Theo dõi trên

Có nhiều hướng hỗ trợ ngư dân

18/07/2018, 08:40

BT- Trong thời gian chờ tỉnh ban hành chính sách chuyển đổi nghề giã cào bay thì chủ tàu vẫn có thể nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước khi chuyển đổi nghề theo Nghị định 17/2018 của Chính phủ. Theo đó, tàu giã cào bay có công suất trên 90 CV, khi chuyển đổi sang các nghề khác thì được Nhà nước hỗ trợ một lần không quá 35% số vốn đầu tư.

                
      
Chuyển đổi nghề giã cào bay sang nghề khác    sẽ giúp giải quyết mâu thuẫn trong khai thác hải sản.

Hiệu quả khi chuyển nghề

Trước thông tin về việc tỉnh đang triển khai xây dựng phương án chuyển đổi nghề giã cào bay, bên cạnh những băn khoăn cũng có nhiều ngư dân ủng hộ. Trên thực tế, có nhiều chủ tàu giã cào bay trên địa bàn tỉnh đã tự đầu tư chuyển đổi sang nghề mới như: chụp mực 4 tăng gông, vây rút chì khơi, câu, lưới rê hỗn hợp… Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Thủy sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có hơn 10 chủ tàu giã cào bay đã chuyển đổi sang nghề khác và đa số đều hoạt động khá hiệu quả. Đặc biệt, ở thị xã La Gi có hộ ông Bạch Lòng chuyển sang nghề chụp mực 4 tăng gông cho thu nhập cao với chuyến biển trúng đậm nhất là trong 20 ngày thu được gần một tỷ đồng. Nghề chụp mực 4 tăng gông là nghề mới du nhập vào Việt Nam khoảng 4 năm trở lại đây. Nghề này được nhiều chuyên gia đánh giá có hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ được nguồn lợi thủy sản ven bờ. Ngư trường khai thác của tàu hành nghề khai thác mực 4 tăng gông thường ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, cách bờ trên 150 hải lý, độ sâu khai thác hơn 800m. Tàu khai thác mực có công suất máy 90CV trở lên cần khoảng 8 đến 10 lao động. Hệ thống đèn chiếu sáng dụ và gom mực ở cả trên và dưới mặt nước, phía trên được lắp đặt ở mạn trái, phải và sau ca bin tàu. Mỗi tàu có 25 chiếc bóng đèn loại công suất 400 đến 500 W/bóng. Chi phí mà ông Bạch Lòng phải bỏ ra để chuyển đổi tàu giã cào bay sang tàu chụp mực 4 tăng gông gần 4 tỷ đồng. Nhưng năm 2017, số tiền ông thu về hơn một tỷ đồng, bạn thuyền mỗi người cũng được vài trăm triệu đồng…

Tuy nhiên, với các ngư dân khác, số tiền đầu tư chuyển nghề này quá sức với họ. Về vấn đề này, ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thông tin: “Trong thời gian chờ tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ thì chủ tàu vẫn có thể nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước khi chuyển đổi nghề theo Nghị định 17/2018 của Chính phủ. Theo nghị định với những tàu giã cào bay có công suất trên 90 CV, khi chuyển đổi sang các nghề khác thì được nhà nước hỗ trợ một lần không quá 35% số vốn đầu tư.  Còn trong tương lai, khi Luật Thủy sản có hiệu lực vào ngày 1/1/2019, ngư dân có thể được hỗ trợ từ nguồn vốn của Quỹ Bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.

 Sẽ chấm dứt nghề giã cào bay?

Nếu quyết chuyển đổi được nghề giã cào bay thì cũng chỉ sắp xếp được trong tỉnh. Trong khi tàu giã cào bay hoành hành trên vùng biển Bình Thuận lâu nay khiến ngư dân bức xúc phần lớn đến từ các tỉnh như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang,... Đó là vấn đề nan giải nhiều năm qua, nhất là khi Bình Thuận ban hành nhiều văn bản để quản lý, hạn chế các tác động tiêu cực của nghề lưới kéo (giã cào bay) với thời gian cấm từ 1/4 đến 31/7 hàng năm, thì các tỉnh trên lại không cấm. Đầu năm 2018, UBND tỉnh đã gửi công văn  đề nghị các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang cùng phối hợp chỉ đạo quản lý hoạt động của tàu giã cào bay. Theo đó phổ biến rộng rãi trong ngư dân quy định về quản lý hoạt động khai thác của nghề lưới kéo để tàu lưới kéo biết, chấp hành quy định không được phép khai thác hải sản trên vùng biển Bình Thuận trong thời gian cấm.

 “Thời gian vừa qua, lực lượng kiểm ngư trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuần tra, theo dõi hoạt động của tàu giã cào. Trong thời gian cấm, các tàu giã cào bay khai thác trên vùng biển Bình Thuận đều được lực lượng kiểm ngư tổ chức bám biển kiểm tra liên tục, đưa lực lượng ra xa gần 20 hải lý để bảo vệ cội chà của ngư dân. Trong đó, lực lượng kiểm ngư tập trung vào công tác theo dõi, đẩy đuổi các tàu vi phạm, không để xảy ra điểm nóng như những năm trước. Còn về lâu dài phải chờ Luật Thủy sản có hiệu lực vào năm 2019. Luật mới quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác. Theo đó UBND cấp tỉnh sẽ cấp phép, cấp hạn ngạch khai thác thủy sản cho các tàu cá vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý. Nếu các tỉnh cùng ban hành thời gian cấm khai thác như Bình Thuận đang làm, thì việc ngăn chặn tàu giã cào bay sẽ hiệu quả”, ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết.

Việc hoạt động sai tuyến của tàu giã cào bay thời gian qua đã mang lại nhiều hệ lụy khiến ngư dân bức xúc. Việc thực hiện chuyển đổi ngành nghề khai thác là hợp lý. Nhưng chuyển đổi sang nghề nào thì cần sự hướng dẫn cụ thể của ngành chức năng để đảm bảo hoạt động khai thác lâu dài, bền vững, góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản đang ngày một khan hiếm, cạn kiệt.

Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có nhiều hướng hỗ trợ ngư dân