Theo dõi trên

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế

29/03/2021, 09:18

BT- Những tháng đầu năm 2021, dịch Covid - 19 với biến thể mới diễn biến nhanh và phức tạp ở trong nước đã ảnh hưởng ít nhiều hoạt động kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế  - xã hội tỉnh quý 1 tươi sáng với nhiều kết quả tăng cao so cùng kỳ năm trước. Tỉnh cũng đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng kinh tế để ứng phó trong trạng thái bình thường mới. 

Hai kịch bản tăng trưởng

Trong bối cảnh thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, UBND tỉnh xây dựng hai kịch bản tăng trưởng. Kịch bản 1 là điều kiện thời tiết không xảy ra hạn hán gay gắt, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, ước tính GRDP năm 2021 tăng 7,45% so với năm trước, trong đó: 6 tháng đầu năm tăng 6,54%, 6 tháng cuối năm tăng 8,19%. Kịch bản 2 là điều kiện dịch Covid-19 bùng phát trở lại trên cả nước, sản xuất nông nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng bởi hạn hán, ước tính GRDP năm 2021 tăng 5,0% so với năm trước, trong đó: 6 tháng đầu năm tăng 4,5%, 6 tháng cuối năm tăng 5,54%. Trên cơ sở dự báo, phân tích của Cục Thống kê, Sở Kế hoạch vàđầu tư về những chuyển biến nền kinh tế - xã hội tỉnh tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng quý 1, triển khai nhiệm vụ quý 2 tổ chức chiều ngày 24/3. Chủ trì cuộc họp này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong tin tưởng: “Mặc dù chúng ta bị ảnh hưởng dịch bệnh ở quý 1, nếu theo dự báo chung của Chính phủ hạn hán không quá gay gắt, dịch Covid - 19 tiếp tục kiểm soát đến cuối năm, trên tinh thần chúng ta phải “chiến đấu” thực hiện giải pháp quyết liệt đạt tốc độ tăng GRDP cả năm 2021 theo Nghị quyết số 54/2020 của HĐND tỉnh đã đề là 7,45%”.

Trên tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, nhiều  giải pháp cụ thể từng quý, đặc biệt những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện thắng lợi tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021. Ông Hà Lê Thanh Chung – Phó Giám đốc Sở Công thương đưa ra các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh. “Trong thời gian đến Sở Côngthương hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh tham gia chương trình giao thương với các doanh nghiệp nước ngoài do Bộ Công thương và các đơn vị xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tổ chức nhằm tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh: thủy sản, thanh long, may mặc”, ông Chung nói.

Xuất khẩu hàng hóa quý 1 tăng trưởng khá

Để khôi phục du lịch trong trạng thái bình thường mới, ông Bùi Thế Nhân – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đề ra các giải pháp: “Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch. Tổ chức nhiều hoạt động để thu hút du khách đến với Bình Thuận mà gần nhất trong các dịp lễ sắp tới 30/4, 1/5 kích cầu du lịch nhằm thu hút du khách... 

Những “điểm sáng” của quý I

Trong quý đầu tiên của năm mới, bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh có nhiều điểm sáng. Nổi bật là giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh tăng 5,8% so với cùng kỳ đạt 8.487 tỷ đồng; trong đó công nghiệp khai khoáng giữ mức tăng trưởng 4,1%, sản xuất phân phối điện tăng cao 9,36%, đạt 4.420 tỷ đồng. Trong tình hình dịch bệnh thu ngân sách tỉnh tiếp tục “bứt phá” với số thu ngân sách tăng 9,8% đạt 3.282 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 2.819 tỷ đồng đạt 46,8% dự toán năm, tăng 26,4%. Mặc dù dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp cũng không ảnh hưởng nhiều đến sức mua của người dân. Hàng hóa trên thị trường ổn định hơn, không xảy ra tình trạng khan hiếm, sốt giá dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 5,38% đây là tín hiệu đáng mừng. Đầu năm nay sản xuất nông nghiệp có phần thuận lợi hơn khi tình hình hạn hán không quá gay gắt, khốc liệt. Do đó, diện tích gieo trồng cây ngắn ngày toàn tỉnh ước đạt 45.928 ha; trong đó, diện tích cây lương thực ước đạt 39.172 ha, tăng 63,1% so cùng kỳ năm trước. Tín hiệu tích cực ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tổng đàn rất lớn, chăn nuôi heo phát triển tốt, tổng đàn trên 301.000 con, nhiều doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi mở rộng tái đàn. Đóng góp vào nền kinh tế tỉnh phải nói kết quả tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng 9,13% ước đạt 116,3 triệu USD, các nhóm hàng xuất khẩu hải sản, nông sản, hàng hóa khác đều tăng trưởng. Đáng chú ý một số mặt hàng nông sản đã xuất khẩu khởi sắc hơn so cùng kỳ như cao su, mặt hàng nhân hạt điều…

Tuy nhiên, nền kinh tế cũng phải đối mặt khó khăn khi hoạt động du lịch chưa thể phục hồi nhanh như trước. Khách du lịch đến Bình Thuận vẫn giảm 20,5% so cùng kỳ năm 2020, trong đó khách du lịch quốc tế giảm sâu 92,27%; doanh thu du lịch giảm 35,5%. Hoạt động dịch vụ vận tải bị thu hẹp, vận tải hàng hóa, vận tải hành khách giảm so cùng kỳ. Tiếp đến là tình hình xuất khẩu thanh long chính ngạch của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm đến 28,2% về giá trị so với năm trước mà nguyên nhân được phân tích là do ảnh hưởng của sâu bệnh làm giảm năng suất trái, giá cả giảm sâu ảnh hưởng tâm lý người trồng thanh long.

    
    “... Không để kinh tế   của tỉnh bị đứt gãy đà tăng trưởng do ảnh hưởng dịch Covid-19, xu hướng   hiện nay có sự dịch chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp TP. Hồ Chí   Minh về các vùng có điều kiện hạ tầng tốt, vì vậy chúng ta đón đầu cơ   hội này đôn đốc đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp để phát triển”. – Chủ   tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong.

 Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế