Theo dõi trên

Giải pháp để ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

27/02/2018, 09:04

BT- Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, yêu cầu của thị trường về chất lượng nông sản, thực phẩm ngày càng cao, để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản và thu nhập của nông dân, phải xác định rõ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chủ đạo, tạo sức cạnh tranh xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại.

                
Khu nuôi bò sữa. Ảnh: Đình Hòa

Từ đề án...

Tại đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 để làm cơ sở định hướng cho phát triển nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến trong thời gian đến, tỉnh đã tập trung 3 nhóm vấn đề chính: Xây dựng 2 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất thanh long với quy mô 52 ha tại xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất giống thủy sản Chí Công với quy mô 154 ha tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong. Xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các cây trồng: thanh long 3.500 ha, lúa giống 450 ha, vùng lúa thịt chất lượng cao 3.000 ha, rau an toàn 80 ha, vùng nuôi thủy sản mặn, lợ đặc sản. Đồng thời, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo định hướng đến năm 2020 khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm có lợi thế như: tôm giống, thanh long, sản xuất cây giống, con giống quy mô công nghiệp, chăn nuôi heo, gia cầm quy mô công nghiệp, nuôi thâm canh thủy sản. 

Năm 2017, kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận về việc lựa chọn vùng để quy hoạch phát triển dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên vùng đất có điều kiện tưới tiêu hạn chế. Và tỉnh đang xây dựng Đề án khu nông nghiệp ứng dụng cao Bình Thuận tại huyện Bắc Bình với quy mô diện tích khoảng 2.000 ha, để báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung vào Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Khu nông nghiệp ứng dụng cao Bình Thuận  nằm trong quy hoạch vùng tưới nông nghiệp thuộc dự án xây dựng hệ thống kênh Sông Lũy - Sân bay Phan Thiết. Đây là vùng đất nông nghiệp, nhưng hiệu quả không cao do đất bạc màu, khô hạn. Nhằm khai thác hiệu quả nguồn nước thủy lợi được đầu tư, việc sử dụng mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt) cho cây trồng lợi thế bước đầu đạt kết quả. Hiện diện tích ứng dụng công nghệ tưới phun cục bộ và tưới nhỏ giọt đạt 9.935 ha cây trồng cạn, trong đó cây hàng năm 906 ha, cây lâu năm 734 ha, cây ăn quả 7.920 ha và rau màu 375 ha. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình còn hạn chế do vốn đầu tư lớn trên 60 triệu đồng/ha nên chưa được triển khai. Phát triển nông nghiệp vùng tưới Phan Rí - Phan Thiết giai đoạn II do Nhật Bản tài trợ, tỉnh đã triển khai 2 mô hình thí điểm tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn tại huyện Bắc Bình gồm: Khu thí điểm Bình An 32 ha, trồng sản xuất và chế biến cây bạc hà có xuất xứ từ Nhật Bản; Khu thí điểm xã Sông Bình, trồng thí điểm cây măng tây, ớt, nha đam, đậu phộng cho 0,4 ha sau đó nhân rộng cho 70 ha. Ngoài ra, Dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa công nghệ cao tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình của Công ty TNHH Thông Thuận với quy mô 479 ha.

 Đến các giải pháp

Trong quá trình đi tìm giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp, lâu nay các cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp do Trung ương ban hành trong các năm qua được quan tâm triển khai trên địa bàn tỉnh như quản lý đất lúa, hỗ trợ chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang đất trồng hoa màu; hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ; hỗ trợ phát triển thủy sản; hỗ trợ giống cây trồng nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản; phát triển chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch; bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn; đào tạo nhân lực; hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản; chính sách tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, dịch bệnh… Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn bộc lộ một số hạn chế, khó khăn. 

Nên chăng cần đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ, phát triển các hình thức hợp tác, hợp tác xã, liên kết trong sản xuất,  củng cố, duy trì các tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển... Hình thức hợp tác sẽ tác động tích cực hỗ trợ nhau trong sản xuất, thông tin ngư trường, cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, chúng ta đã từng thành công với các đề án thí điểm “Xây dựng mô hình quản lý cộng đồng bảo vệ nguồn lợi hải sản gần bờ” được triển khai xã Phước Thể, huyện Tuy Phong (đối với con điệp quạt) và xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam (đối với con sò lông) với sự tham gia của ngư dân, chính quyền địa phương được đánh giá có triển vọng, góp phần bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Tuy nhiên, cần thu hút đầu tư tư nhân, phát triển doanh nghiệp, tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo một tiêu chuẩn mới để đáp ứng cho nhu cầu lao động sản xuất ra những sản phẩm phù hợp với thị trường quốc tế.

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp để ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp