Theo dõi trên

Giữa vòng xoáy bão giá

18/12/2018, 09:23

BT- Đêm hôm trước có mưa, mưa bất chợt của vùng núi Tánh Linh khiến những vườn cao su nối tiếp kia bỗng hoang vu, yên ắng đến lạ. Cả vùng Gia Huynh này - nơi có cả ngàn ha cao su, luôn nhộn nhịp vào mùa cạo, bây giờ hình như người ta đi đâu xa khuất, hoặc lui vào góc nhà ngồi nhớ quá khứ huy hoàng...

                
Căn nhà đơn sơ của ông Hoàng.

 Chới với

Để vào nhà ông Thảo, phải băng qua vườn cao su khoảng 8-9 năm tuổi. Lứa tuổi cây đang dồi dào nguồn mủ, lại đang vào giữa mùa cạo nhưng ông Thảo úp chén ngay trên cây, không buồn tháo ra từ đầu vụ đến giờ. Giá mủ đang nằm ở đáy, không cạo thì thôi, chứ cạo thì lỗ, cạo càng nhiều lỗ càng đậm. Vì không bù tiền công. Vẫn biết không cạo mủ thì ảnh hưởng chất lượng cây nhưng phải chấp nhận.

Quá khứ huy hoàng của gia đình ông Thảo giờ chỉ còn thể hiện qua bộ bàn ghế đá có vân nhiều màu sặc sỡ; bộ chạm trổ rồng phụng, hổ, lân tinh xảo với tròng mắt được gắn bằng đá saphia; tủ rượu âm tường chứa cả trăm lít đang ngâm những gì bổ nhất trên thế gian… Qua cách ông giới thiệu, vuốt ve từng đồ vật trang trí, qua ánh mắt sáng lên, ai cũng cảm nhận ông đang hãnh diện về chúng. Hãnh diện về một thời làm ăn phát đạt, có nhiều nguồn thu từ mủ cao su, heo, cá đến điều và vườn cây ăn trái. Cái cách chúng được trưng bày ngay gian phòng mà bất cứ ai vào nhà ông đều thấy ngay, bị thu hút tức thì đã thấy rõ điều đó. Hơn nữa, cứ như để khuất lấp sự rộng thênh của ngôi nhà, vì những tài sản quý giá mang tính thông dụng đã đội nón ra đi từ khoảng giữa năm ngoái, dạo giá heo xuống đáy.

Lúc ấy, sau nhiều ngày chạy tiền mua thức ăn cho 500 con heo trong trạng thái vừa ngóng giá, vừa ngóng thương lái, bỗng nhiên một sáng đàn heo trong chuồng số 1 xảy ra bệnh lạ. Heo cứ ét lên một tiếng rồi quay vòng, sùi bọt mép và chết, toàn thân có chấm đỏ. Hết con này lại đến con khác. Rồi từ chuồng này sang chuồng khác. Ngành chức năng tới nhưng không tìm được bệnh. Khuyến cáo chôn để tránh lây lan bệnh. Nhưng heo đã quá lứa, mỡ tích dày, mỗi con nặng 140 - 160 kg nên di chuyển rất nặng. Thương lái ở Hố Nai (Biên Hòa) ra hốt heo chết đến 7 - 8 xe, còn được ông tặng thêm câu cảm ơn. Nhưng heo chết vẫn còn. Mướn người đi chôn heo đến lúc tìm không ra, vì ai cũng ớn lạnh. Thế là nhà ông kéo heo chết tới đâu, chôn đến đó. Và vườn sầu riêng đang mơn mởn gần đó là đích đến. Cứ 1 gốc cây, ông chôn 3 - 4 con với hy vọng, xác heo biến thành phân hòa vào đất khiến vườn sầu riêng đang thời kỳ thu hoạch sẽ cho nhiều trái vào sang năm. Nhưng đâu ngờ, chỉ 1 tháng sau, cả vườn cây đều chết. Cả nhà bàng hoàng, tinh thần suy sụp. Xui rủi ập đến dồn dập như nhà đến hạn. Ông tìm đến thầy bói, thầy cúng… Bây giờ, định thần lại, ông Thảo cho rằng trong những ngày dài ngóng giá lên, vì không có tiền nên phải kiềm chế tốc độ ăn của heo bằng cách thả thức ăn rơi vãi nên có thể heo bị đói, bị tụt đường huyết. Chứ bao nhiêu thứ bệnh của giống vật nuôi này, ông đều biết hết. Đã 35 - 40 năm nay, kể khi từ Thanh Hóa vào vùng đất này, ông đã nuôi heo từ vài con lên chục con rồi trăm con, nổi tiếng đến độ người dân trong vùng đặt biệt danh là “Thảo heo”, quên tên đầy đủ là Hồ Hữu Thảo. Và rồi ông trở thành người bị thiệt hại bi đát nhất trong những người nuôi heo ở Tánh Linh này.

Vợ ông nãy giờ ngồi nghe chồng kể những thiệt hại cũng phụ họa vào câu chuyện những tình huống nghẹt thở nhất. Bà nói như tổng kết: “Giá cả nông sản, vật nuôi lâu nay vẫn lên xuống thất thường nhưng bận heo xuống giá vừa rồi là khốc liệt nhất, vượt quá sự đối phó của người dân ở đây”.

 “Chia trứng nhiều giỏ”

Sự đối phó ấy, theo lời của vợ ông Thảo là người ta xây dựng mô hình vườn tổng hợp, tức trồng nhiều cây và nuôi nhiều con. Tương tự như chia trứng nhiều giỏ để tránh rủi ro, nếu cây con này mất giá thì chắc chắn cây con khác được giá sẽ bù lại. Đâu chỉ ở Tánh Linh, ở Đức Linh, mô hình vườn tổng hợp ấy cũng phổ biến. Không lạ, vì cả hai nơi trên đều là người gốc miền Trung đến đây theo chính sách di dân của Diệm - Nhu và cả di cư tự do vào những năm sau này. Nhiều thế hệ đã lớn lên trong nếp nhà của người miền Trung ấy nên sự lo xa, tính toán cho hôm nay, ngày mai chu đáo đến trong từng suy nghĩ, việc làm. Đó là lý do dải đất màu mỡ ven sông La Ngà này có rất nhiều cây con. Nhưng cây nổi bật có diện tích lớn là cao su, điều, tiêu và vật nuôi có số lượng lớn là heo, bò, trâu và cá. Sự đa dạng ấy giúp mỗi nhà, tùy vào điều kiện vốn có đã đối phó với bão giá của các loại cây con, giúp kinh tế gia đình vẫn ổn.

Gia đình ông Dương Ngọc Hoàng ở thôn 8, thị trấn Đức Tài, Đức Linh kể những tính toán của gia đình để đối phó với bão giá các loại cây con, tôi nghe mà cứ cảm nhận như phải vượt qua những thác ghềnh, vòng xoáy con nước. Đận ấy, ông vừa bị thiệt hại 500 triệu đồng từ heo xuống giá, vừa chôn vốn hơn 1 tỷ đồng trong bán cám chịu cho bà con lối xóm. Tới giờ, vẫn chưa thu hồi tiền được nhiều, vì bà con chưa gượng lại sau trận bão giá ấy. Thế nhưng, trong căn nhà  không lấy gì là sang trọng của ông đang trữ 6 tấn tiêu, ngoài trại kia có 100 con heo đang chuẩn bị xuất chuồng, thương lái đã vào trả hơn 50.000 đồng/kg hơi. Hỏi ông lấy tiền đâu sau vụ vỡ trận giá heo, ông bảo nhờ tích lũy hạt điều. Năm ngoái, điều toàn vùng mất mùa nên giá cao, ông đẩy bán và thu về vài trăm triệu đồng. Cao su năm ngoái giá cũng không đến nỗi tệ, nhất là vào gần cuối vụ, nhờ vậy 3 mẫu cao su giúp gia đình ông thêm vài trăm triệu nữa. Rồi tiền gia đình ông thu về từ hoạt động làm đại lý cám, đại lý phân nên bên cạnh lỗ vì heo lại thêm sự cố 3 sào tiêu bỗng dưng 1 ngày chết rụi không làm kinh tế gia đình ông bị ảnh hưởng nhiều.

Người ta nói ông là tỷ phú, nhưng ông Hoàng cười lớn. Nhìn ông, quần áo tềnh toàng, tóc tai lòa xòa, gương mặt khắc khổ của người nông dân cặm cụi làm ăn, không một ngày thong thả, nếu không nghe ông kể, ngân hàng xác nhận đúng, tôi không tin ông là người giàu có. Nhưng ông tâm sự rằng nhà ông giàu ở mấy đứa con: “Vợ chồng tôi nuôi 4 đứa con học xong đại học rồi. Một đứa muốn đi du học, tôi khuyến khích. Cái gì đến thì mình cứ hưởng ứng rồi trong quá trình đó, xảy ra điều gì thì tính tiếp”. Đó cũng là cách làm của ông trong sản xuất kinh doanh. Như sau vụ heo bị lỗ năm ngoái, liền đó ông mua giống nuôi tiếp, cứ như võ sĩ bị đánh ngã lại bật dậy ngay. Nhờ vậy, sau đó ông có heo bán với giá cao. Cũng như thế, năm nay, ông chọn trữ tiêu mà không trữ điều… 

Phao… vốn

Cả ông Thảo, ông Hoàng đứng vững giữa bão giá các loại cây con trong 2-3 năm qua không phải là cá biệt ở vùng Đức Linh, Tánh Linh. Số liệu từ Ngân hàng Nông nghiệp ở hai nơi trên khiến tôi vừa ngạc nhiên, vừa thấy gì đó điển hình trong bối cảnh nhiều nơi, vì cây con mất mùa, mất giá mà nhiều gia đình tan tác, con cái bỏ học, nợ xấu ngân hàng tăng vùn vụt. Thực tế, tại Tánh Linh, dư nợ cho vay nông lâm thủy sản, trong đó cao su chiếm 80% đã tăng từ 655 tỷ đồng trong năm 2016 lên 779 tỷ đồng rồi đến tháng 11/2018 là 869 tỷ đồng. Còn nợ xấu chung thì cũng trong thời gian trên giảm dần, từ 0,76% xuống 0,63% rồi 0,46% của hiện tại. Trong khi đó, tại Đức Linh, dư nợ cho vay 3 loại cây con  là cao su, heo, hồ tiêu cũng tăng từ 944 tỷ đồng lên 1.176 tỷ đồng và hiện tại là 1.326 tỷ đồng. Tương tự, nợ xấu chung của chi nhánh cũng theo chiều hướng giảm dần như năm 2016 là 0,07%, sang năm 2017 có tăng nhẹ lên 0,09% và đến tháng 11/2018 này quay đầu về 0,05%.

Lý giải hiện tượng này, lãnh đạo 2 Ngân hàng Nông nghiệp ở Đức Linh, Tánh Linh  cho rằng, nhờ nhiều yếu tố. Như cao su, dù đang rớt giá nhưng những năm trước mủ có giá, nông dân đã lo trả nợ sớm. Là nhờ mô hình vườn tổng hợp. Là nhờ tập quán lối sống của người dân miền Trung, lo trả nợ tốt…Tôi lại nhớ lời của ông Hoàng, ông Thảo là nhờ vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp với lãi suất thấp, được giải quyết vốn đúng thời điểm nên mới cầm cự qua được những sóng gió của bão giá. “Nhờ vay vốn ngân hàng, tôi mới giữ lại được những tài sản mà lúc huy hoàng nhất sắm cho nỗi đam mê” - ông Thảo nói thế rồi khoe: “Tháng trước, có ông kia rất thích bộ chạm trổ rồng phụng này trả tôi 1 tỷ đồng nhưng tôi tiếc, không bán. Với lại, bán lấy tiền rồi cũng không biết để làm gì. Tôi đang tính nuôi heo lại, vì tiếc cái chuồng hiện đại nhưng có gì thì vay Ngân hàng Nông nghiệp”.

BÍCH NGHỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữa vòng xoáy bão giá