực tế quan sát hoạt động của máy, chúng tôi cho rằng hiệu quả trước tiên của thiết bị là giảm nhân công lao động và chi phí xử lý tàu thanh long. Máy có thể linh hoạt di chuyển trong địa hình nhỏ nên rất tiện”. 

C.Tỉnh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chế tạo thành công máy băm tàu thanh long