Theo dõi trên

Du lịch biển phát triển ấn tượng

25/08/2018, 11:16

 BTO- Với trên 3.260km đường bờ biển, hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế biển cùng với gần 3.000 đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có hệ thống tài nguyên biển phong phú để có thể phát triển mạnh ngành du lịch gắn với biển.

                
         Biển đảo Phú Quý đẹp nên thơ

Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch, nhất là hệ thống cơ sở lưu trú ven biển của nước ta cũng được đầu tư phát triển. Tính đến nay, khu vực ven biển đã có hơn 1.400 cơ sở lưu trú cung ứng gần 50.000 buồng.

Với sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng cùng các dịch vụ giải trí, du lịch biển đã thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan và nghỉ dưỡng mỗi năm. Từ năm 2000 đến nay, ngành du lịch Việt Nam đã tăng trưởng khá trong cả doanh thu và số lượt khách du lịch. Đóng góp một vị thế quan trọng vào sự phát triển này là du lịch biển. Theo thống kê, trung bình trên 75% khách quốc tế chọn du lịch biển đảo và 28 tỉnh, thành phố có địa lý giáp biển, đóng góp tới 71,5% tổng doanh thu du lịch lữ hành của cả nước. Tốp 20% các địa phương dẫn đầu chiếm tỷ trọng 75,8% tổng doanh thu du lịch lữ hành và trong tốp này tỷ lệ các địa phương giáp biển đã chiếm đến gần 82%.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, trong giai đoạn 2000 - 2010, tỷ trọng khách quốc tế đến Việt Nam du lịch tại các địa phương giáp biển là 75,3%, hay tính trung bình trên 75% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chọn du lịch biển đảo. Đối với khách du lịch trong nước, tỷ trọng này khiêm tốn hơn song cũng chiếm 54,5% tổng lượng khách du lịch trong nước.

 Riêng Bình Thuận, nếu như năm 1995 Bình Thuận chỉ đón 53.200 lượt khách, thì từ năm 2013 đến nay, lượng khách du lịch đến Bình Thuận tăng bình quân 10%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 12%/năm, khách nội địa tăng bình quân 10,75%/năm. Riêng năm 2017, Bình Thuận đón 5.132.000 lượt khách đạt 100,65% kế hoạch năm, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2016; doanh thu du lịch đạt 10.810 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch năm, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Bình Thuận có cơ cấu khá ổn định chiếm từ 12 - 15 %. Nếu như năm 1995 khách quốc tế đến Bình Thuận chỉ mới đón 5.300 lượt khách thì năm 2017 khách quốc tế đến đây đã lên tới 585.000 lượt khách với cơ cấu thị trường phong phú như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Đức, Thái Lan, Anh, Pháp, Malaysia, Mỹ, Hà Lan…

Ngoài tuyến du lịch nổi tiếng Hàm Tiến - Mũi Né, Bình Thuận đã tập trung thu hút đầu tư, khai thác tối đa tài nguyên du lịch biển ở các tuyến du lịch phía Nam như Hàm Tân, La Gi, Hàm Thuận Nam. Nhiều dự án du lịch và loại hình du lịch dã ngoại, khám phá, trải nghiệm đi vào hoạt động đã thu hút mạnh du khách, nhất là giới trẻ.

Trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ xác định Bình Thuận là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của cả nước. Trong đó, Mũi Né là khu du lịch quốc gia; đảo Phú Quý là điểm du lịch quốc gia; thành phố Phan Thiết là đô thị du lịch và Bình Thuận là trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia. Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, được định hướng phát triển theo chiều sâu và bền vững trên cơ sở khai thác tối đa giá trị tài nguyên, lợi thế để phát triển nhiều loại hình du lịch, trên nhiều địa bàn; Phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn, có chất lượng và sức cạnh tranh cao. Qua đó kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu và số lần quay lại của du khách; Trong đó, nghỉ dưỡng biển, thể thao biển sẽ trở thành loại hình du lịch đặc trưng có thương hiệu mạnh ở khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Với những con số tăng trưởng ấn tượng, du lịch biển đảo đã có đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

QT



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch biển phát triển ấn tượng